Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Điều gì xảy ra nếu Bộ Tài chính Mỹ cạn tiền?

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Nước Mỹ đang đứng trước nguy cơ không đạt được thỏa thuận nâng trần nợ công vào thời hạn cuối. Trong kịch bản đó, Bộ Tài chính Mỹ có thể ưu tiên chi trả nợ liên quan đến trái phiếu chính phủ Mỹ và thanh toán an sinh xã hội cho hàng triệu người dân.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết, sẽ đưa ra những phương án để tiếp tục thanh toán các hóa đơn của chính phủ nếu các nhà lập pháp không hành động kịp thời để nâng trần nợ công trước ngày X. Ảnh: Bloomberg

Ngày X cận kề, đàm phán về nợ công vẫn bế tắc

Chính phủ Mỹ đã chạm giới hạn nợ công 31,381 nghìn tỉ đô la Mỹ hồi tháng 1. Kể từ đó, Bộ Tài chính Mỹ phải sử dụng các biện pháp quản lý tiền mặt đặc biệt để tiếp tục chi trả các hóa đơn của chính phủ. Trong những tuần qua, Nhà Trắng và phe Cộng hòa ở quốc hội Mỹ đã gấp rút đàm phán nâng trần nợ công nhưng hai bên vẫn chưa thể thu hẹp các bất đồng giữa lúc ngân sách chi tiêu của chính phủ cạn dần. Nếu không còn tiền để thanh toán cho tiền lãi và nợ gốc cho trái phiếu chính phủ, Mỹ sẽ chính thức vỡ nợ.

Quốc hội Mỹ và Nhà Trắng trước đây từng suýt không giải quyết kịp vấn đề nâng trần nợ công trước thời hạn cuối nhưng thường đạt được thỏa thuận trước khi số dư tiền mặt của Bộ Tài chính trở nên quá thấp và không đủ để để trang trải các khoản thanh toán của chính phủ. Chẳng hạn, vào năm 2011, hai bên đạt được thỏa thuận về việc nâng trần nợ công trước khi chính phủ Mỹ vỡ nợ vài giờ đồng hồ.

Một số nhà quan sát nhận định tình hình bế tắc lần này có thể cam go hơn. Theo kịch bản dự báo của ngân hàng Goldman Sachs, thỏa thuận về trần nợ công có thể thực hiện vào trước hoặc sau một ngày so với ngày X (ngày chính phủ Mỹ cạn tiền và có thể vỡ nợ).

Nói cách khác, bế tắc đàm phán của hai đảng Cộng hòa và Dân chủ có thể kéo dài một ngày sau ngày X. Ngân hàng Morgan Stanley cũng nhận định có “rủi ro đáng kể” thỏa thuận chỉ đạt được sau ngày X. Theo dự báo của Trung tâm chính sách lưỡng đảng, ngày X có thể đến sớm nhất là vào đầu tháng 6.

Trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg, Jamie Dimon, CEO của ngân hàng JPMorgan Chase cho biết ngân hàng này đã thiết lập “phòng tác chiến” để xem xét các tình huống khẩn cấp.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen không nêu chính xác kế hoạch hành động của bộ này trong trường hợp xấu nhất là quốc hội không thể tăng hoặc đình chỉ trần nợ công kịp thời. Việc nêu chi tiết bất kỳ kế hoạch nào có thể gợi ý rằng tổn hại từ tình thế bế tắc về trần nợ công sẽ được giảm thiểu. Điều này làm giảm áp lực đàm phán nhanh chóng của các nhà lập pháp.

Trong tuần này, bà Yellen cho biết sẽ có những phương án được đưa ra nếu các nhà lập pháp không hành động kịp thời. “Nếu Quốc hội không tăng trần nợ, Tổng thống Biden sẽ phải đưa ra một số quyết định về việc phải làm gì với các nguồn lực mà chúng tôi có”, Yellen nói trong một cuộc phỏng vấn ngày 8 -5 với CNBC.

Theo giới quan sát, chính phủ Mỹ có thể tiếp tục thực hiện tất cả các khoản thanh toán bằng cách viện dẫn Tu chính án thứ 14 của hiến pháp Mỹ. Tu chính án này khẳng định tính hợp lệ của các khoản nợ công được pháp luật cho phép “sẽ không bị nghi ngờ”. Tuy nhiên, động thái đó có thể dẫn đến một cuộc chiến pháp lý như Tổng thống Joe Biden đã lưu ý hồi đầu tháng này.

 Sẽ ưu tiên thanh toán các khoản nợ của chính phủ?

Nếu phương án trên không được lựa chọn, giả định phổ biến nhất hiện nay là Bộ Tài chính sẽ sử dụng tiền mặt và doanh thu mà bộ này đang có để thanh toán các khoản nợ của chính phủ.

Trái phiếu chính phủ Mỹ chi phối thị trường trái phiếu thế giới và là điểm tham chiếu cho chi phí vay trên toàn thế giới. Nếu chính phủ Mỹ không trả nợ cho các lô trái phiếu này, các nhà kinh tế và đầu tư sẽ xem đây là một cú sốc có thể kích hoạt cú sụp đổ tài chính, một rủi ro mà giới chức Mỹ chắc chắn muốn tránh.

“Về mặt chính trị, không ai thắng trong tình huống này nưng để thiệt hại ít hơn về lâu dài, Mỹ phải bảo vệ nghĩa vụ nợ”, Stephen Myrow, đối tác quản lý của Beacon Policy Advisors và là cựu quan chức Bộ Tài chính Mỹ nhận định.

Tuy nhiên, giả sử Bộ Tài chính Mỹ tục thanh toán cho trái phiếu chính phủ, Nhà Trắng sẽ cần quyết định xem có tiếp tục thanh toán các khoản chi tiêu khác hay không, từ an sinh xã hội, chi tiêu quốc phòng cho đến tiền lương của nhân viên liên bang và chi phí hoạt động của cơ quan chính phủ.

“Chính quyền liên bang khó có thể cung cấp các khoản thanh toán cho hàng triệu người Mỹ, bao gồm cả các gia đình quân nhân và người cao tuổi, những người sống dựa vào an sinh xã hội”, Yellen cảnh báo hồi tháng 2 khi đề cập đến kịch bản chính phủ vỡ nợ.

Một cựu trợ lý kinh tế của Nhà Trắng cho rằng, một khi phải đối mặt với sự lựa chọn khắc nghiệt, Bộ Tài chính Mỹ ít nhất sẽ cố gắng ưu tiên các khoản thanh toán cho những người nhận an sinh xã hội.

Tuy nhiên, điều này có thể khó khăn. Các khoản thanh toán cho trái phiếu chính phủ Mỹ được xử lý qua Fedwire, một hệ thống thanh toán khác với hệ thống xử lý thanh toán phúc lợi ích của chính phủ và thanh toán cho các nhà thầu. Vì vậy, các khoản thanh toán trái phiếu chính phủ có thể dễ dàng tách ra hơn.

Theo Wendy Edelberg, giám đốc Dự án Hamilton và là nhà nghiên cứu kinh tế cấp cao của Viện Brookings, Bộ Tài chính Mỹ có thể quyết định thanh toán lãi suất cho trái phiếu chính phủ, trong khi cắt giảm 25% các khoản thanh toán khác. Nếu Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện đầy đủ khoản thanh toán an sinh xã hội thì các khoản thanh toán khác có thể bị cắt giảm đến 1/3.

“Việc Bộ Tài chính Mỹ đơn phương, tức không cần thông qua luật của quốc hội mà quyết định khoản thanh toán nào sẽ thực hiện và khoản thanh toán nào sẽ hoãn lại là một ý tưởng tồi tệ”, Edelberg nói và lưu ý thêm những thách thức pháp lý cũng sẽ xảy ra sau đó.

Các khoản thanh toán an sinh xã hội được chi bốn lần một tháng, với khoảng 25 tỉ đô la mỗi lần. Vì vậy, bất cứ khi nào đến ngày X, thì có lẽ chỉ còn vài ngày nữa là khoản chi đó sẽ đến hạn, theo Alec Phillips, nhà kinh tế chính trị trưởng của ngân hàng Goldman Sachs. Ông dự đoán, sự nhạy cảm chính trị sẽ thúc bách Nhà Trắng và quốc hội Mỹ tìm cách đạt thỏa thuận về trần nợ công.

Theo Bloomberg

1 BÌNH LUẬN

  1. Nước Mỹ không bao giờ cạn tiền. Máy in USD vẫn mãi chạy không ngừng nghỉ 24/7. Chẳng qua là cạn ý tưởng hợp tác giữa các nhà chính trị, lập pháp và hành pháp. Tất nhiên, mọi thứ trên đời này luôn có giới hạn của nó. Ngân sách không chỉ là in tiền. Ngân sách là nội lực của nền kinh tế. Nếu cứ in tiền mãi thì đến lúc tiền sẽ là giấy. Khi đó, hổ dữ sẽ biến thành hổ giấy.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới