Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Điện mặt trời, ‘vua mới’ của ngành điện thế giới

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Điện mặt trời, ‘vua mới’ của ngành điện thế giới

Khánh Lan

(TBKTSG Online) – Điện mặt trời sẽ trở thành ‘vị vua mới’ của thị trường sản xuất điện trên toàn cầu với công suất lắp đặt đạt kỷ lục mới qua mỗi năm bắt đầu từ năm 2023, theo dự báo của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), có trụ sở ở Paris, Pháp.

Điện mặt trời, ‘vua mới’ của ngành điện thế giới
IEA nhận định điện mặt trời sẽ dẫn dắt mức tăng trưởng mạnh mẽ của nguồn cung năng lượng tái tạo trong thập niên tới. Ảnh: Getty

Điện mặt trời đang rẻ hơn điện khí và điện than

Trong báo cáo Triển vọng Năng lượng thế giới 2020, công bố hôm 13-10, IEA nhận định điện mặt trời sẽ dẫn dắt mức tăng trưởng mạnh mẽ của nguồn cung năng lượng tái tạo trong thập niên tới.

Báo cáo cho biết trong kịch bản cơ sở (phản ánh các chính sách và mục tiêu về khí hậu hiện nay), năng lượng tái tạo sẽ đóng góp đến 80% mức tăng trưởng sản lượng điện toàn cầu trong 10 năm tới. Báo cáo nhận định năng lượng tái tạo bao gồm thủy điện sẽ vượt qua than để trở thành nguồn sản xuất điện chính trên toàn cầu vào năm 2025.

Thị phần của điện mặt trời và điện gió trong sản xuất điện toàn cầu sẽ tăng từ mức 8% vào năm 2019 lên 30% vào năm 2030. Trong giai đoạn này, công suất điện mặt trời sẽ tăng trưởng trung bình 12% mỗi năm.

Giám đốc điều hành IEA, Fatih Birol, nói: “Tôi cho rằng điện mặt trời đang trở thành ‘vị vua mới’ của các thị trường điện trên thế giới. Dựa vào các chính sách đã thiết lập hiện nay, điện mặt trời sẽ hướng đến các kỷ lục mới về công suất lắp đặt qua mỗi năm sau năm 2022”.

IEA cho biết công nghệ chín muồi và các cơ chế hỗ trợ đang giúp giảm chi phí tài chính ở các dự án điện mặt trời lớn, nhờ vậy, chi phí sản xuất điện mặt trời giờ đây rẻ hơn chi phí sản xuất điện khí và điện than ở hầu hết các nước. IEA lưu ý mức giá điện mặt trời thấp nhất hiện nay, 13 đô la Mỹ/MWh, được thiết lập trong trong một cuộc đấu giá hồi tháng 8-2020 ở Bồ Đào Nha. IEA cho biết công suất điện mặt trời đã tăng gần 20% lần trong thập niên vừa qua và sẽ tiếp tục tăng gấp ba trong thập niên tới trong kịch bản cơ sở.

Trong kịch bản phát triển bền vững, với nhiều chính phủ và nhà đầu tư đặt ra các mục tiêu đưa khí thải carbon về mức zero ròng vào năm 2050 để đáp ứng Thỏa thuận Khí hậu Paris, mức tăng trưởng sản lượng điện mặt trời sẽ càng tăng trưởng ngoại mục, theo nhận định của IEA.

Tuy nhiên, việc tích hợp năng lượng mặt trời và gió vào lưới điện sẽ phụ thuộc vào mức đầu tư ở tất cả bộ phận của hệ thống điện, bao gồm mạng lưới phân phối điện. Nếu không có sự đầu tư mạnh mẽ tương xứng, các lưới điện, đặc biệt là ở các nền kinh tế đang phát triển, sẽ trở thành điểm liên kết yếu trong cuộc chuyển đổi của ngành điện. IEA dự báo trong 10 năm tới, sẽ có thêm 2 triệu km đường dây truyền tải điện, 14 triệu km đường dây phân phối điện được lắp đặt và đầu tư cho lưới điện trên toàn cầu sẽ đạt 460 tỉ đô la Mỹ vào năm 2030.

Thị phần của điện mặt trời và điện gió trong sản xuất điện toàn cầu sẽ tăng từ mức 8% vào năm 2019 lên 30% vào năm 2030. Ảnh: Getty

Covid-19 định hình lại tương lai năng lượng

IEA nhận định đại dịch Covid-19 mở ra cơ hội định hình lại tương lai năng lượng toàn cầu. Báo cáo của IEA có đoạn: “Đại dịch Covid-19 gây rối loạn cho ngành năng lượng hơn bất kỳ sự kiện nào khác trong lịch sử gần đây và để lại các tác động sẽ còn được cảm nhận trong nhiều năm tới”. Thậm chí, nếu nền kinh tế toàn cầu phục hồi chậm chạp sau cuộc khủng hoảng Covid-19, thị trường năng lượng sẽ chịu tác động đến năm 2040.

Trước khi dịch Covid-19 ập đến, nhu cầu năng lượng toàn cầu được dự báo tăng trưởng 12% trong giai đoạn 2019-2030. Theo kịch bản cơ sở của IEA, mức tăng trưởng này giờ đây suy giảm về 9%. IEA cho biết cú sốc Covid-19 khiến nhu cầu năng lượng toàn cầu sẽ suy giảm 5% trong năm 2020, trong đó, nhu cầu dầu giảm 8%, nhu cầu than giảm 7% nhưng nhu cầu năng lượng tái tạo sẽ tăng nhẹ. Năng lượng tái tạo là nguồn năng lượng duy nhất tiếp tục tăng trưởng trong năm 2020.

IEA cho rằng trong kịch bản cơ sở, sự xuất hiện vắc-xin ngừa Covid-19 và các liệu pháp điều trị bệnh viêm phổi cấp này sẽ giúp nền kinh tế toàn cầu phục hồi vào năm 2021, kéo theo sự phục hồi hoàn toàn của nhu cầu năng lượng toàn cầu vào năm 2023.

Tuy nhiên, IEA cảnh báo nếu đà phục hồi kinh tế toàn cầu diễn ra chậm chạp do tác động dai dẳng của đại dịch Covid-19, điều này có thể trì hoãn sự phục hồi đầy đủ của nhu cầu năng lượng của thế giới cho đến năm 2025.
Theo IEA, với các chính sách như hiện nay, nhu cầu than sẽ không bao giờ trở lại mức trước đại dịch Covid-19 và thị phần của than trong cơ cấu sản lượng điện toàn cầu sẽ giảm về dưới mức 20% vào năm 2040.

“Covid-19 kích hoạt sự suy giảm mang tính hệ thống trong nhu cầu than toàn cầu”, IEA nhận định. Tổ chức năng lượng này dự báo đến năm 2025, công suất điện than toàn cầu sẽ suy giảm 275 GW do nhiều nhà máy nhiệt máy nhiệt điện than đóng cửa trước sự trỗi dậy của năng lượng tái tạo và sự cạnh tranh từ khí đốt. Con số này tương đương 13% tổng công suất điện than trên toàn cầu trong năm 2019.

Theo kịch bản cơ sở của IEA, trong dài hạn, nhu cầu khí đốt vẫn tăng trưởng tốt, với phần lớn tăng trưởng tập trung ở châu Á. Nhu cầu khí đốt toàn cầu sẽ giảm mức kỷ lục 3% trong năm nay nhưng sẽ tăng thêm 30% vào năm 2040.
IEA dự báo Covid-19 khiến đầu tư cho hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí trên toàn cầu giảm 1/3 trong năm nay, với mức suy giảm đầu tư ở ngành dầu đá phiến ở Mỹ lên đến 50%.

Thế giới vẫn đang chậm trễ trong các mục tiêu khí hậu

IEA nhận định thị trường dầu sẽ tiếp tục tổn thương trước các bất ổn kinh tế do tác động của Covid-19 và nhu cầu dầu toàn cầu sẽ bắt đầu suy giảm sau năm 2030. Song ông Fatih Birol cho rằng các nhà hoạch định chính sách trên toàn cầu vẫn đang chậm trễ trong các mục tiêu khí hậu.

Ông nói: “Kỷ nguyên tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu sẽ chấm dứt trong vòng 10 năm tới nhưng tôi chưa thấy dấu hiệu nhu cầu dầu suy giảm nhanh rõ ràng khi thiếu vắng sự chuyển dịch lớn trong chính sách của các chính phủ. Nhu cầu dầu sẽ sớm quay trở lại mức trước khủng hoảng Covid-19 khi nền kinh tế toàn cầu phục hồi”.

Về tổng thể, IEA cho biết vẫn còn quá sớm để kết luận rằng đại dịch Covid-19 sẽ đóng vai trò như một cú huých hay là một cản lực đối với các chính phủ và ngành công nghiệp năng lượng giữa lúc họ nỗ lực xây dựng ngành công nghiệp này bền vững hơn.

Nhu cầu năng lượng yếu hơn sẽ giúp giảm lượng khí thải carbon trong năm nay nhưng điều đó chưa đủ để đáp ứng mục tiêu của Thỏa thuận khí hậu Paris kìm hãm nhiệt độ trái đất tăng dưới 2 độ C trong thế kỷ này so với thời kỳ tiền công nghiệp. IEA dự báo mức khí thải carbon trên toàn cầu sẽ tăng trở lại vào năm 2021 sau khi giảm 2,4 Gigaton (Gt) trong năm 2020.

Theo Reuters, Financial Times, CNBC

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới