Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Điều chỉnh hoạt động sản xuất để tồn tại trong cơn bão dịch

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Điều chỉnh hoạt động sản xuất để tồn tại trong cơn bão dịch

Nguyễn Vũ

(TBKTSG) – Dịch Covid-19 tác động nặng nề đến các doanh nghiệp, ngay cả những doanh nghiệp ở nơi dịch đã tạm thời đi qua như Trung Quốc. Trong khi đó lại có những doanh nghiệp sẵn sàng điều chỉnh dây chuyền sản xuất để làm ra máy thở mà các bệnh viện đang cần để cứu người.

Điều chỉnh hoạt động sản xuất để tồn tại trong cơn bão dịch
Elon Musk hứa hẹn sẽ sử dụng chuỗi cung ứng của hãng xe hơi Tesla và hãng chế tạo tên lửa không gian SpaceX vào việc lắp ráp máy thở.

Cú sốc thứ nhì với Trung Quốc

Một khi dịch Covid-19 tạm ngưng hoành hành ở Trung Quốc, số ca nhiễm giảm mạnh, chủ yếu chỉ còn những trường hợp nhiễm từ bên ngoài vào, người ta cứ tưởng hoạt động sản xuất ở nước này sẽ phục hồi như cũ. Thực tế không phải vậy.

Hãng tin Bloomberg dùng Pangu Industrial Co., một công ty ở Sơn Đông chuyên sản xuất búa và rìu để xuất khẩu qua châu Âu làm ví dụ minh họa. Suốt cả tuần qua, hộp thư điện tử của Grace Gao, giám đốc xuất khẩu công ty này tràn ngập thư từ khách hàng yêu cầu hoãn, hủy đơn hàng hay đề nghị cho tăng thời gian thanh toán chậm thêm hai tháng nữa. Dù tình hình dịch bệnh ở Trung Quốc chững lại, Covid-19 vẫn tung hoành ở châu Âu và nhiều nước khác, nhiều nước yêu cầu người dân ở yên trong nhà, đóng cửa mọi hoạt động, đương nhiên hàng nhập về sẽ không bán được. Thế là hàng loạt nhà máy ở Trung Quốc hăm hở khởi động lại máy móc nay khựng lại thêm một lần nữa.

Giám đốc Gao than với Bloomberg doanh số bán hàng tháng 4 đến tháng 5 sẽ giảm mạnh, chừng 40% so với cùng kỳ năm ngoái. “Mới tháng trước khách hàng đòi chúng tôi giao hàng, hỏi chúng tôi bao giờ mở cửa nhà máy trở lại. Nay đến lượt chúng tôi đuổi theo họ, hỏi xem có nhận hàng đã ký kết không”, ông này kể.

Xu hướng này cho thấy nền kinh tế Trung Quốc không dễ phục hồi sau dịch như họ kỳ vọng, không dễ bù đắp thiệt hại xảy ra trong tháng 2 khi họ phải hy sinh kinh tế để đương đầu với dịch bệnh. Xing Zhaopeng, nhà kinh tế của Australia & New Zealand Banking Group, nhận định: “Rõ ràng đây là cú sốc thứ nhì cho kinh tế Trung Quốc”. Khi virus corona lan ra toàn cầu sẽ tác động lên nền sản xuất ở Trung Quốc từ cả hai hướng: các dây chuyền cung ứng bị ngưng trệ và nhu cầu bên ngoài suy giảm. Xuất khẩu của Trung Quốc được dự báo sẽ sụt giảm 20-45% trong quí 2.

Dong Liu, Phó tổng giám đốc Công ty Strait Textile Technology ở Phúc Kiến, cho biết các nhà sản xuất ở khu vực của ông vừa bị hủy đơn hàng vừa không thể giao hàng do nhiều nước đóng cửa tạm ngưng giao thương với bên ngoài. Đặc biệt, nhiều đơn hàng bị hủy do các nước hủy nhiều sự kiện thể thao, từ các trận bóng đá đến các giải thi đấu thể thao khác. Việc Nhật dời Thế vận hội 2020 qua năm sau cũng như châu Âu hủy giải Euro 2020 chắc chắn sẽ làm Trung Quốc mất nhiều hợp đồng cung ứng hàng hóa.

Hậu quả trước mắt là nhiều doanh nghiệp, sau khi tìm cách đưa công nhân từ quê về lại nhà máy nay buộc lòng phải cho họ nghỉ việc; công nhân từ Hồ Bắc chưa kịp lên lại nhà máy nay được khuyên cứ ở nhà tìm việc khác. Tỷ lệ thất nghiệp ở các thành phố lớn Trung Quốc là vào khoảng 6,2% trong tháng 2, dự báo sẽ tăng thêm 5 điểm phần trăm nữa trong thời gian tới.

Các biện pháp giải cứu mới

Trong khi đó, các biện pháp cách ly xã hội nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh đẩy nhiều doanh nghiệp ở các nước vào tình thế phá sản, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Một trong những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp thiết thực nhất trong giai đoạn này là chính phủ bỏ tiền ra trợ cấp việc trả lương cho công nhân, những người lẽ ra doanh nghiệp đã cho nghỉ việc để tránh phá sản. Đức, các nước Bắc Âu, Anh, Canada đã bắt đầu các chương trình loại này.

Lấy ví dụ Đan Mạch, chính phủ nước này cam kết sẽ chi trả đến 75% lương của công nhân để doanh nghiệp khỏi sa thải người làm, mức tối đa mỗi người là 3.288 đô la Mỹ/tháng. Cam kết này nếu kéo dài ba tháng sẽ tương đương 13% GDP nước này. Nhưng khác với chương trình tương tự ở các nước châu Âu khác, công nhân nhận trợ cấp từ Chính phủ Đan Mạch sẽ không được đi làm mà phải ở trong nhà để dịch bệnh giảm lây lan; tức chính phủ trả tiền cho họ để ở yên không làm gì cả. Mục đích của Đan Mạch là tạm thời ngưng hẳn hoạt động sản xuất kinh doanh trong ba tháng để dịch đi qua.

Cách thứ nhì là cho doanh nghiệp vay tiền lãi suất cực thấp cho đến khi dịch bệnh hết hẳn. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tính toán cho doanh nghiệp vay bằng cách mua trái phiếu doanh nghiệp, một biện pháp trước đây chưa bao giờ Fed nghĩ đến. Tuy nhiên, cách này chỉ phù hợp với các doanh nghiệp lớn, thường tìm nguồn vốn thông qua thị trường tiền tệ, trong khi doanh nghiệp nhỏ và vừa chỉ biết trông cậy vào hệ thống ngân hàng thương mại. Vì thế nhiều người đề nghị ngân hàng trung ương có thể cho ngân hàng thương mại vay với lãi suất âm, tức dùng cách chiết khấu để ngân hàng thương mại có thể đảo nợ cho doanh nghiệp đang vay tiền của mình.

Thông thường, khuyến khích ngân hàng đảo nợ, tức cho con nợ vay các khoản mới để họ có tiền trả các khoản nợ cũ là cách làm trái phép, nhiều nước cấm. Bởi cho con nợ không còn khả năng chi trả vay thêm tiền là lãng phí nguồn vốn lẽ ra phải bơm vào các hoạt động đầu tư tạo công ăn việc làm. Nhưng Covid-19 là một ngoại lệ bất thường; đảo nợ lại là phương cách tốt nhất để duy trì sự sống cho nhiều doanh nghiệp, giúp họ phục hồi nhanh chóng sau dịch.

Doanh nghiệp ô tô chuyển sang làm máy thở

Nhu cầu máy thở do dịch Covid-19 đang tăng đột biến; nhiều bệnh viện ở Ý, Mỹ hay Tây Ban Nha đang thiếu máy thở cho những ca bệnh nặng. Trong nhiều trường hợp, có hay không có máy thở là ranh giới giữa sống hay chết. Thế là có nhiều doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp sản xuất ô tô chuyển sang làm máy thở để cứu người.

Doanh nhân nổi tiếng Elon Musk hứa hẹn sẽ sử dụng chuỗi cung ứng của hãng xe hơi Tesla và hãng chế tạo tên lửa không gian SpaceX vào việc lắp ráp máy thở. Musk cho biết SpaceX sẽ hợp tác với hãng sản xuất máy thở Medtronic để đẩy mạnh công suất. Trước đó, ông này đã sử dụng mối quan hệ của mình tại Trung Quốc để đặt mua 1.255 máy thở từ nước này rồi chở về tặng cho các bệnh viện vùng Los Angeles.

Ba hãng Ford, 3M và General Electric cũng đã ngồi lại với nhau để bàn cách tăng công suất sản xuất các thiết bị y tế, kể cả máy thở mà 3M và GE đang sản xuất. Chiến lược của họ là thiết kế lại máy thở để vừa đơn giản hóa vừa tận dụng các linh kiện ô tô sẵn có của Ford dùng cho máy thở thiết kế lại. Năng lực sản xuất của các hãng này rất lớn nên ngay trước mắt họ đã khởi động được dây chuyền in 3D các mặt nạ bảo hộ cho nhân viên y tế.

Đương nhiên, một hãng chuyên sản xuất ô tô không thể tự thiết kế rồi làm ra chiếc máy thở phức tạp trong vòng vài tháng bởi chỉ cần một trục trặc nhỏ, máy ngưng hoạt động trong chốc lát cũng có thể gây nguy hiểm cho bệnh nhân. Chính vì thế, hãng ô tô GM của Mỹ tuyên bố liên kết với công ty sản xuất máy thở Ventec để tận dụng thiết kế sẵn có của công ty này; họ hứa hẹn tháng sau là bắt đầu giao máy. Chính phủ Mỹ cũng đã vận dụng một điều luật có từ thời chiến tranh với Triều Tiên để thúc đẩy doanh nghiệp sản xuất máy thở cho ngành y tế.

Tương tự, Chính phủ Anh đang kêu gọi các hãng Rolls-Royce, Jaguar và hãng sản xuất máy hút bụi Dyson chuyển một phần năng lực sản xuất sang làm máy thở cho dân Anh. Họ gửi cho các hãng bảng vẽ thiết kế máy thở rồi đặt hàng làm gấp 20.000 máy trong vòng hai tuần.

Một hướng đi khác là tận dụng trí tuệ của các nhà nghiên cứu tình nguyện để nhanh chóng thiết kế một loại máy thở đơn giản dễ sản xuất. Các kỹ sư và bác sĩ Đại học Oxford và King’s College London hy vọng trong vòng hai tuần nữa họ sẽ bắt đầu được phép thử nghiệm chiếc máy mẫu đầu tiên của loại máy thở đơn giản, chỉ chừng 1.000 bảng Anh. Họ sẽ dựa vào cơ chế dụng cụ bóp bóng bằng tay để thêm một hộp điện tử nhằm điều khiển tự động. Bước tiếp theo là kiểm tra độ tin cậy của máy và tìm cách sản xuất đại trà. 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới