Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Điều gì xảy ra với cơ chế tỷ giá của TQ?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Điều gì xảy ra với cơ chế tỷ giá của TQ?

Phúc Minh

Điều gì xảy ra với cơ chế tỷ giá của TQ?
Ngân hàng trung ương Trung Quốc cho biết đang áp dụng cơ chế thả nổi có kiểm soát. Ảnh: THX

(TBKTSG Online) – Hôm nay 12-8, Ngân hàng trung ương Trung Quốc tiếp tục hạ tỷ giá tham chiếu nhân dân tệ so với đô la Mỹ thêm gần 1,6%, xuống mức 6,3306 nhân dân tệ đổi 1 đô la Mỹ.

Trước đó vào ngày 11-8, Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã hạ tỷ giá tham chiếu của nhân dân tệ so với đô la Mỹ gần 1,9%, xuống mức 6,2298 nhân dân tệ đổi 1 đô la Mỹ, so với mức 6,1162 nhân dân tệ đổi 1 đô la Mỹ ngày 10-8.

Mức phá giá 1,9% trong ngày 11-8 được coi là mức phá giá mạnh nhất tại Trung Quốc kể từ tháng 1-1994, theo Bloomberg.

Tại sao nhân dân tệ tiếp tục bị hạ giá?

Trước đó, Ngân hàng trung ương Trung Quốc ấn định tỷ giá tham chiếu, cho phép tỷ giá thương mại có thể tăng hoặc giảm 2% so với tỷ giá tham chiếu vào bất kỳ ngày nào.

Nhưng có lúc, Ngân hàng trung ương Trung Quốc bỏ qua các biến động hàng ngày của thị trường. Khi thị trường có dấu hiệu cho thấy nhân dân tệ yếu đi, Ngân hàng trung ương Trung Quốc mới thiết lập tỷ giá tham chiếu cao hơn.

Giải thích lý do cho động thái sáng nay, Ngân hàng trung ương Trung Quốc cho biết vì thị trường ngoại hối biến động hàng ngày, nếu giá đóng cửa hôm trước (theo tỷ giá thương mại) dao động lớn so với tỷ giá tham chiếu, tỷ giá tham chiếu hôm sau phải thay đổi.

Trong ngày 11-8, tỷ giá thương mại nhân dân tệ/đô la Mỹ giao dịch ở mức 6,3231 nhân dân tệ đổi 1 đô la Mỹ – thấp hơn 1,5% so với tỷ giá tham chiếu ngày 11-8 là 6,2298 nhân dân tệ đổi 1 đô la Mỹ. Đây là căn cứ để các nhà hoạch định thị trường niêm yết tỷ giá tham chiếu cho ngày 12-8. Ngoài ra, các yếu tố khác cũng được cân nhắc là tình hình cung cầu trên thị trường ngoại hối và biến động tỷ giá của các loại tiền tệ lớn khác.

Ngân hàng trung ương Trung Quốc cũng cho rằng với cơ chế thả nổi có kiểm soát, việc thay đổi tỷ giá tham chiếu nhân dân tệ là điều bình thường. Việc này không chỉ phản ánh sự cải thiện trong định hướng thị trường mà còn cho thấy vai trò quan trọng của cung cầu trong thiết lập tỷ giá.

Liệu nhân dân tệ có mất giá liên tục hay không?

Khi được hỏi liệu nhân dân tệ có thể liên tục mất giá trong tương lai hay không, Ngân hàng trung ương Trung Quốc cho biết theo tình hình tài chính và kinh tế trong nước và quốc tế hiện nay, điều này không có cơ sở để tồn tại.

Trước tiên là nền kinh tế Trung Quốc vẫn tăng trưởng tương đối cao. Trong nửa đầu năm nay, nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 7% – cao hơn hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới. Biến động về lượng cung tiền và tín dụng tháng trước chỉ là tạm thời, Ngân hàng trung ương Trung Quốc sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách tiền tệ ổn định. Bên cạnh đó, các chỉ số kinh tế quan trọng gần đây dần bình ổn và có dấu hiệu tốt. Những điều này sẽ hỗ trợ nhân dân tệ.

Hơn nữa, Trung Quốc đã duy trì thặng dư thanh toán vãng lai trong thời gian dài, quá trình quốc tế hóa nhân dân tệ và mở cửa thị trường tài chính trong nước đang được đẩy mạnh. Đô la Mỹ mạnh lên gần đây do kỳ vọng Mỹ tăng lãi suất năm nay, việc này đã được dự báo từ lâu. Cuối cùng, Trung Quốc có dự trữ ngoại hối dồi dào, tình hình tài khóa ổn định và hệ thống tài chính mạnh, hứa hẹn sẽ giúp bình ổn tỷ giá nhân dân tệ.

IMF hoan nghênh động thái của TQ

Nhân dân tệ giảm giá hai ngày liên tiếp cho thấy việc thiết lập tỷ giá tham chiếu nhân dân tệ sẽ lấy giá đóng cửa hôm trước trên thị trường làm cơ sở, chứ không hoàn toàn do Ngân hàng trung ương quyết định, đây là một trong những biện pháp cải cách mà Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) kêu gọi Trung Quốc thực hiện.

IMF hoan ngênh động thái trên của Trung Quốc và cho biết việc này không ảnh hưởng đến nỗ lực đưa nhân dân tệ vào rổ tiền tệ Quyền rút vốn đặc biệt của IMF. IMF dự kiến sẽ đưa ra quyết định có đưa nhân dân tệ vào rổ tiền tệ Quyền rút vốn đặc biệt hay không vào cuối năm nay.

Trong khi đó, ngân hàng Goldman Sachs nhận định việc phá giá nhân dân tệ sẽ giúp Trung Quốc linh hoạt hơn khi đối phó với đô la Mỹ mạnh, do Mỹ chuẩn bị tăng lãi suất.

Ngân hàng Barclays cho rằng thị trường bất động sản Trung Quốc mới là vấn đề đáng quan ngại hiện tại, chứ không phải cơn chấn động vài tuần qua thu hút nhiều sự chú ý trên thị trường chứng khoán Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Mối lo tăng trưởng kinh tế giảm tốc đáng kể

Liên quan đến việc giảm giá nhân dân tệ, báo New York Times nhận định nhân dân tệ bất ngờ giảm giá là dấu hiệu rõ nhất cho thấy mối lo ngại tăng trưởng kinh tế chậm lại của Trung Quốc ngày càng tăng.

Trung Quốc đang lo ngại tăng trưởng kinh tế năm nay không thể đạt 7% như mục tiêu đề ra do thị trường chứng khoán lao dốc, xuất nhập khẩu giảm mạnh và thị trường bất động sản giảm tốc từ sự trì trệ của nền kinh tế.

Bất động sản là một trong những động lực chủ chốt góp phần vào sự phát triển thần tốc của nền kinh tế Trung Quốc trong thập kỷ qua. Theo Tổng cục thống kê Trung Quốc, hoạt động trên bất động sản đóng góp 4% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 1997 đã tăng lên 15% GDP vào năm 2014.

Sức khỏe của lĩnh vực bất động sản có mối liên hệ trực tiếp đến sự tăng trưởng của các ngành công nghiệp, dịch vụ, đồng thời là nhân tố quan trọng trong ngành tài chính. Nhưng kể từ năm 2014, các hoạt động đầu tư vào bất động sản tại Trung Quốc yếu dần với tốc độ tăng trưởng giá nhà ở giảm dần, giao dịch mua bán nhà thu hẹp và hoạt động đầu tư giảm xuống, trong khi gần 50% nợ quốc gia của Trung Quốc liên quan đến lĩnh vực bất động sản.

Barclays dự báo lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc sẽ chậm lại trong những năm tới, kéo theo nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại.

Cơ chế kiểm soát tỷ giá của Ngân hàng trung ương Trung Quốc

Tỷ giá của Trung Quốc không được “thả nổi” theo cung-cầu của thị trường mà được kiểm soát chặt.

Trung Quốc “hợp nhất” thị trường ngoại tệ từ tháng 1-1994; từ đó tỷ giá chính thức của đồng nhân dân tệ bắt đầu được “neo” vào đồng đô la Mỹ với mức 1 đô la Mỹ (USD) ăn 8,73 nhân dân tệ (NDT). Trước đó, đồng NDT đạt mức giá trị cao nhất là vào tháng 1-1981, khi 1 đô la Mỹ chỉ đổi được 1,53 NDT. Trong thời gian từ 1981 đến tháng 8-2015, đồng NDT đạt giá trị bình quân là 6,94 NDT ăn 1 đô la Mỹ.

Tỷ giá NDT/USD cũng là căn bản để tính toán tỷ giá giữa đồng NDT với các ngoại tệ khác.

Để kiểm soát tỷ giá, Ngân hàng trung ương Trung Quốc sử dụng cơ chế kết hợp giữa “giá tham chiếu” “biên độ”, theo đó các ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính được phép kinh doanh ngoại tệ hợp pháp – chỉ được giao dịch mua bán ngoại tệ trong phạm vi “giá trần” (giá tham chiếu cộng với biên độ dương) và  “giá sàn” (giá tham chiếu cộng với biên độ âm). Tổ chức nào mua bán vượt quá khoảng giá trần-sàn mỗi ngày sẽ bị thổi còi và phạt nặng.

Giá tham chiếu có thể được thay đổi mỗi ngày và đầu mỗi phiên giao dịch hàng ngày, NHTU Trung Quốc đưa ra mức “tỷ giá tham chiếu”; trong khi đó “biên độ” có thể duy trì trong thời gian dài và chỉ thay đổi khi thật sự cần thiết để tránh xáo trộn trên thị trường.

Lúc đầu, “biên độ” được ấn định rất hẹp và NHTU Trung Quốc gần như hoàn toàn ấn định tỷ giá. Về sau, “biên độ” này được nới rộng dần, theo lộ trình như sau: 

– Ngày 21-5-2007: Trung Quốc nới biên độ dao động tỷ giá hối đoái từ 0,3% lên 0,5%.

– Ngày 14-4-2012: Trung Quốc nới biên độ dao động tỷ giá hối đoái từ 0,5% lên 1%.

– Ngày 15-3-2015: Trung Quốc nới biên độ dao động tỷ giá hối đoái từ 1% lên 2%. Biên độ hiện hành là +/-2%.

Dù nới rộng biên độ nhưng NHTU Trung Quốc vẫn giữ chặt quyền ấn định giá tham chiếu, qua đó nâng giá (ấn định mức tỷ giá cao) hoặc giảm giá không theo nguyên tắc thị trường mà theo chính sách tiền tệ và mục tiêu chính trị của chính phủ Trung Quốc; chủ yếu là kìm giữ giá trị đồng bạc ở mức thấp để hỗ trợ xuất khẩu, giành thị trường ở nước ngoài.

Chính vì thế trong thời gian rất dài, tỷ giá NDT/USD hầu như không thay đổi chỉ dao động rất ít. Ví dụ, trong năm 2015 này, tỷ giá NDT/USD ngày 13-2-2015 sau Tết Nguyên đán là 1USD=6,243 NDT  thì 5 tháng sau, ngày 17-7-2015 tỷ giá chỉ là 1USD=6.208 NDT.

Việc “phá giá” đồng NDT của Trung Quốc hôm thứ Ba 11-8 diễn ra sau khi NHTU nước này hạ “giá tham chiếu” thêm 1.000 điểm so với giá tham chiếu hôm trước, trong khi vẫn giữ nguyên biên độ +/-2% như nói trên. Sang ngày thứ Tư 12-8, NHTU Trung Quốc lại lấy giá giao dịch đóng cửa chiều ngày 11-8 làm “giá tham chiếu” cho phiên giao dịch mới – tương tự như cách làm của thị trường chứng khoán – càng khiến cho giá trị đồng NDT sụt giảm nhiều hơn nữa, giảm gần 4% so với cuối tuần trước.

Đọc thêm:

>> Nhân dân tệ mất giá 4%, thị trường thế giới chao đảo

>> Trung Quốc phá giá nhân dân tệ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới