Thứ Bảy, 30/09/2023, 23:47
34 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


Điện mùa khô ngày càng căng thẳng  

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Điện mùa khô ngày càng căng thẳng  

2 hồ thủy điện Hòa Bình và Thác Bà đã xả 2,2 tỉ mét khối nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, tương đương 430 triệu kWh điện – Ảnh: photobucket.com

(TBKTSG Online)- Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã thông báo tới hệ thống khách hàng, đặc biệt là các khách hàng trọng điểm, về tình hình cung cấp điện mùa khô năm 2008 căng thẳng hơn dự tính trong khi hệ thống cung ứng điện không có công suất dự phòng.

Vỡ kế hoạch

Theo Phó tổng giám đốc EVN Nguyễn Mạnh Hùng, EVN đã xây dựng một kế hoạch phát điện năm 2008 là 80 tỉ kWh (tăng 15,82% so với năm 2007). Kế hoạch này dựa trên những tính toán: EVN sản xuất và mua từ các nhà máy ngoài EVN là 77,2 tỉ kWh (tăng 16,97% so với năm 2007) và tăng thêm điện mua ngoài giá cao của các nhà máy điện độc lập (IPP), các nhà máy điện cổ phần, liên doanh theo hình thức BOT và từ Trung Quốc.  

Trong giai đoạn căng thẳng nhất là các tháng mùa khô (từ 1-1 đến 31-5), sản lượng điện được EVN dự kiến là 31,7 tỉ kWh, tăng 4,8 tỉ kWh so với mùa khô năm trước, sẽ được đáp ứng nhờ huy động từ các nhà máy mới như nhiệt điện Cà Mau 1, Cà Mau 2 và Nhơn Trạch 1 (theo kế hoạch nhà máy này sẽ vận hành từ tháng 4-2008). Bên cạnh đó, nhà máy Uông Bí mở rộng 1, thủy điện Tuyên Quang tiếp tục vận hành ổn định. Sản lượng còn thiếu sẽ mua từ Trung Quốc.

Tuy nhiên, những tính toán của EVN đã “phá sản” ngay từ 3 tháng đầu năm. Nhiệt điện Cà Mau 1 chỉ cung cấp được 42% so với kế hoạch.

Nhà máy điện Uông Bí mở rộng 1 vận hành không ổn định. Do sự cố tổ máy, thủy điện Tuyên Quang phải dừng hoạt động dài ngày từ đầu tháng 2 đến trung tuần tháng 3. Các nguồn khí Cửu Long và Nam Côn Sơn cung cấp cho sản xuất điện không ổn định làm giảm sản lượng các nhà máy tuabin khí (TBK). Nhà máy điện Cà Mau 2 và Nhơn Trạch 1 không thể vận hành trước thời điểm cuối tháng 5-2008. Các hồ thủy điện Hoà Bình, Thác Bà, Tuyên Quang đã phải thực hiện 3 đợt xả nước để phục vụ sản xuất nông nghiệp, thay vì sản xuất điện. Lưu lượng xả ở 2 hồ Hoà Bình và Thác Bà là 2,2 tỉ mét khối nước, tương đương 430 triệu kWh điện.

Để đảm bảo đủ điện, EVN sản xuất và mua từ các nhà máy bên ngoài EVN riêng 3 tháng đầu năm là 17,05 tỉ kWh (tăng 18% so với cùng kỳ năm trước). Trong số này, nguồn điện cung cấp cho công nghiệp tăng 20,95% so với cùng kỳ. EVN cho biết, để đáp ứng nhu cầu phụ tải, họ đã phải huy động các nguồn với giá cao (giá sản xuất trên 4.600 đồng/kWh).    

Miền Bắc sẽ thiếu điện nhiều hơn

Một tính toán khác từ EVN cho thấy, từ nay đến cuối tháng 5, tình hình cung ứng điện tiếp tục căng thẳng nhưng hệ thống không có công suất dự phòng nên biện pháp nhanh nhất là tiết kiệm điện (mức cần thiết là 1,5% điện thương phẩm).

Sự căng thẳng này đặc biệt đáng báo động ở miền Bắc do phụ tải miền Bắc tiếp tục tăng cao, có thể ở mức 78,7 triệu kWh/ngày trong tháng 4 (tăng 21,38%) và 83 triệu kWh/ngày trong tháng 5 (tăng 17,57%) so với cùng kỳ do phụ tải công nghiệp phát triển mạnh.

Các tổ máy nhiệt điện than phía Bắc do phải huy động cao trong mùa khô rất dễ xảy ra sự cố. Nhà máy điện Uông Bí mở rộng I chưa thể khắc phục được các sự cố kỹ thuật. Các công ty Phú Mỹ 3 và Phú Mỹ 2.2 cũng gặp một số vấn đề cần xử lý khác để tăng khả năng khôi phục công suất. Nếu lũ tiểu mãn không về hoặc về muộn hơn tháng 6 thì mực nước các hồ Hoà Bình, Thác Bà tiếp tục xuống thấp hơn mức hiện tại, càng gây khó khăn cho sản xuất điện.

EVN sẽ tiếp tục đàm phán tăng lượng điện mua từ Vân Nam (Trung Quốc). Việc tăng những nguồn điện ngoài EVN mua với giá cao, theo dự tính của ông Nguyễn Mạnh Hùng, sẽ khiến tập đoàn phải bù lỗ 6.100 tỉ đồng (24,11 tỉ kWh mua từ các nguồn BOT và IPP). Riêng số bù lỗ từ nguồn mua nhà máy điện Cà Mau là trên 2.100 tỉ.

Để tránh sự căng thẳng về thiếu điện mùa khô, EVN phải đàm phán với các khách hàng sản xuất trọng điểm (khách hàng sử dụng điện 500kWh trở lên hoặc tiêu thụ điện hàng năm từ 3 triệu kWh trở lên). Mức ký cam kết bắt buộc là giảm 2% số năng lượng tiêu thụ so với mức sử dụng điện cùng kỳ năm 2007 và một số biện pháp tiết kiệm điện trong sản xuất khác. Các cơ quan, công sở phải giảm 10% chi phí điện năng sử dụng hàng năm để bổ sung số cắt giảm đó qua phục vụ sản xuất.

Ông Ngô Xuân Toàn, Phó tổng giám đốc Công ty Thép Việt-Ý cho hay, công ty đã áp dụng mức thưởng phạt khối sản xuất tính theo giá trị tiết kiệm điện. Thép Việt-Ý cũng đầu tư 200 triệu đồng cải tạo nhà xưởng, thành lập phòng công nghệ với mục đích đưa ra công nghệ cải tiến tiết kiệm điện, giúp công ty từ chỗ tiêu thụ 2 triệu kWh/tháng xuống còn 1,6 triệu kWh/tháng.

Ở công ty sản xuất phụ tùng ô tô xe máy Việt Nam, theo lời Phó tổng giám đốc Nguyễn San, hiện đang áp dụng những giải pháp tiết kiệm điện từ Nhật Bản. Với mục tiêu giảm 300.000 kWh điện năng tiêu thụ trong năm nay, công ty sẽ tạo ra được các sản phẩm có giá thành cạnh tranh hơn trước.

NGỌC LAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới