Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Điện tử hóa dịch vụ công

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Điện tử hóa dịch vụ công

Hà Vân

Y tế là một trong những ngành đang đẩy mạnh việc điện tử hóa dịch vụ công. Ảnh chụp tại Bệnh viện Nguyễn Trãi, TPHCM. Ảnh: Lê Minh Khuê.

(TBVTSG) – Anh Nguyễn Văn Lâm, nhân viên xuất nhập khẩu một công ty trang thiết bị y tế tại TPHCM, kể rằng thủ tục nhập khẩu trang thiết bị y tế khá nhiêu khê, phức tạp và phải qua nhiều cơ quan quản lý khác nhau, trong đó có Vụ Trang thiết bị và công trình y tế (Bộ Y tế). Thời gian để được phê duyệt thường là cả tháng đối với các thiết bị mới vì phải thông qua quá trình kiểm định sản phẩm và cấp giấy phép của vụ này.

Công ty của anh Lâm ở TPHCM nên việc gửi hồ sơ cho vụ ở Hà Nội cũng tiêu tốn quỹ thời gian không ít. Nhưng kể từ đầu năm 2010, khi vụ này cho hoạt động thí điểm cổng cấp giấy phép nhập khẩu thiết bị y tế điện tử đối với một số doanh nghiệp, trong đó có công ty anh Lâm, thì công việc của anh trôi chảy hơn.

Đây được xem là một nỗ lực của ngành y tế trong việc cải cách các thủ tục hành chính công bởi Việt Nam đang nhập khẩu 80% thiết bị y tế đáp ứng cho gần 900 bệnh viện lớn nhỏ với nhu cầu rất lớn về trang thiết bị y tế, đa dạng về chủng loại, đòi hỏi độ an toàn và chính xác cao.

Cải thiện điều kiện kinh doanh

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và công trình y tế, cho biết vụ có chức năng tìm hiểu nhu cầu đầu tư, sử dụng, mua sắm trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế, đồng thời phải quản lý công tác sản xuất, nhập khẩu trang thiết bị y tế. Thêm vào đó là cấp giấy phép nhập khẩu thiết bị, giấy phép sản xuất và lưu hành trang thiết bị y tế trên cả nước.

“Đây thực sự là một khối lượng công việc không nhỏ, quản lý nhiều doanh nghiệp dàn trải trên nhiều địa bàn. Chính vì vậy, thủ tục cấp giấy phép nhập khẩu, sản xuất và kinh doanh đôi khi bị chậm trễ, gây khó khăn cho một số doanh nghiệp”, ông nói.

Để giải quyết vấn đề nói trên, từ năm 2006 ngành y tế đã có quyết định ứng dụng CNTT trong các dịch vụ công, trong đó Vụ Trang thiết bị và công trình y tế đã bắt đầu xây dựng cơ sở dữ liệu về sản xuất, nhập khẩu trang thiết bị y tế, đồng thời rà soát lại các thủ tục hành chính có liên quan nhằm xây dựng thí điểm cổng cấp giấy phép nhập khẩu trang thiết bị y tế tại địa chỉ http://boyte.tbtvn.org. Hiện, cổng này đang được thí điểm ở 31 doanh nghiệp.Sau thời gian thực hiện, các doanh nghiệp nhận xét ưu điểm của cổng cấp giấy phép là thủ tục nhập đơn hàng đơn giản hơn vì chỉ cần điền theo mẫu yêu cầu, thời gian giải quyết hồ sơ được rút ngắn vì cơ quan quản lý có thể thông báo cho doanh nghiệp bổ sung hồ sơ thông qua mạng Internet và hầu như doanh nghiệp không phải đến làm việc trực tiếp với cơ quan quản lý. Và cuối cùng là thông tin hai chiều giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp cũng được minh bạch hóa.

Ông Tuấn cho rằng không chỉ doanh nghiệp được hưởng lợi từ việc cấp giấy phép qua mạng mà ngay cả đối với cơ quan quản lý, công việc hành chính cũng đơn giản hơn. Cụ thể, ông có thể theo dõi chuyên viên xử lý hồ sơ qua phần mềm, phân công công việc cho các chuyên viên và tra cứu được hầu hết các tình trạng hồ sơ thông qua cơ sở dữ liệu trực tuyến. Trong khi đó, tổ thư ký không phải lập các bảng báo cáo tổng hợp và hồ sơ viết tay.Sau thời gian thí điểm khá thành công, ông Tuấn cho biết đang có kế hoạch triển khai rộng khắp mô hình này ở tất cả các doanh nghiệp nhập khẩu trang thiết bị y tế; triển khai đào tạo, tập huấn cho các doanh nghiệp thực hiện trên phần mềm và nâng cấp phần mềm cho phù hợp hơn với nhiều mô hình doanh nghiệp.

Theo các chuyên gia thì việc điện tử hóa các dịch vụ công đang góp phần cải thiện môi trường kinh doanh ở Việt Nam một cách rõ rệt. Hầu hết các tỉnh, thành phố, bộ, cơ quan ngang bộ đều có trang web cung cấp các thông tin và dịch vụ hành chính công, song đa số cung cấp dịch vụ ở cấp độ 1. Chỉ có một vài tỉnh thành hoặc cơ quan đang chuyển sang cấp độ 2 và 3. Rất ít đơn vị cung cấp được dịch vụ công cấp độ 4. Ngay như ở TPHCM, dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 mới chỉ là cấp giấy phép họp báo.

Ông Nguyễn Trọng Đường, Vụ trưởng Vụ CNTT (Bộ Thông tin và Truyền thông), cho biết hiện các dịch vụ công trực tuyến được cung cấp tại Việt Nam mới ở mức độ khởi đầu, đa dạng nhưng phát triển theo hàng ngang, nghĩa là đa số các dịch vụ được cung cấp ở cấp độ 1 và 2, nên cần tập trung đẩy mạnh việc cung cấp dịch vụ theo hàng dọc. “Cơ quan nào đã xây dựng được ứng dụng ở cấp độ 3 thì nên tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện dịch vụ của mình để tiến lên cấp độ 4 nhằm phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn nữa”, ông Đường nói.

Giúp nông dân làm giàu

Cổng thông tin “Bạn nhà nông”.

Nhiều chuyên gia cho hay các dịch vụ công điện tử không chỉ phục vụ đối tượng doanh nghiệp mà còn là chiếc cầu nối giúp người dân tiếp cận tốt hơn với nhiều nguồn thông tin để nâng cao hiệu quả sản xuất-kinh doanh.Tỉnh Đồng Tháp là một trong những vựa lúa lớn nhất nước, nơi tập trung hơn 80% dân số sống ở nông thôn thì việc triển khai dịch vụ công điện tử quả là không dễ khi mà trình độ tin học của người dân còn hạn chế.

Ông Ngô Quang Tuyên, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đồng Tháp, cho biết để xây dựng được các dịch vụ công điện tử, chính quyền tỉnh phải phát triển mạng thông tin liên lạc hiện đại, đẩy nhanh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực sản xuất và đời sống xã hội, đặc biệt là đối với nông dân.

Để làm được điều đó, tỉnh Đồng Tháp đã dùng ngân sách để phổ cập tin học cho người dân. Từ năm 2007 đến nay, tỉnh đã tổ chức được 1.000 lớp phổ cập cho thanh niên nông thôn với khoảng 20.000 học viên, 28 lớp phổ cập cho cán bộ Hội Nông dân với 556 học viên, 12 lớp phổ cập cho Hội Liên hiệp Phụ nữ với 240 học viên, sáu lớp kỹ năng khai thác thông tin trên mạng Internet cho cán bộ nông nghiệp cấp xã và nông dân sản xuất giỏi với 96 học viên…

Song song với việc phổ cập tin học cho nông dân, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đồng Tháp đã phối hợp với Hội Nông dân và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh xây dựng trang web “Bạn nhà nông” (địa chỉ http://www.bannhanong.vn) để cung cấp thông tin và hỗ trợ kỹ thuật cho người nông dân. Trang web này cũng hỗ trợ giải đáp thắc mắc về giá cả thị trường, kỹ thuật nuôi trồng…

Ông Tuyên cho biết hiện trang web “Bạn nhà nông” được nông dân đón nhận một cách tích cực bởi nó giúp họ nắm bắt thông tin kịp thời trong sản xuất-kinh doanh. Đây thực sự là kênh thông tin hữu ích giúp nhà nông làm giàu.

“Chúng tôi đã ‘đào kênh – dẫn ngọt – ém phèn’ cải tạo Đồng Tháp Mười hoang sơ để mang lại cái ăn cho nhân dân. Bây giờ, chúng tôi phấn đấu kéo đường truyền Internet để mang thông tin về cho nhân dân, giúp dân làm giàu”, ông Tuyên nói.

Cũng theo ông Tuyên, trang thông tin này được xem như một bước đệm giúp người nông dân từng bước tiếp cận với nguồn thông tin vô tận trên Internet và làm quen với những khái niệm còn mới mẻ như dịch vụ công trực tuyến.Với phương châm mang thông tin đến trước cho người dân rồi mới triển khai dần các dịch vụ công trực tuyến, đến nay tỉnh Đồng Tháp đã triển khai dịch vụ “một cửa điện tử” tại năm huyện, thị xã, thành phố khá thành công. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn ngày càng tăng lên. Bên cạnh đó, hệ thống còn cung cấp chức năng tra cứu kết quả giải quyết hồ sơ thông qua nhiều kênh: cổng thông tin hành chính, tin nhắn SMS, tổng đài tự động và kiosque tra cứu thông tin. Cụ thể, người dân chỉ cần mất 300 đồng nhắn tin là có thể thay được cả một buổi chầu chực khi làm thủ tục hành chính. Mức độ hài lòng của họ ngày càng tăng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới