Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Điệp khúc chờ hoàn thuế GTGT…

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Điệp khúc chờ hoàn thuế GTGT…

Minh Tâm

(TBKTSG Online) – Nhân buổi đối thoại với lãnh đạo Cục Thuế và Cục Hải quan TPHCM diễn ra hôm nay, 21-4, nhiều doanh nghiệp đã phản ánh tình trạng cơ quan quản lý "đẻ" thêm nhiều quy định bất hợp lý, gây khó khăn cho việc hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT). Những khó khăn này càng khiến doanh nghiệp cảm thấy bơ vơ, cô độc giữa lúc đang cần được hỗ trợ.

Điệp khúc chờ hoàn thuế GTGT...
Công văn 792 của Tổng cục Thuế được doanh nghiệp cho rằng không phù hợp với thực tế xuất nhập khẩu hàng hóa. Trong ảnh: hàng hóa qua cảng Cát Lái, TPHCM. Ảnh: Minh Tâm

Quy định… trên trời

Công ty TNHH May Thêu Thuận Phương phản ánh, vào ngày 1-3-2016, Tổng cục Thuế có công văn 792/TCT-KK với nội dung: “Trường hợp hàng hóa, dịch vụ mua vào có hợp đồng và hóa đơn lập và ký sau ngày hàng hóa có xác nhận thực xuất của cơ quan Hải quan thì dừng khấu trừ, hoàn thuế giá trị gia tăng tương ứng đối với các hóa đơn mua vào này. Trường hợp hóa đơn mua vào liên quan đến chi phí vận chuyển hàng hóa đến cửa khẩu để xuất khẩu được lập và ký sau ngày hàng hóa có xác nhận thực xuất của cơ quan Hải quan thì dừng khấu trừ, hoàn thuế GTGT đầu vào tương ứng đối với toàn bộ lô hàng xuất khẩu”. Nội dung này nằm trong công văn 10492/BTC-TCT ngày 30-7-2015 của Bộ Tài chính.

Yêu cầu này, theo Công ty Thuận Phương là không hợp lý. Bởi lẽ, ngày chuyển hàng hóa vào kho của hãng tàu hoặc ngày chuyển hạ container vào cảng đồng thời là ngày xác nhận thực xuất của cơ quan hải quan. Sau đó, hàng hóa được lưu tại cảng để chờ lịch chạy của hãng tàu với thời gian từ 2-7 ngày (tùy xuất lẻ hay container). Các hãng tàu chỉ xuất hóa đơn dịch vụ cho khách hàng (nhanh nhất)  sau 1 ngày kể từ ngày tàu chạy để đảm bảo tính chính xác cho doanh thu của bên cung ứng dịch vụ.

Trao đổi với TBKTSG Online bên lề buổi đối thoại, đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu cao su bức xúc cho biết, quy định kể trên của công văn 792 là hoàn toàn phi thực tế, người ban hành là người không có kiến thức về xuất nhập khẩu, vận chuyển. Và vì sự vô lý của công văn này mà công ty bà cũng như hàng loạt công ty xuất khẩu cao su đang bị treo hàng chục tỉ đồng tiền hoàn thuế. "Riêng chúng tôi là 31 tỉ đồng cho các hồ sơ hoàn thuế từ tháng 11-2015 đến tháng 3-2016", đại diện doanh nghiệp nói.

Ông Lê Tư, Phó trưởng phòng Phòng tuyên truyền và hỗ trợ người nộp thuế, Cục Thuế TPHCM cho biết, ngày 7-4, Cục Thuế TPHCM đã có công văn báo cáo và xin ý kiến của Tổng cục Thuế về vấn đề này. Cục Thuế TPHCM cũng đề xuất trong trường hợp hóa đơn đầu vào liên quan đến chi phí vận chuyển xuất sau ngày hàng hóa có xác nhận thực xuất của cơ quan hải quan thì vẫn được khấu trừ, hoàn thuế GTGT. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Cục Thuế TPHCM vẫn chưa nhận được hướng dẫn của Tổng cục Thuế.

Nỗi buồn của doanh nghiệp

Bà Nguyễn Thị Cúc (80 tuổi), Chủ nhiệm Hợp tác xã Mây tre lá Ba Nhất, cho rằng Nhà nước liên tục thay đổi chính sách và những luật lệ đã khiến doanh nghiệp điêu đứng. Bà kể, trong đợt tết vừa rồi, hàng ngàn xã viên của bà đã suýt chút nữa không có tết. Nguyên nhân vì “tự nhiên ông Bộ Tài chính đổi một cách ngược ngạo, không cho Cục Thuế thanh toán mà phải ra Bộ Tài chính” (mọi hồ sơ hoàn thuế phải được Tổng cục Thuế xem xét sau khi chi cục thuế, cục thuế địa phương duyệt, làm thời gian hoàn thuế kéo dài – PV).

“Các vị thì cười ăn tết nhưng mấy ngàn xã viên khóc hết nước mắt. Vì chuyện hoàn thuế… 20 tết, đưa hồ sơ lên Cục. Vậy mà cô Nga, cô Tám… (các phó cục trưởng Cục Thuế TPHCM – PV) không thể giải quyết vì tất cả phải ra Bộ Tài chính. Sao lại đổi bất ngờ vậy? Nếu Cục Thuế làm việc không tốt thì giải tán đi. Để Cục Thuế ngồi đó làm gì mà phải ra Bộ Tài chính?” bà Cúc chất vấn tại hội trường và đề nghị khi có quy định mới cần có thời gian để doanh nghiệp chuẩn bị.

Bà Cúc tâm sự hôm đó bà đã khóc hết nước mắt khi biết không thể nhận được tiền hoàn thuế như kế hoạch để có tiền trả lương, thưởng cho xã viên. 40 năm làm hợp tác xã, ở thời điểm đó bà chỉ biết khóc. Bà đã không ra nước ngoài sinh sống, ở lại tạo công ăn việc làm cho người nghèo, biến rác thành sản phẩm xuất khẩu. Xã viên lên đến vài chục ngàn người, từ miền Bắc đến miền Nam.

“Thế mà nhà nước chưa bao giờ thương tôi. 40 năm nay tôi chưa bao giờ được ưu đãi…”, bà nói.

Bà Lê Thị Tú Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Nông nghiệp GAP, cho biết công ty bà đang nhập khẩu dây chuyền sản xuất viên nén gỗ từ các phế liệu trong nông nghiệp. Hàng đang trên đường về nhưng bà chưa thể biết dây chuyền phải chịu thuế nhập khẩu, thuế GTGT bao nhiêu bởi các quy định không rõ.

Chưa hết, điều bà lo lắng là nếu chịu thuế 10% thì công ty bà sẽ phải làm thủ tục hoàn thuế. “Mà nói thiệt, nhiêu khê lắm”, bà ngao ngán vì có kinh nghiệm nhập khẩu phân bón hữu cơ mà hơn hai năm chưa được hoàn số tiền 2,2 tỉ đồng.

“Chúng tôi phải vay ngân hàng để có vốn lưu động. Vậy mà Chi cục thuế Phú Nhuận cứ trả hồ sơ tới lui, làm tới làm lui… Đầu tư dây chuyền với số thuế hơn 2 tỉ đồng thì bao lâu nữa mới được hoàn thuế?” bà Tú Anh nói.

Xem thêm:

Hoàn thuế GTGT: doanh nghiệp đã chịu hết nổi!

Lỗi tại… quỹ hoàn thuế

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới