Thứ Ba, 26/09/2023, 10:41
34 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


Điều gì cản trở tăng trưởng Trung Quốc?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Điều gì cản trở tăng trưởng Trung Quốc?

Chánh Tài

Điều gì cản trở tăng trưởng Trung Quốc?
Một dự án cầu vượt đường sắt ở thành phố Thành Đô. Ảnh: New York Times

(TBKTSG Online ) – Với hàng trăm cần trục vươn cao ở đường chân trời, thoạt nhìn, thành phố Thành Đô (thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc) có vẻ tràn đầy sinh lực phát triển dù nền kinh tế Trung Quốc đang trì trệ.

Tuy nhiên, thực sự chỉ có vài cần trục ở các dự án của chính phủ, chẳng hạn dự án đường sắt cao tốc, hoạt động đến tận khuya. Vô số cần trục còn lại nằm lơ lửng trên bộ khung của các dự án nhà chọc trời, hoạt động càng ngày càng ít và hoàn toàn vắng lặng vào ban đêm.

Đầu tư tài sản cố định ảm đạm

Hình ảnh các cần trục nằm phơi sương, phơi nắng ở Thành Đô có thể bắt gặp khắp nơi tại Trung Quốc. Trung Quốc đang đẩy mạnh đầu tư nhằm vực dậy nền kinh tế nhưng người tiêu dùng, doanh nghiệp và chính quyền địa phương không còn hăng hái chi tiêu nữa.

Đầu tư xây dựng công trình mới và các tài sản cố định khác đang trong tình trạng ảm đạm. Nhà sản xuất rút lại các mục tiêu sản xuất đầy tham vọng vì chật vật với đống hàng tồn kho ngày một lớn. Thậm chí, ngành dịch vụ – chưa phát triển nhiều và được xem là đầy tiềm năng – cũng có dấu hiệu khó khăn.

Số liệu do Cục thống kê quốc gia Trung Quốc công bố ngày 9-9 cho thấy mức độ của các vấn đề kể trên. Sản lượng công nghiệp chỉ tăng 8,9% trong tháng 8-2012 so với cùng kỳ năm ngoái, chậm hơn mức dự đoán của các chuyên gia và là mức tăng yếu nhất kể từ tháng 5-2009 – khi suy thoái kinh tế toàn cầu đang cao trào. Chỉ số giá sản xuất giảm 3,5% trong tháng 8-2012 so với cùng kỳ năm ngoái cho thấy các công ty sẵn sàng chấp nhận hạ giá hàng hóa với hy vọng giải phóng hàng tồn kho.

Tuy nhiên, vấn đề thực sự nằm ở đầu tư tài sản cố định mà trước đây từng là trụ cột của nền kinh tế. Đầu tư tài sản cố định đô thị tăng 20,2% trong 8 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng trưởng chậm thứ hai kể từ tháng 12-2002. Mặc dù mức tăng trưởng 20,2% cao so với tiêu chuẩn quốc tế nhưng con số này đã phóng đại tăng trưởng thực vì hoạt động thay thế thiết bị hao mòn ở các nhà máy và công trình cũng được tính như các khoản đầu tư mới.

Tăng trưởng đầu tư tháng 8 yếu hơn dự báo dù cho các ban ngành trung ương ở Bắc Kinh đã khởi động các khoản chi tiêu mới. Trong khi đó, chi tiêu đầu tư của các chính quyền địa phương trong tháng 8 tăng trưởng ở mức thấp nhất kể từ tháng 12-2001.

Công ty bất động sản hoạt động cầm chừng

Ngành xây dựng và bất động sản đóng góp trực tiếp ít nhất 10% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc nhưng hoạt động của hai ngành này đang trầm lắng. Trên khắp Trung Quốc, các công ty phát triển nhà ở đã giảm hoạt động xây dựng nhằm tích trữ tiền mặt để tránh bị phá sản.

Chính quyền các thành phố vay tiền và chi tiêu mạnh trong những năm qua, giờ lâm vào tình trạng căng thẳng tài chính. Tình hình càng trầm trọng hơn với các thành phố khi suy giảm sức mua bất động sản ảnh hưởng đến doanh thu trong các thương vụ bán đất nhà nước. Giá bất động sản giảm khiến các công ty phát triển nhà ở không dám mua thêm đất và xây dựng thêm công trình.

Chỉ số giá bất động sản mà chính phủ xây dựng cho phép chính quyền địa phương đo lường giá bất động sản dựa vào các giao dịch mua bán ít ỏi ở vài khu căn hộ cũ. Do vậy, nhìn chỉ số này có vẻ giá bất động sản ổn định từ năm này qua năm khác dù thị trường biến động dữ dội và khó khăn tăng gấp bội. Giá bất động sản đã giảm ở nhiều thành phố kể từ khi Bắc Kinh đưa ra nhiều biện pháp kiềm chế cơn sốt thị trường nhà đất vào năm 2010. Trong khi đó, các nhà phân tích lo ngại tình trạng đầu tư ồ ạt vào ngành bất động sản những năm qua sẽ khiến các công ty phát triển nhà ở ôm các dự án không có người mua, còn ngân hàng phải gánh các khoản nợ xấu.

Chuyên gia kinh tế Lý Cương Lưu của Tập đoàn ngân hàng Úc- New Zealand chi nhánh tại Hồng Kông nhận định: “Ngành bất động sản là ngành trụ cột đối với nền kinh tế Trung Quốc nhưng giờ đây, nó là điểm liên kết yếu nhất trong nền kinh tế của nước này”.

Phát biểu tại hội nghị cấp cao các lãnh đạo Diễn đàn kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 20 tại thành phố Vladivostok (Nga) ngày 8-9, Chủ tịch nước Trung Quốc Hồ Cẩm Đào thừa nhận nền kinh tế Trung Quốc thiếu cân bằng, đồng bộ và bền vững. Ông ẩn ý Trung Quốc có thể đưa ra thêm gói kích thích kinh tế khi phát biểu: “Chúng tôi sẽ nâng cao nhu cầu trong nước và duy trì tăng trưởng ổn định, cũng như ổn định giá cả cơ bản”.

Tuy nhiên, chỉ số lạm phát tăng 2% trong tháng 8 đặt chính phủ Trung Quốc vào tình thế khó khăn hơn vì tung gói kích thích kinh tế vào thời điểm này, bóng ma lạm phát có nguy cơ xuất hiện trở lại.

(Theo New York Times)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới