Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Điểm sáng ở Bali

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Điểm sáng ở Bali

Huỳnh Hoa

(TBKTSG) – Xung đột ở biển Đông đã trở thành đề tài chính của các hội nghị ASEAN đang diễn ra ở Bali, Indonesia, gồm cuộc họp các quan chức cấp cao ASEAN (SOM) ngày thứ Hai, hội nghị các bộ trưởng ngoại giao ASEAN lần thứ 44 (AMM44) vào ngày thứ Ba, đối thoại ASEAN-Trung Quốc ngày thứ Tư, hội nghị ASEAN+3 giữa ASEAN với Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản vào ngày thứ Năm và Diễn đàn Khu vực ASEAN lần thứ 18 (ARF18) vào ngày thứ Bảy tuần này.

Thông qua chuỗi hội nghị quan trọng, ASEAN sẽ bàn bạc rốt ráo về vấn đề biển Đông, tự do hàng hải và xung đột giữa các tuyên bố chủ quyền giữa Trung Quốc và năm nước khác, từ đó khởi động cuộc thảo luận về một bộ quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông (Code of Conduct – COC) dự kiến trình lên hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 19 vào cuối năm nay.

ASEAN cũng đã hoàn tất dự thảo hướng dẫn thực thi Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) – ký kết giữa ASEAN và Trung Quốc năm 2002 – dự kiến sẽ được thảo luận và ký kết trong cuộc đối thoại giữa ASEAN và Trung Quốc ngày 20-7. So với DOC, bộ quy tắc COC có tính ràng buộc về pháp lý, buộc các bên phải tuân thủ những nguyên tắc hành xử để phòng ngừa và giải quyết xung đột trên biển Đông.

Phát biểu khai mạc Hội nghị AMM44, Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono, nói: “Mọi việc không nhất thiết phải chậm chạp như thế này. Chúng ta cần thấy một số tiến bộ trên biển Đông. Chúng ta cần gửi một tín hiệu mạnh mẽ cho thế giới thấy rằng tương lai của biển Đông là dự đoán được, quản lý được và là một tương lai lạc quan”.

Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Marty Natalegawa cũng cho rằng các nước liên quan phải thực thi DOC càng sớm càng tốt để ngăn ngừa những xung đột tiềm tàng ở biển Đông. Tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan thì thúc giục các bên chấp nhận hướng dẫn thực thi DOC. “Tôi chắc rằng chúng ta có thể giải quyết vấn đề này. Hãy chứng minh cho thế giới biết rằng ASEAN và Trung Quốc có thể giải quyết xung đột một cách hòa bình”.

Như vậy gần 10 năm sau khi ký kết DOC, ASEAN đã bắt đầu đẩy nhanh tiến trình hình thành một giải pháp bền vững cho vấn đề biển Đông. Sự thay đổi đó được thúc đẩy một phần bởi ý đồ và những hành động gây hấn gần đây của Trung Quốc muốn áp đặt chủ quyền trên gần 80% diện tích biển Đông – một bước đi mà giới phân tích quốc tế đánh giá là “phép thử” sự đoàn kết của ASEAN.

Có thể kỳ vọng của các nhà lãnh đạo ASEAN tiến nhanh tới một bộ quy tắc COC sẽ không diễn ra suôn sẻ nhưng tinh thần của các hội nghị tại Bali cho thấy ASEAN đã thể hiện một sự đoàn kết, cùng đưa ra tiếng nói chung về một giải pháp hòa bình, dựa trên công pháp quốc tế.

Trong bối cảnh hiện tại, sự đoàn kết của ASEAN có ý nghĩa hết sức lớn lao. Theo giới phân tích, những động thái gần đây của Trung Quốc dựa trên tính toán cho rằng sự đoàn kết trong ASEAN là yếu ớt, một số thành viên ASEAN có thể mua chuộc được hoặc đe dọa được hoặc không dám hy sinh quyền lợi kinh tế trong quan hệ với Trung Quốc để đứng về phía các thành viên có tranh chấp lãnh thổ, từ đó ASEAN sẽ khó mà hình thành một mặt trận đoàn kết vững mạnh để ứng phó với chiến lược của Trung Quốc.

Thêm vào đó, Trung Quốc muốn lợi dụng tình hình hiện thời để phô trương sức mạnh, chuẩn bị giải quyết “dứt điểm” vấn đề biển Đông khi chiếc ghế chủ tịch ASEAN chuyển sang các nước không có quyền lợi trực tiếp ở khu vực này như Campuchia, Lào và Myanmar trong vòng ba năm tới.

Vì vậy, khi ASEAN thể hiện sự đoàn kết gắn bó, cùng tiến tới bộ quy tắc COC, thì đó là câu trả lời hùng hồn cho những tính toán trên của Trung Quốc. Ngay cả ý đồ của Trung Quốc cho rằng biển Đông là vấn đề giữa Trung Quốc với một vài thành viên riêng lẻ của ASEAN, không nên đưa vào nghị trình chung của ASEAN cũng đã thất bại khi biển Đông luôn dậy sóng trong các cuộc hội nghị, hội thảo khu vực từ giữa năm ngoái đến nay. Trái với mong muốn của Trung Quốc, ASEAN đã không chỉ ưu tiên vấn đề biển Đông trong các nghị trình mà còn chủ động đề xuất giải pháp hợp lý.

Tuy nhiên, những khác biệt về quan điểm giữa ASEAN và Trung Quốc như trên cho thấy con đường tiến tới một bộ quy tắc ứng xử COC sẽ không dễ dàng. Quá trình 10 năm thi hành Tuyên bố DOC cho thấy Trung Quốc không tôn trọng các cam kết của họ nếu việc thực thi cam kết đó cản trở ý đồ độc chiếm biển Đông của Bắc Kinh. Ngay cả Công ước quốc tế về luật biển (UNCLOS) mà Trung Quốc tham gia năm 1996 cũng bị Bắc Kinh bỏ qua khi đưa ra bản đồ đường lưỡi bò xâm phạm vào khu vực đặc quyền kinh tế của các quốc gia ven biển Đông.

Dù sao, sự kiện ASEAN đồng thuận đưa ra giải pháp hòa bình cho biển Đông là một sự kiện lớn, buộc Trung Quốc phải điều chỉnh chính sách để phù hợp với lẽ phải và luật pháp. Nếu Bắc Kinh không làm như vậy thì họ sẽ “tự phơi trần” trước cộng đồng thế giới và khu vực.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới