Thứ Sáu, 26/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

‘Điểm sáng’ xuất khẩu thủy sản liệu có lụi tàn trong năm 2023?

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Thủy sản là “điểm sáng” trong bức tranh tổng thể về xuất khẩu của ngành nông nghiệp Việt Nam năm 2022. Thế nhưng, mảng màu sáng này liệu có mất đi trong năm 2023 hay không khi đơn hàng bị đứt gãy ngay những tháng đầu năm tới?

“Điểm sáng” thuỷ sản liệu có kết thúc trong năm 2023?. Ảnh: Trung Chánh

Kết thúc năm 2022, xuất khẩu thủy sản Việt Nam dự báo sẽ đạt mốc gần 11 tỉ đô la Mỹ, cao nhất trong lịch sử xuất khẩu của ngành hàng này. Trong đó, tôm mang về 4,3 tỉ đô la Mỹ, cá tra đạt 2,5 tỉ đô la Mỹ, cá ngừ và hải sản khác lần lượt mang về 1 và 3,2 tỉ đô la Mỹ. Đây là “điểm sáng” trong bức tranh xuất khẩu nông nghiệp của Việt Nam năm 2022. Tuy nhiên, một số dự báo cho thấy bước sang năm 2023, xuất khẩu thuỷ sản sẽ gặp không ít khó khăn.

Cầm cự trong bối cảnh đứt gãy đơn hàng toàn cầu

Cuộc khảo sát đối với 117 doanh nghiệp thủy sản do Tạp chí doanh nhân Việt Nam thực hiện trong thời gian vừa qua cho thấy, có 66,7% doanh nghiệp đánh giá ngành thuỷ sản trong năm 2023 sẽ khó khăn; 14,3% cho biết sẽ rất khó khăn; 15,2% dự báo tiếp tục tăng trưởng và số còn lại cho rằng ngành sẽ gặp bất ổn.

Trao đổi với KTSG Online, giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản ở Đồng bằng sông Cửu Long (xin không nêu tên), chia sẻ rằng đơn hàng trong quí 1-2023, nhất là trong tháng đầu năm, đã bị “đứt gãy” hoàn toàn. “Cùng kỳ năm ngoái, khách hàng đã ký hợp đồng cho năm sau, nhưng hiện nay chưa có hợp đồng nào đáng kể”, ông nói.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết qua ghi nhận thông tin từ các doanh nghiệp hội viên, tính đến thời điểm hiện tại, lượng đơn hàng ký kết cho tháng 1-2023 gần như bằng 0. “Khó khăn này xuất hiện từ những tháng cuối năm 2022 và chuyển sang năm 2023”, ông nói.

Doanh nghiệp thuỷ sản kỳ vọng những khó khăn của ngành hàng này sẽ kết thúc trong quí 1 của năm mới, bởi thị trường đi xuống rồi cũng tăng trở lại, chứ không thể khủng hoảng mãi. “Ngành thuỷ sản dự kiến sẽ mang về 10 tỉ đô la Mỹ trong năm 2023, nếu kịch bản khó khăn chỉ kéo dài đến hết quí 1″, ông Hòe hy vọng.

Những cơ sở cho tín hiệu hồi phục của ngành, đến từ việc Trung Quốc có thể sẽ mở cửa trở lại từ quí 1-2023 khi dịch Covid-19 được kiểm soát; kế tiếp, việc kiểm soát lạm phát của thế giới đang có xu hướng tốt dần lên, từ đó, thị trường tiêu dùng cũng sẽ sớm nhộn nhịp trở lại…

Điểm đặc biệt, theo ông Hoè, đó là kinh tế vĩ mô của Việt Nam hiện nay được đánh giá ở mức khá tốt, cho nên sẽ không bị tác động nhiều như đợt khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009. Trong khi đó, “sức khoẻ” doanh nghiệp ngành thuỷ sản hiện đã tốt hơn so với thời điểm năm 2008. “Chúng tôi cũng không quá bi quan, mà quan trọng hiện nay là tiếp tục cầm cự để làm sao đón bắt cơ hội trong thời gian sắp tới khi thị trường trở lại”, ông nhấn mạnh.

Doanh nghiệp xoay xở ứng phó với khó khăn chồng chất

Trước bối cảnh dự báo ngành thuỷ sản sẽ gặp khó khăn trong năm 2023, câu hỏi được đặt ra, đó là doanh nghiệp phải làm gì để vượt qua?

Vị giám đốc doanh nghiệp nêu trên cho biết, đơn vị này hoạt động trên nền tảng chiến lược mỗi 5 năm. Trong đó, về tài chính, thì mục tiêu của chiến lược là bảo đảm đủ vốn hoạt động, thậm chí ngay cả lúc thị trường khó khăn như dự báo.

Theo vị này, ngân hàng thương mại không thể đáp ứng được đầy đủ nhu cầu vốn cho doanh nghiệp khi cầu luôn cao hơn so với vốn tự có. Vì vậy, huy động vốn trên thị trường chứng khoán là một kênh cơ bản để đơn vị này có thể chủ động cho hoạt động. “Muốn vậy, chúng tôi xác định đường đi tất yếu trong quá trình phát triển là phải minh bạch (bao gồm cả tài chính) và bền vững trên ba trụ cột, gồm môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp”, ông nhấn mạnh.

Qua các giải pháp đã thực thi, thời gian qua doanh nghiệp đã nhận được sự tham gia của các nhà đầu tư chiến lược, giúp doanh nghiệp chủ động nguồn vốn, qua đó, tạo được những chỉ số cân bằng tốt, bao gồm nợ trên vốn, nợ vay trên doanh thu, vị này dẫn chứng.

Trong khi đó, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta (FMC) cho rằng, doanh nghiệp hiện nay không thể sống mà thiếu thông tin, cho nên, hàng ngày lãnh đạo đơn vị này phải thường xuyên thu thập thông tin nhằm tổng hợp, nhận định, đánh giá để đưa ra hướng xử lý kịp thời.

“Giả sử, trường hợp xu thế hiện nay là lạm phát chưa có điểm dừng, thì chúng tôi giảm tối đa tồn kho, thậm chí bằng giá vốn cũng phải bán và nhờ đó đã giúp chúng tôi điều hành rất thành công”, ông dẫn chứng.

Ngoài ra, FMC cũng thực hiện chiến lược giảm chi phí, trong đó, lãnh đạo doanh nghiệp nêu cao ý thức tiết kiệm như tổng giám đốc không đi xe riêng để làm gương cho cấp dưới. “Dù không lớn, nhưng qua đó thể hiện được quyết tâm, sự thống nhất trong xây dựng nền tảng văn hoá doanh nghiệp, tạo chỉ số tốt về chi phí mỗi lúc một thấp hơn, nhất là lúc khó khăn”, ông Lực cho biết.

Song song đó, FMC cũng đã đưa cơ giới hoá, tự động hoá và thậm chí số hoá ở những khâu có thể ứng dụng được. Nhờ vậy, hiệu quả quản trị được nâng lên giúp tăng năng suất, giảm thiểu lệ thuộc lao động cũng như giảm rủi ro chất lượng sản phẩm xuống.

Còn giải pháp mang tính dài hạn để ứng phó cả khi khủng hoảng thị trường, theo ông Lực, đó là phải theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững dựa trên bộ tiêu chí với khoảng 100 chỉ tiêu của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Vị đại diện FMC cho biết, phát triển bền vững là khởi đầu của tiến trình xây dựng văn hoá doanh nghiệp, đạo đức doanh nhân, thậm chí xây dựng chiến lược, đưa đội ngũ điều hành và người lao động tham gia phấn khởi, tạo ra yếu tố bền vững mang tính cốt lõi của doanh nghiệp. “Đó là chiều sâu, giúp tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp so với đối thủ. Bởi, trong bối cảnh khó khăn, doanh nghiệp nào có thương hiệu tốt, được người tiêu dùng tin tưởng, được thể hiện trước cộng đồng là theo đuổi tiêu chí phát triển bền vững, thì chắc chắn sản phẩm của doanh nghiệp đó được người tiêu dùng đón nhận hơn”, ông cho biết.

Ông Hoè của VASEP thì gợi ý, trước bối cảnh dự báo khó khăn, bên cạnh dự trữ chờ cơ hội thị trường “sáng trở lại” như đã diễn ra trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, thì doanh nghiệp ngành thuỷ sản cần sản xuất ở quy mô vừa đủ để nuôi công nhân, tránh dùng đòn bẩy tài chính ở thời điểm này.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới