Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Điện gió tại Việt Nam – tiềm năng và đề xuất

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Điện gió tại Việt Nam – tiềm năng và đề xuất

Trần Văn Bình

Nhà máy điện gió đầu tiên của Việt Nam ở xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Thái Bình

(TBKTSG Online) – Tiềm năng năng lượng gió tại Việt Nam cao hơn rất nhiều quốc gia khác tại khu vực Đông Nam Á, nếu đem so với Thái Lan, Lào, và Campuchia.

Một cuộc khảo sát, đo đạc, phân tích và xác minh của Ngân hàng Thế giới (World Bank) cho biết Việt Nam có năng lực để sản xuất đến 513.360 MW điện gió hàng năm.

Theo thông tin của Bộ Công Thương về năng lượng tái tạo của Việt Nam, dự kiến nguồn năng lượng này sẽ tăng 5%. Việt Nam đang có kế hoạch phát triển và thay thế các nguồn năng lượng hóa thạch vào những năm 2015-2025. Điện gió hay còn gọi là năng lượng gió và năng lượng mặt trời dự kiến sẽ chiếm một nửa nguồn năng lượng đó.

Theo một cuộc điều tra của chính phủ, Việt Nam có khoảng 17.400 héc ta được đánh giá là thích hợp cho các dự án, công trình phát triển năng lượng gió. Chính quyền địa phương các tỉnh Bình Định, Ninh Thuận và Bình Thuận sẽ tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ các nhà đầu tư thực hiện dự án, với một tiềm năng khoảng hơn 8.000 MW.

Một trong những nhà máy điện gió đầu tiên của Việt Nam, nằm ở xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, có tổng công suất lắp đặt là 120 MW, năm cánh quạt gió với công suất 1,5 MW xây dựng hoàn chỉnh và đã kết nối vào lưới điện quốc gia vào tháng 8-2009. Toàn bộ thiết bị của 15 cánh quạt gió kế tiếp đã được vận chuyển từ vùng Sauerland của CHLB Đức về đến công trường và chuẩn bị vào công đoạn thi công xây dựng chân cột, lắp ráp đưa tua-bin điện gió lên đỉnh cột, chạy nối các hệ thống dây điện ngầm, và rồi sẽ kết nối điện vào mạng lưới điện quốc gia vào những tháng tới đây.

Cho đến nay Bình Thuận có chín nhà đầu tư trong và ngoài nước đã và đang xin giấy phép khảo sát thực địa và đầu tư cho 11 công trình điện gió. Ninh Thuận có gần 10 nhà đầu tư trong nước cũng như nước ngoài đã lập trạm đo sức gió, lập bản đồ và thu thập các số liệu về gió của vùng quanh năm có nắng chói chang và gió lồng lộng nhiều nhất nước.

Công trình Phương Mai tại Quy Nhơn đã xác định được vị trí của những chân cột gió, 12 động cơ điện gió loại có công suất 2,5 MW sẽ do chuyên viên của tập đoàn Avantis Energy Group thiết kế, xây dựng và lắp ráp trong năm 2011. Tại tỉnh Lâm Đồng hai đề án nhà máy điện gió với công suất 150 MW và 80 MW đang được tích cực triển khai.

Ở phía Bắc, công trình du lịch sinh thái Mẫu Sơn thuộc tỉnh Lạng Sơn dự kiến sẽ xây dựng 20 chân cột điện gió ngay sau khi con đường nối liền vùng đồng bằng với Mẫu Sơn hoàn tất, độ cao của công trình này nằm ở khoảng từ 600-800 mét so với mực nước biển.

Ngoài ra, công ty Thụy Sĩ Aerogie Plus Solution AG đã vào khai thác thị trường năng lượng Việt Nam với công trình nhà máy điện gió kết hợp với động cơ diesel tại Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, với công suất thiết kế 7,5 MW. Công trình có tổng trị giá 28 triệu đô la Mỹ, theo kế hoạch dự kiến sẽ hoạt động vào năm 2011-2012.

Như vậy hơn 20 dự án điện gió đang được triển khai tại Việt Nam, với khả năng tạo ra một sản lượng điện dự kiến là 20.000 MW. Hầu hết điện tạo ra đều được nối vào lưới điện quốc gia, mà cho đến thời điểm hiện nay mọi việc mua, bán, cung cấp, truyền tải và phân phối điện đều do Tổng công ty Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức, điều hành và quyết định.

Trước đây, EVN chỉ mua lại điện với giá 4,7 cent (đô la Mỹ) cho 1 ki lô watt giờ rồi tăng lên 5 cent và 5,5 cent. Nguồn tin hành lang cho hay EVN đã đồng ý mua tới giá 6,5 cent, nhưng giá bán đủ sức lôi cuốn nhiều nhà đầu tư trong cũng như ngoài nước vào thị trường năng lượng gió Việt Nam là 9,5 cent hoặc tối thiểu phải là 8,5 cent.

Đây là bài toán hóc búa với những người có trách nhiệm.

Chính phủ Canada đã có chính sách trợ giá cho những đề án điện gió bằng cách hỗ trợ nâng giá mua điện lên đến 17 cent cho một ki lô watt/giờ. Tại Úc chính phủ đang soạn thảo chính sách hỗ trợ, nâng giá mua điện gió lên 12 cent cho một ki lô watt/giờ. Một khoản trợ cấp tương đương với 1,47 triệu đô la Mỹ của chính phủ Đức thông qua Tổ chức Hợp tác Kỹ thuật Đức (GTZ) đã được công bố vào tháng 8-2009 vừa qua, để giúp đỡ Việt Nam thực hiện một khuôn khổ pháp lý cho việc kết nối điện từ các dự án điện gió vào mạng lưới điện quốc gia. Văn bản và thỏa thuận này cũng kêu gọi phía Việt Nam nhanh chóng phát triển một chính sách liên quan đến tư vấn cho các dự án điện gió. Điều này chứng minh nếu các nhà đầu tư nước ngoài được dễ dàng chuyển lợi nhuận về nước, có thể thúc đẩy vai trò của họ trong công việc tư vấn cho việc phát triển.

“Việt Nam cần cải thiện các chính sách và cung cấp một nền tảng pháp lý vững mạnh để thu hút thêm các nhà đầu tư nước ngoài vào năng lượng tái tạo”, đó là lưu ý của ông Gunter Reithmacher, trưởng đại diện GTZ tại Việt Nam.

Nhìn chung, hiện nay còn một số trở ngại chính cho tương lai phát triển điện gió, đó là: (1) Chưa có chính sách và các quy định, trợ giá trong việc mua điện từ nguồn năng lượng gió; chi phí đầu tư cao hơn các hệ thống phát điện truyền thống vì thế chưa đủ sức hấp dẫn các nhà đầu tư; (2) Vẫn còn thiếu các dịch vụ và khả năng tài chính để có thể vay vốn từ ngân hàng hoặc từ tổ chức tài chính cho việc phát triển điện gió; (3) Chương trình qui hoạch và chính sách của chính quyền địa phương và trung ương nên thật minh bạch, rõ ràng, tránh tình trạng “trống đánh xuôi – kèn thổi ngược”; (4) Thiếu kiến thức và năng lực kỹ thuật để thực hiện một công trình điện gió hoàn chỉnh, cũng như các kỹ thuật cơ bản và dịch vụ bảo quản, bảo trì, điều hành và quản lý… sau lắp đặt.

Những khó khăn này có thể khắc phục được nhờ kinh nghiệm sau một vài công trình đầu tiên đã đi vào hoạt động. Ngoài ra, quá trình xây dựng các trạm đo gió để thu thập, thống kê và phân tích đầy đủ các số liệu về gió cũng mới đang từng bước thực hiện để có một quy hoạch tổng thể trong tương lai.

Theo số liệu, tiềm năng gió của Việt Nam (trên độ cao 65 mét) rất tốt, lớn hơn 210 lần công suất nhà máy thủy điện Sơn La và hơn 10 lần tổng công suất điện dự báo của EVN cho toàn quốc vào năm 2020. Đây mới chỉ là tiềm năng lý thuyết, tiềm năng khai thác được và tiềm năng kinh tế kỹ thuật có thể sẽ nhỏ hơn. Nhưng chúng ta có thể khẳng định rằng, đây sẽ là một nguồn năng lượng tiềm năng đáng kể, ấy là chưa kể nguồn năng lượng gió ở biển.

Nhưng muốn biến tiềm năng thành hiện thực, tất cả tùy thuộc vào chính sách.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới