Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Diễn biến Covid-19 phức tạp, ngân hàng tăng gói hỗ trợ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Diễn biến Covid-19 phức tạp, ngân hàng tăng gói hỗ trợ

Dũng Nguyễn

(TBKTSG Online) – Các ngân hàng tiếp tục tăng quy mô gói cho vay với lãi suất ưu đãi, nhưng khả năng hấp thụ vốn vẫn còn là một dấu hỏi.

Trông chờ bộ tiêu chí 'giải cứu' doanh nghiệp từ ngân hàng

Cần liều vắc-xin cho doanh nghiệp vừa và nhỏ

Diễn biến Covid-19 phức tạp, ngân hàng tăng gói hỗ trợ
Hình minh họa. Ảnh: TTXVN

Mới đây, ngân hàng Vietcombank cho biết đang xem xét mở rộng quy mô gói hỗ trợ doanh nghiệp giảm thiệt hại do Covid-19, từ mức 78.000 tỉ đồng lên tới 120.000 tỉ đồng trong thời gian tới. Con số dư nợ ban đầu được đưa ra vào ngày 11-2 trước đó.

Ngoài việc giảm lãi suất đối với các khoản vay hiện hữu (khoảng 1%/năm đối với dư nợ vay tiền đồng kỳ hạn ngắn, 1,5%/năm đối với trung và dài hạn), các khoản vay mới cũng được giảm lãi suất theo.

“Do tình hình dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp và lan rộng, Vietcombank đang xem xét mở rộng thêm đối tượng khách hàng được áp dụng, đồng thời xem xét mở rộng quy mô dư nợ được hỗ trợ. Nếu xét mức quy mô dư nợ triển khai 120.000 tỉ đồng, dự kiến mức thu nhập sẽ giảm khoảng 300 tỉ đồng", ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó tổng giám đốc Vietcombank, cho biết.

Cũng theo đại diện Vietcombank, ngân hàng sẽ giao thẩm quyền giảm lãi suất cho các chi nhánh để chủ động, linh hoạt hỗ trợ lãi suất cho khách hàng.

Tương tự, Ngân hàng Vietinbank mới đây công bố tăng quy mô gói lãi suất ưu đãi từ 15.000 tỉ đồng lên 30.000 tỉ đồng, với lãi suất cho vay giảm thêm 1,5%/năm đối với các khoản vay tiền đồng, và giảm từ 0,5-0,7%/năm đối với các khoản vay bằng đô la, so với các chương trình trước đây để hỗ trợ doanh nghiệp.

Trong khi đó, ở các nhà băng quy mô nhỏ hơn cũng bắt đầu công bố các gói tín dụng hỗ trợ. Chẳng hạn như gói 1.000 tỉ đồng với lãi suất cho vay từ 7,8%/năm của SEABank. Hay trường hợp SCB cho biết ngân hàng sẽ xem xét giảm lãi suất với khoản vay mới (từ 0,5%/năm đến 1%/năm tùy theo kỳ hạn), đồng thời hỗ trợ ưu đãi phí thanh toán quốc tế với các doanh nghiệp sản xuất dược phẩm, thiết bị vật tư y tế.

Ngân hàng VIB mới đây cũng cho biết đã triển khai gói hỗ trợ giảm lãi suất và giảm phí nhằm hỗ trợ gần 600 khách hàng doanh nghiệp bị thiệt hại, với tổng dư nợ của khách hàng doanh nghiệp được giảm lãi trong đợt này là khoảng 2.500 tỉ đồng, lãi suất giảm trong khoảng 0,5-1,5%/năm.

Theo ước tính ban đầu của VIB, ngân hàng sẽ có khoảng gần 6.500 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, trong đó có khoảng 86 doanh nghiệp lớn và vừa, còn lại là doanh nghiệp siêu nhỏ và khách hàng cá nhân. “Hiện ngân hàng đang xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với các doanh nghiệp sau khi có thông tư hướng dẫn cụ thể của Ngân hàng Nhà nước”, đại diện VIB cho biết.

Trong khi đó, HDBank cho biết cũng sẽ dành khoảng 10.000 tỉ đồng cho vay bình ổn thị trường tiêu dùng và chuỗi cung ứng trong nước, dành cho khách hàng doanh nghiệp cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho  các chuỗi siêu thị như Saigon Coop, Masan,… Trước đó, ngân hàng đã có gói cho vay 3.000 tỉ đồng tài trợ cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất dược, thiết bị, vật tư y tế và gói cho vay lãi suất ưu đãi 5.000 tỉ đồng.

Vào tháng 2 trước đó, rất nhiều ngân hàng thương mại chủ động công bố các gói cho vay ưu đãi, chẳng hạn như gói 10.000 tỉ đồng (lãi suất giảm 2%/năm) của Sacombank, hay gói 3.000 tỉ đồng của TPBank. VPBank thì không công bố quy mô gói tín dụng, nhưng cho biết đồng thời giảm lãi suất các khoản vay tín chấp để hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ (vốn không có tài sản thế chấp).

Ngày 4-3 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 11 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19. Điểm nhấn trong văn bản này là đưa ra thông tin về gói tín dụng hỗ trợ 250.000 tỉ đồng.

Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính, trên thực tế đây là gói tín dụng cam kết hỗ trợ của bản thân từng ngân hàng thương mại, được tính vào chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của ngân hàng trong năm nay.

Trong khi đó, ước tính ban đầu của 23 tổ chức tín dụng là có khoảng 946.000 tỉ đồng dư nợ chịu ảnh hưởng bởi Covid-19, trong đó đã hỗ trợ khoảng 222.000 tỉ đồng bằng nhiều phương thức khác nhau (cơ cấu lại thời hạn, giãn nợ, giảm lãi, phí,…).

Tuy nhiên, đa số các ngân hàng đều nhìn nhận rằng con số này sẽ còn tăng thêm trong thời gian tới, khi các nhân viên tín dụng vẫn liên tục rà soát, đối thoại với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp bởi Covid-19.

Mới đây, Thông tư 01 ban hành bởi Ngân hàng Nhà nước cũng đã tạo khung pháp lý quan trọng cho các ngân hàng thương mại tăng cường hỗ trợ, xử lý các khoản nợ có nguy cơ xấu đi bởi Covid-19. Đây được xem là phương án quan trọng trong thời điểm hiện nay bởi trên thực tế, khả năng hấp thụ vốn vay mới với các doanh nghiệp hiện nay vẫn còn là một dấu hỏi, do các doanh nghiệp hiện nay cần thanh khoản để "sống sót" hơn là cần vốn để mở rộng kinh doanh.

Nhiều ngân hàng ủng hộ kinh phí chống dịch Covid-19

Hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ công tác phòng chống dịch Covid-19 và ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn, 15 ngân hàng và 1 công ty tài chính đã đóng góp kinh phí, bao gồm 12 ngân hàng ủng hộ 10 tỉ đồng (BIDV, Vietcombank, VietinBank, Agribank, MB, Techcombank, HDBank, VPBank, Sacombank, MSB, VIB, ACB), 4 tổ chức tín dụng ủng hộ 5 tỉ đồng (gồm ngân hàng SeABank, Ngân hàng Bắc Á, TPBank và công ty tài chính Fe Credit).

Vị trí đặt bình chọn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới