Thứ Hai, 25/09/2023, 18:04
34 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


“Điều hành chính sách tiền tệ còn nhiều gian nan”

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

“Điều hành chính sách tiền tệ còn nhiều gian nan”

Nhóm PV

(TBKTSG Online) – Tại Diễn đàn "Ngân hàng 2018: Hướng tới phát triển bền vững", ông Phạm Thanh Hà, Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN cho hay, nhiệm vụ trọng tâm của công tác điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) là ổn định giá trị đồng tiền, thông qua chỉ tiêu lạm phát, được qui định tại Luật Ngân hàng Nhà nước (NHNN) 2010. Trong những năm qua, điều hành CSTT của NHNN đã đạt được những thành công nhất định trong ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Nhiều thành quả

Ông Phạm Thanh Hà, Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước. Ảnh: Kỳ Anh

Trong 10 năm gần đây, lạm phát được kiểm soát, giảm dần từ mức cao nhất hai con số trong năm 2008 xuống mức một con số và liên tục duy trì ở mặt bằng thấp, ổn định từ năm 2012 đến nay. Đặc biệt, năm 2017 vừa qua lạm phát bình quân ở mức 3,53%, thấp hơn mục tiêu Quốc hội đặt ra (khoảng 4%).

Bên cạnh đó, mặt bằng lãi suất giảm mạnh từ năm 2012 và giữ ổn định trong năm 2017, lãi suất cho vay lĩnh vực ưu tiên tiếp tục giảm. Tăng trưởng tín dụng phù hợp với cân đối vĩ mô, đi đôi với chất lượng tín dụng và tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên;  chính sách tín dụng theo ngành kinh tế có hiệu quả thiết thực, hỗ trợ tăng trưởng GDP bền vững, năm 2017 đạt mức cao nhất trong 10 năm qua.

Hơn nữa, tỉ giá trung tâm được điều hành linh hoạt, kết hợp đồng bộ các công cụ CSTT, hạn chế tình trạng đầu cơ, găm giữ ngoại tệ, nhờ vậy NHNN liên tục mua được lượng lớn ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối cao nhất từ trước tới nay; lượng tiền mặt đưa ra lưu thông được trung hòa hợp lý, góp phần ổn định lạm phát, lãi suất và tỉ giá.

Ngoài ra, thị trường tiền tệ, ngoại hối ổn định, lạm phát được kiểm soát, giúp neo vững kỳ vọng lạm phát, củng cố niềm tin của nền kinh tế và giới đầu tư vào đồng Việt Nam, góp phần tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp. Các tổ chức quốc tế đánh giá cao sự ổn định của hệ thống ngân hàng Việt Nam, theo đó Moody’s đã nâng mức xếp hạng tín nhiệm của hệ thống ngân hàng Việt Nam từ “ổn định” lên “tích cực”.

Kết quả kinh tế vĩ mô năm 2017 là thành quả nỗ lực chung của nền kinh tế, đặc biệt là sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ, môi trường kinh tế vĩ mô ổn định được duy trì trong thời gian qua tạo niềm tin vững chắc cho nhà đầu tư. Kết quả này phản ánh sự đóng góp quan trọng từ công tác điều hành chính sách tiền tệ của NHNN.

Cơ hội, thách thức, kỳ vọng năm 2018

Theo ông Hà, sau hơn 10 năm kể từ khi gia nhập WTO, tiến trình hội nhập mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra không ít thách thức đối với nền kinh tế và điều hành vĩ mô của Việt Nam. Vì vậy, điều hành CSTT tiếp tục kiên trì bám sát thị trường, chống đỡ tốt hơn đối với những cú sốc, diễn biến khó lường để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng bền vững.

Năm 2018, kinh tế thế giới phục hồi khả quan, theo dự báo của IMF tăng trưởng khoảng 3,9%, đặc biệt các nền kinh tế lớn là đối tác hàng đầu của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng tích cực; giá hàng hóa cơ bản trên thế giới phục hồi tác động tích cực đến tăng trưởng, xuất khẩu, thu ngân sách.

Trong nước, kinh tế vĩ mô, lạm phát ổn định thời gian qua kết hợp với môi trường đầu tư kinh doanh cải thiện, cải cách hành chính, khuôn khổ pháp lý thông thoáng… là nền tảng cơ bản khuyến khích đầu tư tư nhân, khởi nghiệp và thu hút vốn nước ngoài; ngoài ra đẩy mạnh triển khai các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới hỗ trợ mở rộng thị trường bền vững, thúc đẩy cải cách trong nước, tạo điều kiện để doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Bên cạnh các yếu tố thuận lợi, còn tồn tại nhiều nhân tố ảnh hưởng đến việc ổn định lạm phát theo mục tiêu 4% trong điều kiện giá hàng hóa thế giới, đặc biệt là giá dầu mỏ có rủi ro gia tăng, lộ trình điều chỉnh giá các mặt hàng Nhà nước quản lý tiếp tục được triển khai, tiêu dùng gia tăng do tổng cầu của nền kinh tế khởi sắc, thị trường chứng khoán tăng trưởng nhanh tạo hiệu ứng kích thích chi tiêu do giá tài sản tăng và kỳ vọng lạc quan về triển vọng kinh tế dưới tác động của các hiệp định FTA…

Ngoài ra, CSTT thận trọng của các ngân hàng trung ương (NHTW) lớn cộng hưởng với diễn biến phức tạp của đồng đô la Mỹ,… cũng là các yếu tố tiềm ẩn ảnh hưởng lớn đến hiệu lực và hiệu quả điều hành CSTT trong năm 2018.

Để xử lý và hóa giải các áp lực và rủi ro đó đòi hỏi cần bám sát diễn biến lạm phát để tăng cường sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa chính sách tài khóa – tiền tệ – quản lý giá để kiểm soát lạm phát 4% theo mục tiêu đặt ra, từ đó tạo nền tảng vững chắc duy trì ổn định kinh tế vĩ mô.

Việc điều hành tỉ giá theo hướng ổn định, giảm lãi suất cho vay khi có điều kiện theo chủ trương của Chính phủ, là thách thức không nhỏ trước bối cảnh thị trường tài chính toàn cầu, dòng vốn vào/ra biến động khó lường tác động bởi xu hướng CSTT thận trọng của các NHTW chủ chốt, đặc biệt là Fed, cộng hưởng với diễn biến phức tạp của đồng đô la, chính sách cải cách thuế của chính quyền Mỹ, xu hướng bảo hộ thương mại, các xung đột địa chính trị tại các khu vực,… đang ngày càng gia tăng.

Xác định được thuận lợi và thách thức, cụ thể hóa mục tiêu của Chính phủ, từ đầu năm 2018 NHNN đặt mục tiêu điều hành CSTT chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý; bảo đảm thanh khoản của tổ chức tín dụng (TCTD), ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối.

Định hướng tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 16%, tín dụng tăng khoảng 17%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.

Giải pháp chính sách tiền tệ trọng tâm

Theo ông Hà, điều hành CSTT ổn định, lạm phát phù hợp với mục tiêu 4% trong điều kiện giá hàng hóa thế giới biến động; lộ trình điều chỉnh giá các mặt hàng Nhà nước quản lý tiếp tục được triển khai; tiêu dùng nội địa và thị trường chứng khoán tăng trưởng tốt có thể tạo áp lực cầu kéo lên lạm phát,… là thách thức cho năm 2018, đòi hỏi tăng cường sự phối hợp chặt chẽ, hài hòa giữa CSTT, chính sách tài khóa và quản lý giá của Nhà nước.

Ngoài ra, dòng vốn vào tiếp tục xu hướng tăng trưởng mạnh mẽ nhờ thu hút vốn FDI, FII, cộng hưởng việc bán vốn nhà nước diễn ra thuận lợi…, một mặt giúp NHNN tăng dự trữ ngoại hối nhưng mặt khác gây áp lực cho NHNN trong việc trung hòa có hiệu quả lượng tiền mặt đưa ra lưu thông để đảm bảo không kích hoạt rủi ro lạm phát.

NHNN tiếp tục điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, diễn biến lạm phát và thị trường tiền tệ. Trong điều kiện lạm phát được kiểm soát thấp hơn mục tiêu, thị trường ổn định, kinh tế vĩ mô thuận lợi, NHNN kiên trì điều hành công cụ CSTT, hỗ trợ TCTD có điều kiện để phấn đấu giảm lãi suất cho vay trên cơ sở đảm bảo hoạt động an toàn, lành mạnh tài chính.

Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế khả quan, cầu vốn của nền kinh tế tiếp tục gia tăng, (nhất là vốn trung dài hạn phục vụ sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp) và phụ thuộc chủ yếu vào tín dụng ngân hàng đặt ra thách thức cho các TCTD trong việc quản trị, cân đối vốn và tác động đến sự vận hành hiệu quả, bền vững của thị trường tiền tệ. Trong điều kiện đó, đòi hỏi phải có giải pháp dài hạn, căn bản hỗ trợ thị trường và doanh nghiệp thông qua việc đẩy nhanh triển khai các chính sách, giải pháp phát triển thị trường trái phiếu, chứng khoán qua đó giảm dần sự lệ thuộc của doanh nghiệp vào tín dụng ngân hàng (đặc biệt là tín dụng trung dài hạn); tiếp tục triển khai quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và tăng cường xử lý nợ xấu.

Bên cạnh đó, NHNN tiếp tục điều hành linh hoạt tỉ giá trung tâm trên cơ sở bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ trong và ngoài nước và mục tiêu CSTT, ổn định thị trường ngoại tệ, từ đó tạo điều kiện để tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước khi thị trường thuận lợi. Phối hợp đồng bộ, linh hoạt các công cụ CSTT nhằm duy trì chênh lệch lãi suất Việt Nam đồng và đô la Mỹ ở mức hợp lý, qua đó góp phần hỗ trợ ổn định tỉ giá và thị trường ngoại tệ, nâng cao vị thế và giá trị Việt Nam đồng.

Hơn nữa, NHNN tiếp tục thực thi các giải pháp kiểm soát tăng trưởng tín dụng theo hướng nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung vốn vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho nền kinh tế tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng gắn với triển khai các chương trình tín dụng ngành, lĩnh vực, tín dụng chính sách. Kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các ngành, lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, qua đó đảm bảo hoạt động của các TCTD phát triển bền vững, lành mạnh. Tiếp tục kiên trì thực hiện lộ trình hạn chế tình trạng Đô la hóa trong nền kinh tế, kiểm soát nhu cầu vay vốn ngoại tệ.

Cuối cùng, NHNN tiếp tục phát huy công tác định hướng chính sách, cơ chế truyền thông hiệu quả để tạo kênh tiếp cận thông tin chính thống cho các chủ thể tham gia thị trường, tạo sự đồng thuận trong nền kinh tế đối với chính sách vĩ mô của Chính phủ nói chung và điều hành CSTT của NHNN nói riêng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới