Thứ Sáu, 11/10/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng 

Chính Phong

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Để thúc đẩy tăng trưởng, Chính phủ sẽ điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, phối hợp nhịp nhàng với chính sách tài khóa mở rộng để thúc đẩy tăng trưởng. Cùng với đó là tập trung ổn định tỷ giá và giảm lãi suất, đồng thời mở rộng tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên, phấn đấu đạt mức tăng trưởng tín dụng 15%.

Để ưu tiên cho tăng trưởng, cần điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả. Ảnh: DNCC

Đó là thông tin đáng chú ý được đưa ra trong buổi họp báo Chính phủ tháng 8 diễn ra chiều ngày 7-9 về những hoạt động của Chính phủ trong những tháng cuối năm 2024, theo TTXVN.

Sau khi điểm qua những kết quả đạt được, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tiếp tục bám sát mục tiêu đã đề ra về ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; trong đó, tiếp tục ưu tiên cho tăng trưởng, phấn đấu tăng trưởng năm 2024 và 2025 cao hơn để bù lại cho 3 năm trước của nhiệm kỳ.

Do đó, để ưu tiên cho tăng trưởng, cần điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách vĩ mô khác; tập trung giữ ổn định tỷ giá, phấn đấu giảm lãi suất cho vay, tiếp tục tăng tiếp cận vốn tín dụng, tập trung cho lĩnh vực ưu tiên, phấn đấu tăng trưởng tín dụng cả năm khoảng 15%.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, kinh tế tháng 8-2024 tiếp tục đà tăng trưởng tích cực ở cả 3 khu vực. Cụ thể, khu vực nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng ổn định; khu vực công nghiệp phục hồi tốt, tháng 8-2024 tăng 2% so với tháng 7 và tăng 9,5% so cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 8 tháng năm nay là tăng 8,6%.

Khu vực dịch vụ tiếp tục tăng khá khi tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8-2024 tăng 7,9%; 8 tháng năm 2024 tăng 8,5%. Khách quốc tế tính chung 8 tháng năm nay đạt gần 11,4 triệu lượt, tăng gần 46% so với cùng kỳ 2023 và tăng 1% so với cùng kỳ 2019 (giai đoạn trước Covid-19).

Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm và có thặng dư. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 8 tháng năm nay tăng 4,04% (lạm phát cơ bản tăng 2,71%). Các chính sách tiền tệ, tài khóa được điều hành linh hoạt theo diễn biến thị trường; tỷ giá, lãi suất cơ bản ổn định.

Tình hình an ninh năng lượng, an ninh lương thực được bảo đảm khi xuất khẩu gạo đạt 6,16 triệu tấn, kim ngạch khoảng 3,85 tỉ đô la Mỹ, tăng lần lượt 6% và 21,7% so với cùng kỳ; thị trường lao động phục hồi tốt, cơ bản bảo đảm cân đối cung cầu lao động.

Trong tháng 8-2024, lĩnh vực xuất khẩu tiếp tục tăng cao, xuất siêu lớn, góp phần bảo đảm cán cân thanh toán. Xuất khẩu tăng 3,7% so với tháng 7 và 14,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 8 tháng năm nay tăng 15,8%; nhập khẩu tăng 17,7; xuất siêu 19,07 tỉ đô la Mỹ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới