Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Điều gì đang chờ đợi bitcoin trong năm 2021?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Điều gì đang chờ đợi bitcoin trong năm 2021?

Lạc Diệp

(TBKTSG) – Năm 2020 đã ghi nhận những dấu mốc quan trọng đối với bitcoin, từ mức giá cao kỷ lục, cho tới sự chấp nhận ngày càng rộng rãi trên thị trường tài chính. Điều gì sẽ diễn ra với đồng tiền kỹ thuật số này trong năm 2021?

Điều gì đang chờ đợi bitcoin trong năm 2021?

Năm 2020 là một năm rất thú vị đối với bất kỳ ai đầu tư, hay đơn giản chỉ quan sát những diễn biến của giá đồng tiền kỹ thuật số bitcoin. Từ chỗ chỉ giao dịch ở mức dưới 4.000 đô la Mỹ hồi đầu tháng 3 khi đại dịch Covid-19 bùng phát, đồng tiền kỹ thuật số phổ biến nhất thế giới đã có thời điểm vượt mốc 27.000 đô la trong tháng 12. Những diễn biến này đủ để bất cứ người theo dõi giá bitcoin nào cũng phải cảm thấy chóng mặt. Ngay cả với những người trong cuộc – những người còn sở hữu hoặc đã bán bitcoin, các khoản lỗ, lãi đơn giản là rất khó hiểu.

Bên cạnh sự biến động giá khủng khiếp – điều vốn không mấy lạ lẫm nếu xét lại lịch sử suốt một thập niên qua của bitcoin, năm 2020 có thể coi là một năm quan trọng đối với đồng tiền kỹ thuật số phổ biến nhất thế giới trên nhiều khía cạnh. Giới chuyên gia đã đưa ra nhiều nhận định về bitcoin trong năm 2020, cùng những dự báo về xu hướng của đồng tiền kỹ thuật số này trong năm 2021.

Sự công nhận ngày càng rộng rãi

So với mức biến động trung bình hàng ngày 0,9% của một loại tài sản an toàn phổ biến là vàng, bitcoin có mức biến động lên tới 2,7% trong năm nay – dấu hiệu cho thấy đồng tiền kỹ thuật số này vẫn chưa thể là một kênh đầu tư chắc chắn.

Theo CNBC, kể từ khi bitcoin ra đời đến nay, việc đưa đồng tiền kỹ thuật số này vào sử dụng trong cuộc sống thường ngày luôn gặp phải một vấn đề nan giải: có quá ít người chấp nhận nó.

Tuy nhiên, mọi chuyện đã thay đổi mạnh mẽ trong năm 2020. Chỉ số chấp nhận tiền điện tử toàn cầu được phát triển bởi Công ty Phân tích blockchain Chainalysis cho thấy, việc chấp nhận tiền điện tử đã gia tăng trên khắp thế giới. Theo các dữ liệu của Chainalysis, Nga và Ukraine đang là những quốc gia đi đầu trong xu hướng này, tiếp đến là Trung Quốc và Mỹ.

Một trong những sự xác nhận rõ ràng nhất đối với thị trường tiền kỹ thuật số là việc hãng công nghệ tài chính Paypal cho phép khách hàng tại Mỹ mua tài sản kỹ thuật số thông qua nền tảng của mình. Hồi tháng 10-2020, Paypal đã công bố sự ra mắt của một dịch vụ mới cho phép người dùng có thể mua, bán và nắm giữ tiền kỹ thuật số. Ông Dan Schulman – Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Paypal cho biết: “Việc chuyển đổi sang các hình thức tiền tệ kỹ thuật số là không thể tránh khỏi, mang lại những lợi thế rõ ràng về khả năng tiếp cận tài chính; hiệu quả, tốc độ và khả năng phục hồi của hệ thống thanh toán; và khả năng các chính phủ giải ngân tiền cho công dân một cách nhanh chóng”.

Các tổ chức tài chính trên khắp thế giới đang ngày càng quan tâm đến các tài sản kỹ thuật số như bitcoin. Ông Laurence Fink, Giám đốc điều hành của công ty quản lý đầu tư BlackRock nhận định rằng bitcoin đang dần có thể được coi như một loại tài sản thực sự.

Quan điểm này cũng nhận được sự ủng hộ từ JPMorgan – ngân hàng đầu tư đa quốc gia của Mỹ. JPMorgan Chase mới đây đã lưu ý rằng, việc chấp nhận bitcoin mới chỉ bắt đầu và thậm chí vàng – tài sản trú ẩn truyền thống của giới đầu tư sẽ chịu ảnh hưởng đáng kể từ bitcoin, khi ngày càng có nhiều dòng tiền được chuyển sang các tài sản kỹ thuật số.

Các khoản đầu tư ngày càng gia tăng

Không chỉ dừng lại ở các tuyên bố, nhiều tổ chức, công ty tài chính hàng đầu đã thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ đối với bitcoin thông qua các thương vụ đầu tư mạnh tay.

Quỹ tín thác bitcoin lớn nhất, Grayscale, đã đầu tư đáng kể vào tài sản kỹ thuật số trong suốt năm 2020. Quỹ này nắm giữ hơn 500.000 bitcoin và cũng đã đầu tư rất nhiều vào các loại tiền kỹ thuật số khác như ethereum, ethereum classic, zcash…

Gần đây, MicroStrategy đã công bố kế hoạch huy động hơn nửa triệu đô la Mỹ để mua thêm bitcoin. Trong một thông cáo báo chí vào ngày 8-12, công ty cho biết có kế hoạch cung cấp trái phiếu chuyển đổi trị giá khoảng 550 triệu đô la để gây quỹ nhằm mua thêm bitcoin. MicroStrategy hiện đã nắm giữ tổng cộng khoảng 40.000 bitcoin.

Các khoản đầu tư đáng kể khác bao gồm việc Square, được thành lập bởi Jack Dorsey, CEO hiện tại của Twitter đã đầu tư 50 triệu đô la vào bitcoin. Tương tự, MassMutual cũng thông báo về việc mua lượng bitcoin trị giá 100 triệu đô la trong tháng 12-2020.

Để đón đầu xu hướng đầu tư mới được dự báo sẽ tiếp tục bùng nổ trong năm 2021, DBS – ngân hàng lớn nhất Đông Nam Á của Singapore mới đây đã khai trương sàn giao dịch tiền kỹ thuật số đầu tiên DBS Digital Exchange. Sàn cho phép các nhà buôn hay môi giới giao dịch bốn loại tiền chính – đô la của Singapore, Hồng Kông và Mỹ cùng với đồng yen Nhật Bản – sang bốn đồng tiền kỹ thuật số phổ biến bao gồm bitcoin, ethereum, bitcoincash và XRP. Nhiều ngân hàng lớn của Mỹ hoặc châu Âu cũng được dự báo sẽ sớm giới thiệu những hệ thống cho phép mua bitcoin hoặc giữ tài sản kỹ thuật số cho khách hàng.

Sự cạnh tranh từ các chính phủ và công ty công nghệ

Theo CNBC, cho dù có đạt được thành công hay không, một trong những kết quả đáng chú ý nhất mà bitcoin đã mang lại sau hơn một thập kỷ tồn tại, chính là việc nó đã buộc các tổ chức lớn phải tính tới việc cung cấp một đồng tiền kỹ thuật số quốc tế.

Mỗi công ty tham gia vào hệ sinh thái thanh toán đều hiểu rằng tiềm năng rất lớn của thị trường không chỉ nằm ở phương thức thanh toán kỹ thuật số, mà còn ở việc làm sao để việc thanh toán có thể được thực hiện giữa nhiều thị trường tiền tệ khác nhau. Các giao dịch như vậy hiện có thể mất rất nhiều ngày để thực hiện, và thường tiêu tốn những khoản phí khổng lồ.

bitcoin đã chứng minh được rằng một loại tiền kỹ thuật số toàn cầu có thể rút ngắn đáng kể quy trình đó. Điều này đã nhanh chóng thôi thúc các công ty công nghệ lớn nhảy vào cạnh tranh, khai thác thị trường đầy tiềm năng này. Năm nay, cả Facebook và Google – những công ty công nghệ khổng lồ có phạm vi hoạt động trên toàn cầu – đã đẩy nhanh kế hoạch ra mắt đồng tiền kỹ thuật số của riêng mình. Trong đó, đồng diem – sản phẩm của Facebook có thể không hoàn toàn giống với bitcoin, nhưng nếu nó bắt đầu được phổ biến trong năm 2021, đà tăng trưởng của bitcoin được dự báo sẽ bị ảnh hưởng phần nào.

Tuy nhiên, tiền kỹ thuật số của các công ty công nghệ lớn không phải đối thủ duy nhất của bitcoin. Một báo cáo của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) được công bố trong năm nay cho thấy khoảng 80% ngân hàng trung ương trên thế giới đang nghiên cứu phát triển một dạng tiền kỹ thuật số.

Trung Quốc đang là quốc gia đi đầu trong nỗ lực này. Mới đây, chính quyền thành phố Tô Châu đã thử nghiệm phát tiền kỹ thuật số cho 100.000 công dân, với số tiền là 200 nhân dân tệ/người. Các chuyên gia dự báo, khi Trung Quốc phổ biến nhân dân tệ điện tử trên toàn quốc, nhu cầu đối với bitcoin và các loại tiền kỹ thuật số độc lập khác tại nước này có thể sẽ giảm.

Ngoài Trung Quốc, nhiều quốc gia khác như Mỹ, Nga và các nước châu Âu cũng đang tích cực thúc đẩy các nỗ lực phát triển đồng tiền kỹ thuật số của riêng mình, và dự kiến sẽ có nhiều cuộc thử nghiệm được tiến hành trong năm tới. Hiện, đã có Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) lên kế hoạch thử nghiệm đồng tiền kỹ thuật số của mình vào đầu năm tài khóa 2021.

Các chính sách thắt chặt quản lý với tiền kỹ thuật số

Một xu hướng khác cũng được nhiều người quan tâm là việc chính phủ các nước có thể thắt chặt chính sách quản lý đối với tiền kỹ thuật số.

Theo CNBC, tại Mỹ, chính quyền Tổng thống đắc cử Joe Biden sẽ có nhiều vấn đề cần ưu tiên trong 90 ngày đầu tiên hơn là quản lý tiền kỹ thuật số. Dĩ nhiên, quan điểm của Quốc hội Mỹ về vấn đề này lại càng khó đoán. Nhiều ý kiến cho rằng đảng Dân chủ thường khắt khe hơn so với đảng Cộng hòa. Dù vậy, một số người khác lại khẳng định rằng ông Biden sẽ “thân thiện với tiền kỹ thuật số”.

Tuy nhiên, trên thực tế, những người ủng hộ bitcoin thường có xu hướng coi nhẹ những vấn đề như tính ẩn danh và nguy cơ bitcoin bị những kẻ lừa đảo sử dụng. Đây đều là những mối lo ngại nghiêm túc. Do đó, chính quyền Tổng thống Joe Biden nhiều khả năng sẽ đưa ra những chính sách quản lý tiền kỹ thuật số toàn diện, và rất có thể chúng sẽ không theo hướng ủng hộ bitcoin.

Trước đó hồi đầu tháng 12, trong một hội nghị trực tuyến, các quan chức tài chính thuộc nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã bày tỏ sự “ủng hộ mạnh mẽ” đối với chiến lược tăng cường kiểm soát các đồng tiền kỹ thuật số. Theo tuyên bố chung của giới chức các nước G7, việc thanh toán tiền kỹ thuật số có thể cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính và cắt giảm chi phí, nhưng cần được “giám sát và quản lý một cách phù hợp” để có thể giải quyết những thách thức và nguy cơ liên quan tới bất ổn tài chính.

Bên cạnh đó, việc thực thi các quy định về thuế đối với tiền kỹ thuật số cũng sẽ được đẩy mạnh. Sở Thuế vụ Mỹ (IRS) đã thực hiện một số động thái cho thấy mức độ nghiêm trọng của việc thực thi thuế tiền kỹ thuật số trong tương lai. Tuy nhiên, trong bối cảnh giá tiền kỹ thuật số liên tục tăng cao như trong năm 2020, không chỉ Mỹ mà nhiều cơ quan thuế trên toàn cầu sẽ có cái nhìn mới về nguồn thu ngân sách tiềm năng này.

Những biến động giá trong năm 2020

Nhìn chung, giá trị của bitcoin không trực tiếp gắn với một hiện tượng thực tế nào, ví dụ như chính sách tài khóa hay tiền tệ. Vì thế, nó có thể tăng giảm theo những cách khó đoán định, hoặc thậm chí khó giải thích. Điều này khiến việc khuyến nghị đầu tư trở nên không hề dễ dàng.

Những chuyên gia ủng hộ bitcoin tỏ ra khá lạc quan vào đà tăng của đồng tiền kỹ thuật số này trong năm 2020, với các dự báo dao động từ 30.000 cho tới 300.000 đô la. Theo các nhà phân tích, cơ sở cho các dự đoán lạc quan này là việc có quá nhiều nhà đầu tư quan tâm đến bitcoin, trong khi số lượng loại tài sản này vẫn đang tiếp tục sụt giảm sau các đợt chia tách. Bên cạnh đó, thị trường cũng có thể ghi nhận xu hướng giới đầu tư chuyển bớt tiền từ các tài sản khác sang bitcoin.

Theo ông Garrick Hileman – trưởng bộ phận nghiên cứu tại Blockchain.com, với đà tăng như hiện nay, tổng giá trị vốn hóa thị trường của bitcoin hoàn toàn có thể đạt mức 1.000 tỉ đô la trong năm 2021. Chia sẻ với Business Insider, ông cho biết: “Kỳ vọng của tôi là bitcoin sẽ trở thành tài sản ngàn tỉ đô la trong năm tới”. Hiện tổng giá trị vốn hóa của bitcoin đang là khoảng 350 tỉ đô la, trong khi một tài sản trú ẩn an toàn khác là vàng có tổng giá trị vốn hóa 10.000 tỉ đô la.

Tuy nhiên, cũng không thể loại trừ khả năng giá bitcoin sẽ biến động theo hướng ngược lại. DW chỉ ra rằng, so với mức biến động trung bình hàng ngày 0,9% của một loại tài sản an toàn phổ biến là vàng, bitcoin có mức biến động lên tới 2,7% trong năm nay – dấu hiệu cho thấy đồng tiền kỹ thuật số này vẫn chưa thể là một kênh đầu tư chắc chắn. Những biến động lớn như đã diễn ra trong năm 2020 hoàn toàn có thể lặp lại trong năm 2021, đòi hỏi nhà đầu tư phải chuẩn bị một tinh thần thép trước bất kỳ tình huống nào.

Nguồn: CNBC, Forbes, Reuters, DW, Fxstreet, The Japan Times, DBS

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới