Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Điều gì quyết định sự thành đạt?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Điều gì quyết định sự thành đạt?

Trần Thượng Tuấn

(TBKTSG) – Là một giảng viên đại học đã tham gia đào tạo nhiều khóa, tôi nhận thấy phần lớn những cựu sinh viên thành đạt nhất không phải là những sinh viên học giỏi nhất. Như vậy, học giỏi mới chỉ là yếu tố cần, nhưng chưa đủ để thành đạt vì cuộc sống còn đòi hỏi phải có những kỹ năng mềm tối cần thiết.

Với câu hỏi: “Yếu tố nào quyết định sự thành đạt?”, nhiều người sẽ trả lời là trình độ chuyên môn. Thế nhưng nhiều hội đồng và ủy ban nghiên cứu quốc gia về điều này, từ Mỹ đến các nước châu Âu và Singapore lại đi đến kết luận: “70-80% sự thành đạt của người lao động phụ thuộc vào các kỹ năng mềm”. Đó là những kỹ năng liên quan đến trí thông minh cảm xúc, được đánh giá bằng hệ số EQ.

Kỹ năng mềm là những kỹ năng thuộc về tính cách và nhân cách con người, như sự tận tâm, kỹ năng giao tiếp và ứng xử, kỹ năng tư duy phân tích, suy xét, kỹ năng hợp tác trong công việc… Kỹ năng mềm (khác với kỹ năng cứng là hiểu biết về kiến thức khoa học) không mang tính chuyên môn, nhưng lại có ảnh hưởng quyết định đến sự thành đạt của con người.

Qua điều tra, nghiên cứu, Ủy ban Đào tạo và Phát triển của Mỹ đã xác định 13 kỹ năng cần có của người lao động trong thế kỷ 21 là: 1. Tư duy sáng tạo, 2. Có mục tiêu và động cơ, 3. Quan hệ, 4. Lãnh đạo, 5. Học hỏi, 6. Lắng nghe, 7. Thương lượng, 8. Thuyết trình và diễn giải ý tưởng, 9. Đảm bảo tính hiệu quả, 10. Phát triển cá nhân trong công việc, 11. Tìm giải pháp, giải quyết nhanh vấn đề, 12. Tự tôn về bản thân, và 13. Làm việc theo nhóm.Việc tổng hợp kết quả điều tra từ 36 công ty Đan Mạch và 269 công ty Mỹ đã đi đến kết luận về yêu cầu nhân lực trong thời đại toàn cầu hóa là: 1. Kỹ năng giao tiếp, 2. Kỹ năng làm việc theo nhóm, 3. Khả năng thích ứng với thay đổi về tổ chức và công việc, 4. Tư duy sáng tạo, 5. Tầm nhìn toàn cầu, 6. Kỹ năng phân tích, 7. Kỹ năng quản lý, 8. Phẩm chất cá nhân.

Từ tham khảo kết quả nghiên cứu của các nước và liên hệ với môi trường sống ở nước ta, có thể tạm rút ra những kỹ năng quan trọng nhất dẫn đến sự thành đạt trong tương lai là: 1. Kỹ năng tự học, 2. Kỹ năng giao tiếp, 3. Kỹ năng làm việc tập thể, 4. Kỹ năng phân tích, suy xét, 5. Kỹ năng sáng tạo, 6. Kỹ năng thương lượng, 7. Kỹ năng quản lý, lãnh đạo, 8. Kỹ năng ra quyết định và giải quyết vấn đề, 9. Kỹ năng thuyết trình.

Là một giảng viên đại học đã tham gia đào tạo nhiều khóa, tôi nhận thấy phần lớn những cựu sinh viên thành đạt nhất thiết không phải là những sinh viên học giỏi nhất. Như vậy, học giỏi mới chỉ là yếu tố cần, nhưng chưa đủ để thành đạt vì cuộc sống còn đòi hỏi phải có những kỹ năng mềm tối cần thiết.

Trong thực tế ở nước ta, không ít người nông dân đã thành đạt nhờ những sáng kiến hữu ích từ sáng chế các loại máy hút bùn, lẩy hạt bắp, thu hoạch đậu phộng… đến xây cầu dây văng nông thôn hay di dời các công trình, nhà cửa như “thần đèn”. Có không ít doanh nhân thành đạt không phải trong lĩnh vực được đào tạo tại trường. Trên thế giới có nhiều nhà lãnh đạo, cả ở cấp quốc gia, chưa bao giờ được ngồi trên ghế giảng đường đại học. Tất cả những người đó thành đạt nhờ rèn luyện được những kỹ năng sống tuyệt vời để tự hoàn thiện bản thân.

Đáng mừng là trong những năm gần đây một số trường phổ thông và đại học đã bắt đầu đưa vào chương trình giảng dạy một số kỹ năng mềm. Tại TPHCM và Hà Nội, hàng loạt tổ chức huấn luyện kỹ năng sống ra đời, thu hút ngày càng đông học viên, gồm cả học sinh, sinh viên và người lao động, mặc dù học phí khá cao, có thể lên đến 2-3 triệu đồng cho một khóa học hai ngày. Hiện tượng đó chứng tỏ xã hội nhận thức ngày càng rõ hơn về tầm quan trọng của các kỹ năng mềm trong cuộc sống.

Điều đáng nói ở đây là cho đến nay các chương trình giáo dục và đào tạo từ phổ thông đến đại học của nước ta, mặc dù bị kêu là quá tải, nhưng vẫn chưa chú trọng đến việc giáo dục các kỹ năng rất cần thiết trong cuộc sống. Các chương trình vẫn theo xu hướng nhồi nhét kiến thức, bất chấp cuộc sống đang thay đổi ngày càng nhanh, càng sâu rộng và những kiến thức đúng ngày hôm nay có thể trở nên lỗi thời vào ngày mai. Phải chăng đó là khiếm khuyết cơ bản nhất thuộc về triết lý giáo dục? Nếu vậy thì bao giờ mới có sự điều chỉnh thích hợp?

Không ai phủ nhận việc tích lũy kiến thức càng nhiều càng tốt, nhưng cuộc sống vốn rất đa dạng đặt ra những yêu cầu cũng rất đa dạng đối với người lao động, không riêng gì kiến thức. Trong thời đại thông tin với tốc độ nhân đôi kiến thức của nhân loại chỉ trong vòng 10-15 năm, thì dạy bao nhiêu kiến thức cho đủ? Chỉ khi học sinh, sinh viên được trang bị tốt những kỹ năng sống thiết yếu, nhất là kỹ năng tự học để không ngừng tự cập nhật kiến thức mới và tự hoàn thiện mình, mới có thể đáp ứng được yêu cầu của cuộc sống. Sự giàu có về nguồn nhân lực chất lượng cao, chứ không phải là tài nguyên, mới là nguồn lực đảm bảo cho sự phát triển bền vững của đất nước theo hướng dân giàu, nước mạnh. Vì vậy, rất cần xây dựng một triết lý giáo dục phù hợp với thời đại.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới