Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Điện và cốc nước chè!

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Điện và cốc nước chè!

Tấn Đức

Thị trường điện của Việt Nam hiện vẫn do EVN độc quyền nắm giữ – Ảnh: Lê Toàn.

(TBKTSG) – “Một kWh điện của Việt Nam chưa đến 1.100 đồng, trong khi một cốc nước chè là 2.000 đồng”. Ông Phạm Mạnh Thắng, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, lấy nước chè, loại thức uống bình dân bán ở quán cóc vỉa hè, so với giá điện để minh chứng điện ở Việt Nam hiện nay rẻ như thế nào và việc tăng giá điện là điều tất yếu.

So sánh như thế là khập khiễng. Người tiêu dùng có thể chọn lựa bỏ ra 2.000 đồng để được phục vụ một ly trà ở quán cóc, hoặc tự pha một bình trà ở nhà với chi phí rẻ hơn nhiều. Nhưng với điện thì không được như vậy. Sẽ là thiếu thuyết phục nếu từ giá cả của những sản phẩm, dịch vụ không có liên quan gì để suy ra giá điện hiện nay là thấp hay cao, mà phải xem xét đến chi phí sản xuất. Chúng ta chỉ có thể đồng ý với nhận định giá điện thấp, nếu ngành điện chứng minh được mọi chi phí tính vào giá thành là hợp lý.

Cụ thể hơn, phải chứng minh được giá điện hiện nay không phải cõng các khoản thất thoát trong quá trình đầu tư xây dựng và những tiêu cực phí khác; những cái giá phải trả do chọn sai công nghệ, thiết bị và nhà thầu; không phải mang gánh nặng do kém cỏi trong công tác quản lý, điều hành và nuôi bộ máy nhân sự quá mức cần thiết… Đó là những thông tin các khách hàng của ngành điện luôn muốn biết.Từ nhiều năm qua, ngành điện luôn thúc giục Chính phủ cho bán điện theo giá thị trường. Theo tính toán của tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), để ngành điện có lãi và đủ tích lũy để tái đầu tư mở rộng sản xuất, cần tăng giá thêm 40,8%. Đề xuất này sẽ chẳng bao giờ thuyết phục được người tiêu dùng, một khi những chi phí đầu vào của sản xuất, kinh doanh điện chưa minh bạch.

Lẽ đương nhiên, mua bán điện theo cơ chế thị trường là cần thiết và Chính phủ cũng chủ trương làm việc này. Tuy nhiên, ngành điện lại chỉ muốn bán điện theo giá thị trường, trong khi vẫn khư khư giữ độc quyền kinh doanh. Cụ thể là EVN đến nay vẫn không muốn chia sẻ dịch vụ truyền tải, phân phối cho bất kỳ ai. Đã là thị trường thì phải có nhiều người bán, nhiều người mua. Ở đó, người tiêu dùng có được quyền cơ bản, là được chọn nhà cung cấp dịch vụ thích hợp.

Tất nhiên, các doanh nghiệp điện cũng có quyền được bán điện theo nhiều giá khác nhau, tùy thuộc vào chất lượng dịch vụ. Chắc chắc rằng, sẽ có không ít khách hàng dễ dàng chấp nhận mua điện với giá cao hơn hiện nay 40,8%, thậm chí có thể hơn nữa, để được hưởng chất lượng dịch vụ tốt, không phải lo lắng bị cắt điện luân phiên hoặc chập chờn.Vừa qua, Chính phủ đã quyết định cho phép ngành điện tăng 15,28% giá kể từ đầu tháng 3-2011. Trước khi có quyết định này, lãnh đạo Bộ Công Thương và một số quan chức Chính phủ khác đã giải thích rằng, nếu không cho tăng giá điện thì Việt Nam sẽ không thể giải quyết được tình trạng thiếu điện, do không ai muốn đầu tư.

Điện cũng như bao ngành sản xuất kinh doanh khác. Chỉ có lãi thì các doanh nghiệp mới chịu bỏ vốn ra đầu tư. Tuy nhiên, để bảo đảm đủ nguồn điện cho nền kinh tế, giải pháp tăng giá điện vẫn chưa đủ, mà phải hình thành thị trường điện theo cơ chế thị trường, trong đó mọi doanh nghiệp sản xuất và cung cấp dịch vụ điện năng phải được đối xử bình đẳng. Còn với cơ chế như hiện nay, nếu chiều theo đề xuất tăng giá tối đa của ngành điện, không ai dám chắc đó có phải là giá cả hợp lý hay chưa. Khi ấy, không chỉ doanh nghiệp và người tiêu dùng điện phải trả giá, mà còn ảnh hưởng xấu đến cả nền kinh tế.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới