Thứ Hai, 27/03/2023, 23:10
29 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam: Không thể trì hoãn cải cách

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam: Không thể trì hoãn cải cách

Các nhà doanh nghiệp trao đổi thông tin bên lề Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Ảnh: Trần Hà.

(TBKTSG) – Áp lực cải thiện môi trường kinh doanh ngày càng lớn, trong khi viễn cảnh dòng vốn FDI vào Việt Nam sẽ sụt giảm mạnh do ảnh hưởng lan truyền của khủng hoảng tài chính thế giới không còn là chuyện của tương lai. Giờ là lúc Việt Nam không thể trì hoãn các cải cách, vốn đã được giới đầu tư trong và ngoài nước kỳ vọng từ rất lâu.

Bức xúc chuyện hạ tầng

“Sự tụt hậu có hệ thống của cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải dường như đã trở thành căn bệnh mãn tính trong môi trường kinh doanh (Việt Nam). Chúng tôi e rằng, với bệnh mãn tính thì dùng thuốc liều nhẹ là không đủ, vì thuốc đã bị nhờn. Cần có một cuộc tổng rà soát toàn bộ hệ thống hạ tầng rồi xác định ưu tiên phát triển và đề ra quy hoạch, chiến lược dài hạn, cơ chế đầu tư, thuê tư vấn chuyên nghiệp thay vì cách làm manh mún chắp vá hiện nay”, một doanh nhân nước ngoài nói với TBKTSG bên lề Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) đầu tuần này tại Hà Nội.

Mười lăm năm đầu tư trong lĩnh vực phát triển năng lượng tại Việt Nam, doanh nhân này thú thực ông không nhớ nổi đã gửi bao nhiêu văn bản kiến nghị lên các cơ quan chức năng về hạ tầng yếu kém ảnh hưởng tới cơ hội kinh doanh của công ty ông.

Theo ông, hạ tầng tụt hậu thực ra không phải là vấn đề quá nan giải đối với Việt Nam, thậm chí ngay cả trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn như hiện tại, vì nhiều nhà đầu tư nước ngoài và cả tư nhân trong nước đang xếp hàng chờ xin giấy phép đầu tư song lại vướng cơ chế chính sách và thủ tục hành chính. “Cứ nói là tháo gỡ nút thắt cổ chai, nhưng không quyết tâm làm đến nơi đến chốn thì càng gỡ càng rối”.

Hầu hết các doanh nghiệp nước ngoài mà TBKTSG có dịp tiếp xúc đều có chung nhận định như vậy, trừ số ít chân ướt chân ráo mới đến thì… né vì “ngại đụng chạm”.

Tuy nhiên, Ban thư ký VBF – đại diện cho tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp cả trong và ngoài nước đã cất công tiến hành một cuộc điều tra khá quy mô mang tên “Điều tra cảm nhận môi trường kinh doanh 2008” đối với 254 doanh nghiệp (77% là trong nước, 23% nước ngoài), nhằm tìm hiểu cảm nhận của các công ty về môi trường đầu tư, chiến lược phát triển trong ba năm tới và những vấn đề cần cải cách.

Nhận định chung của họ là môi trường kinh doanh năm nay khó khăn hơn nhiều so với năm trước, với mức độ cảm nhận chung chỉ có 1,9/4 so với 2,7/4 năm 2007 (4 là rất tốt, 1 là kém). Đặc biệt, khảo sát ghi nhận xu hướng gia tăng đáng kể về mức độ thiếu lạc quan của giới doanh nghiệp với 30%/254 công ty cho rằng môi trường kinh doanh năm 2008 là kém, trong khi năm 2007 tỷ lệ chỉ có 5,3%.

Cơ sở hạ tầng xuống cấp là nỗi lo ngại lớn nhất của cộng đồng doanh nghiệp, vì thế không ngạc nhiên khi chỉ số này bị xếp hạng kém nhất, 1,94/4 trong tổng số 13 chỉ số về môi trường kinh doanh ở Việt Nam, theo kết quả của VBF. So với năm ngoái, dường như tình hình phát triển hạ tầng chưa được cải thiện nhiều, điện năng tiếp tục thiếu và không ổn định, cảng biển thì tắc nghẽn do quá tải, đường bộ quá tải còn đường cao tốc vẫn phải… chờ.

Đối với các doanh nghiệp nước ngoài, cải thiện cơ sở hạ tầng là ưu tiên hàng đầu vì các doanh nghiệp này có quy mô lớn hơn và tham gia nhiều vào hoạt động xuất nhập khẩu, nên chất lượng hạ tầng yếu kém ảnh hưởng rất lớn tới chuyện kinh doanh của họ.

Alain Cany, Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu (EuroCham), đề nghị Chính phủ tạo điều kiện cho khu vực tư nhân đẩy nhanh các dự án hạ tầng và tăng tốc các dự án trọng điểm sắp triển khai hoặc chưa hoàn thành. Ông cho rằng, cảng biển phải được ưu tiên phát triển vì nó ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động giao thương xuất nhập khẩu.

Theo ông Nguyễn Ngọc Huệ, Cục phó Cục Hàng hải Việt Nam, cả nước có 266 cảng nhưng không có cảng nào đủ năng lực tiếp nhận tàu 5 vạn tấn, trong khi các cảng trong khu vực có thể đón tàu hơn 10 vạn tấn. Điều này đã hạn chế rất nhiều khả năng khai thác cảng biển của Việt Nam.

Một ngân hàng = 100 báo cáo!

Chuyện thủ tục hành chính nhiêu khê cũng được các doanh nghiệp phản ánh tại diễn đàn lần này. Theo ông Ashok Sud, Trưởng nhóm Ngân hàng của VBF, hiện nay một ngân hàng phải nộp đến 100 báo cáo các loại từ báo cáo ngày tới báo cáo năm cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Chính phủ.

Số lượng báo cáo quá nhiều, có loại trùng lặp nhau gây ra rất nhiều khó khăn cho nhà đầu tư, làm tăng chi phí nhân lực và lãng phí thời gian cho cả các ngân hàng và bản thân NHNN, rốt cuộc chi phí dành cho “rừng” báo cáo này khách hàng lại phải gánh chịu.

Trả lời vấn đề này, Phó thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết, NHNN đang hợp tác với Ngân hàng Thế giới (WB) trong một dự án hỗ trợ của WB nhằm hiện đại hóa hệ thống thông tin của NHNN. “Cuối năm 2010, sẽ có một hệ thống báo cáo cập nhật, hiện đại và linh hoạt hơn”, ông Bình cam kết.

Rào cản thương mại

Ông Fred Burke, Trưởng nhóm Sản xuất và Phân phối của VBF phàn nàn rằng việc tạo điều kiện thuận lợi cho nhập khẩu và phân phối chưa được quan tâm đúng mức. Điển hình là quy định về dây chuyền cung ứng trong lĩnh vực phân phối không thống nhất vì có quá nhiều rào cản thương mại về thuế quan và phi thuế quan, đặc biệt số lượng các quy định về cấp phép “nhiều đến mức lạ thường” và gây phiền hà đang được áp dụng đối với các nhà nhập khẩu.

Tình trạng này đã khiến Việt Nam bị Diễn đàn kinh tế thế giới xếp hạng 114/118 nước năm vừa qua về lĩnh vực các rào cản thuế quan và phi thuế quan đối với thương mại. “Hệ quả là một dây chuyền cung ứng không hiệu quả dẫn đến tăng chi phí đầu vào cho các nhà sản xuất. Để duy trì khả năng cạnh tranh, Việt Nam cần sửa đổi hệ thống này một cách quyết liệt, xóa bỏ những trở ngại và cho phép sự thống nhất có hiệu quả của dây chuyền cung ứng”, ông Burke khuyến cáo.

Cũng theo ông, vấn đề trên đã được nêu ra tại mỗi kỳ VBF kể từ khi Luật Thương mại (sửa đổi) được ban hành vào năm 2005 nhưng đến hôm nay mới nhìn thấy thiệt hại do hệ thống không có hiệu quả này.

Nhiều doanh nhân tham gia diễn đàn nhận định, trong bối cảnh cuộc cạnh tranh thu hút FDI đang trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết, còn các nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu siết chặt túi tiền đầu tư, có lẽ đến lúc chúng ta phải tự sửa mình mới mong cạnh tranh được với các quốc gia láng giềng.

Chỉ trông chờ vào lợi thế giá nhân công rẻ không phải là bước đi đúng đắn, như đã được chứng minh sau 20 năm kêu gọi vốn đầu tư nước ngoài. Vì thế, những kiến nghị của cộng đồng đầu tư cần phải được lắng nghe và biến thành hành động. Chính điều này mới tạo ra sức hút cho môi trường kinh doanh của Việt Nam.

THÀNH TRUNG

Hôm nay, Hội nghị CG khai mạc tại Hà Nội

Sáng nay, 4-12, Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) khai mạc tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội và kéo dài trong hai ngày do Ngân hàng Thế giới (WB) và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đồng tổ chức. Trọng tâm của Hội nghị CG năm nay là ổn định kinh tế vĩ mô và duy trì tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam.

Lãnh đạo Chính phủ, các bộ ngành và cộng đồng nhà tài trợ sẽ thảo luận về tình hình kinh tế – xã hội năm 2008 và đánh giá giữa kỳ việc thực hiện Chiến lược Phát triển kinh tế – xã hội 2006-2010, các tiến bộ trong việc thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ.

Tình hình hiệu quả sử dụng vốn ODA và thành tựu xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam cũng sẽ được thảo luận cùng với các chủ đề chống tham nhũng và cải cách hành chính công. Các đại biểu cũng sẽ đối thoại về tác động của biến đổi khí hậu và Chương trình mục tiêu quốc gia về thích ứng biến đổi khí hậu.

Việc quản lý tập đoàn kinh tế nhà nước và các ban quản lý dự án (PMU) cũng nằm trong chương trình nghị sự của hội nghị. Tại cuộc họp báo ngày 28-11 tại Hà Nội, ông Martin Rama, quyền Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam, nói ông quan tâm đến việc quản lý, giảm sát các tập đoàn nhà nước. “Tôi cảm thấy lo ngại khi họ (tập đoàn) đầu tư vào lĩnh vực tài chính, ngân hàng vì điều này chứa đựng rủi ro, tạo ra những bất ổn tiềm tàng”, ông nói.

Ông Rama bày tỏ quan ngại về công tác quản lý mua sắm và đấu thầu tại các PMU mà theo ông là chưa tốt, đặc biệt ở cấp địa phương. Trong khi đó, trả lời câu hỏi của TBKTSG liên quan đến việc quản lý các ngân hàng thương mại cổ phần phát triển ồ ạt thời gian qua, ông Rama cho biết, Chính phủ phải tăng cường giám sát hệ thống ngân hàng và đánh giá rủi ro. “Năm ngoái, tăng trưởng tín dụng của khối ngân hàng thương mại cổ phần lên tới 95% theo đánh giá của chúng tôi nên khó kiểm soát chất lượng các khoản cho vay”, ông nhận xét.

THÀNH TRUNG

Hỗ trợ vốn, giảm lãi suất cho doanh nghiệp

Ông Vũ Duy Thái, Chủ tịch Hiệp hội Công thương Hà Nội, cho rằng thời điểm này không cần thiết phải ưu tiên chính sách thắt chặt tiền tệ như hồi đầu năm, vì lạm phát đã giảm. “Nếu tiếp tục thắt chặt kéo dài sẽ đẩy thêm nhiều doanh nghiệp dân doanh vào tình cảnh suy vi, số lao động thất nghiệp sẽ nhiều hơn, dư nợ quá hạn sẽ tăng lên. Điều cần kíp trong lúc này là điều chỉnh thứ tự các biện pháp ưu tiên, một số chỉ tiêu kinh tế năm 2009 và hỗ trợ vốn, giảm lãi suất, mở rộng diện được cho vay và điều kiện cho vay để các doanh nghiệp dân doanh khôi phục sản xuất kinh doanh sau gần một năm đình đốn do tín dụng ngân hàng bị thắt chặt”, ông Thái viết trong tham luận gửi VBF. Cũng theo kiến nghị của ông Thái thì phải kích cầu bằng cách kích thích tiêu dùng và sớm hoàn chỉnh chiến lược phát triển thị trường trong nước gắn với xuất khẩu.

SONG THANH

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới