Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Điệp khúc chậm trễ nhìn từ dự án xây cầu kéo dài 20 năm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Điệp khúc chậm trễ nhìn từ dự án xây cầu kéo dài 20 năm

Lê Hoàng

(TBKTSG Online) – Dự án cầu Long Kiểng (huyện Nhà Bè) được UBND TPHCM phê duyệt được khoảng 20 năm trước nhưng đến giờ vẫn chưa hoàn thành việc xây dựng, gây nhiều bức xúc trong dân.

Điệp khúc chậm trễ nhìn từ dự án xây cầu kéo dài 20 năm
Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ nói về dự án cầu Long Kiêng chậm tiến độ tại Kỳ họp. Ảnh: H.T

Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ nêu ra thông tin nói trên khi đề cập đến việc chậm trễ việc thực hiện xây dựng cầu Long Kiểng tại Kỳ họp thứ 20 HĐND TPHCM khóa IX vào chiều ngày 10-7. Theo bà Lệ, nhiều năm qua người dân khu vực này luôn trông ngóng cây cầu này.

20 năm chờ đợi cây cầu nối đôi bờ

Nữ Chủ tịch HĐND kể lại câu chuyện khi tham gia đoàn giám sát tại huyện Nhà Bè, bà Lệ đã gặp một cụ bà sống dưới gầm cầu, cử tri này nói rằng cây cầu đã được triển khai khi bà 60 tuổi, nay đã 20 năm trôi qua vẫn chưa nhìn thấy công trình hoàn thành.

"Cụ bà mong muốn được nhìn thấy cây cầu hình thành", bà Lệ thuật lại nỗi mong muốn của cư dân hơn 80 tuổi kể trên và câu chuyện đã làm nóng phiên thảo luận tại hội trường cuộc họp HĐND TPHCM chiều ngày 10-7.

Theo người đứng đầu HĐND TPHCM, việc thi công cây cầu mà đến 20 năm làm vẫn chưa xong thì khó chấp nhận, trách nhiệm không chỉ ở địa phương mà còn là trách nhiệm chỉ huy tổng thể của UBND TPHCM.

Ông Nguyễn Minh Nhật, Phó Ban đô thị HĐND TPHCM, cho biết bên cạnh một số mặt tích cực, nhìn chung việc thực hiện nhiều dự án giao thông còn chậm tiến độ. "Các dự án chậm tiến độ không những gây ô nhiễm môi trường, kẹt xe, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống người dân mà còn ảnh hưởng đến phát triển kinh tế – xã hội của thành phố", ông Nhật nói.

Bên cạnh cây cầu Long Kiểng, một số dự án xây dựng cây cầu khác đã khởi công nhưng kéo dài đến nay chưa xong như cầu Bưng nối Tân Phú – Bình Tân, cầu Bình Tiên nối giao thông quận 6 và quận 8… cũng chậm tiến độ nhiều năm,…

Theo đại biểu Lê Minh Đức qua giám sát cho thấy nhiều dự án triển khai chậm hoặc dừng lại giữa chừng vì nhiều lý do khó chấp nhận. Đơn cử như  dự án cầu Nam Lý ở quận 9, đươc khởi công từ tháng 10-2016 và dự kiến 18 tháng là hoàn thành. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa xong.

"Các cơ quan, ban ngành cho rằng do vướng mặt bằng đường dẫn cầu", đại biểu Đức nói, và giải thích thêm rằng "Nghĩa là cầu thì chờ đường và đường thì chờ cầu, nên bà con cử tri rất bức xúc”.

HĐND đi giám sát tại quận 2, bà con cũng rất bức xúc khi dự án mở rộng đường Lương Định Của (quận 2) đã triên khai 4 năm, nay con đường này rơi vào hiện trạng nắng thì bụi, mưa thì lầy lội.

"Thành phố có đánh giá được năng lực tài chính của các đơn vịu thi công hay không? Trách nhiệm của các cơ quan quản lý và địa phương như thế nào khi chậm giao mặt bằng khiến dự án chấm tiến độ", ông Đức đặt câu hỏi.

Theo ông Nguyễn Minh Nhật, hiện danh mục các dự án giao thông trọng điểm rất nhiều nhưng nhiều cái khó thực hiện. Nhiều công trình dự kiến khởi công mới nhưng còn nhiều cái chưa làm xong. Vì theo báo cáo của Ban quản lý đầu tư các công trình giao thông hiện có 17 dự án lớn đang thi công; 29 dự án đang thi công nhưng cầm chừng và tới 28 dự án phải ngưng thi công do chưa có mặt bằng.

"Điều này cho thấy chúng ta sử dụng nguồn lực quá dàn trải nên mới có tình trạng này. Sắp tới, thành phố cần có giải pháp quyết liệt, nên tập trung nguồn lực để làm cho xong một dự án", ông Nhật nói và đề nghị Sở Giao thông Vận tải cho biết cơ sở nào để lập danh mục các dự án giao thông theo thứ tự ưu tiên.

Điệp khúc: Chậm do chờ mặt bằng

Tại phiên thảo luận chiều ngày 10-7, các đại biểu HĐND cho biết nhiều dự án vẫn còn kéo dài. Giai đoạn 2016-2020 Thành phố có 172 dự án nhưng chỉ hoàn thành 37 dự án, giai đoạn 2018-2020 có 85 dự án nhưng chỉ hoàn thành 14 dự án.

Trả lời câu hỏi của các đại biểu, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý đầu tư các công trình giao thông TPHCM, đơn vị được giao làm chủ đầu tư phần lớn các dự án giao thông lớn trên địa bàn, cho rằng việc chậm tiến độ có một phần trách nhiệm và năng lực của chủ đầu tư, tư vấn giám sát, nhà thầu thi công. Tuy nhiên ông Phúc cũng cho rằng đây không phải là những vấn đề lớn vì hiện các đơn vị này đủ năng lực để thực hiện các dự án.

Theo ông Lương Minh Phúc, bình quân thời gian thi công các dự án chỉ từ một đến hai năm, ngắn hơn thời gian chờ đợi mặt bằng. "Chỉ cần có mặt bằng sạch, công trình sẽ được thi công đúng theo tiến độ và đảm bảo chất lượng", ông Phúc nói.

Ông Phúc dẫn chứng, dự án cầu Nam Lý (quận 9) đã phải ngưng thi công một năm nhưng chỉ cần có mặt bằng sạch thì sẽ hoàn thành trong 12 tháng; dự án đường Lương Định Của (quận 2) đã chậm tiến độ so với kế hoạch 4 năm nhưng chỉ cần được giao mặt bằng thì trong 9 tháng là có thể hoàn thành. Hay cầu Long Kiểng nếu được huyện Nhà Bè bàn giao mặt bằng cũng sẽ mất khoảng 1 năm để thi công.

Cũng theo ông Phúc, áp lực và khó khăn lớn nhất đối với các dự án giao thông trên địa bàn thành phố là mặt bằng. Ông mong HĐND thành phố ủng hộ vấn đề này và xem đây là một nội dung đánh giá lãnh đạo quận huyện có hoàn thành nhiệm vụ hay không? Chỉ thị của Thành uỷ cũng đã xác định trách nhiệm giải phóng mặt bằng là của người đứng đầu các quận, huyện.

Có cùng quan điểm nêu trên, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM, cũng cho rằng các dự án chậm trễ chủ yếu do công tác giải tỏa mặt bằng, bồi thường thực hiện quá chậm. Ông Lâm cũng cho rằng vai trò của người đứng đầu các quận huyện rất quan trọng trong công tác giải phóng mặt bằng.

Mặt khác, theo ông Lâm, tất cả dự án trong danh mục ưu tiên đầu tư đều thực hiện quy hoạch và xuất phát từ nhu cầu cầu phát triển của các quận, huyện nên có dự án do các địa phương đề xuất, có cái do Sở Giao thông Vận tải đề xuất.

Theo ông Lâm, sắp tới, Sở Giao thông Vận tải sẽ tham mưu UBND thành phố có quy định thống nhất những dự án nào thì do sở đề xuất, dự án nào do quận huyện đề xuất. Hiện Sở đã có trung tâm mô phỏng giao thông. Từ cơ sở dữ liệu này, TPHCM sẽ xác định thứ tự ưu tiên các dự án giao thông cần triển khai, để đạt hiệu quả cao.

Dự án cầu Long Kiểng được UBND TPHCM phê duyệt đầu tư từ tháng 5-2001. Dự án cầu Long Kiểng mới bắc qua sông Phước Kiểng, huyện Nhà Bè (TPHCM) sẽ thay thế cầu sắt cũ nhỏ hẹp, tải trọng thấp. Cầu mới sẽ cải thiện tình hình giao thông trên tuyến đường Lê Văn Lương, nối thông quận 7 với huyện Nhà Bè; đồng thời, tạo điều kiện phát triển giao thông đường thủy để phát triển kinh tế – xã hội của hai địa phương quận huyện này.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới