Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Điều không muốn cần làm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Điều không muốn cần làm

Quỳnh Thư

(KTSG Online) – Ngày hôm qua, TPHCM có 2.601 ca nhiễm Covid-19 mới. Đến 6 giờ sáng nay (16-7), thành phố này thêm 1.071 ca. Cũng đến 6 giờ sáng nay, Việt Nam có thêm 1.438 ca mới, nâng tổng số bệnh nhân SARS-CoV-2 lên hơn 42.000, trong đó chỉ riêng TPHCM đã chiếm khoảng phân nửa.

Ngành y tế khắp các tỉnh, thành đang gồng mình chống dịch. Tại Sài Gòn, sự chuẩn bị cho các bệnh viện chữa các ca nặng, các ca đặc biệt nguy cấp, đang ráo riết diễn ra mà thời gian được tính bằng giờ.

Tất cả cấp tập để đối phó với tình trạng không ai muốn nhưng hiện giờ chưa thể loại trừ: diễn biến lây lan Covid-19 xấu hơn nữa, thậm chí có thể làm ngành y tế thành phố này quá tải.

Thật vậy, nếu nhìn sang các nước láng giềng, chúng ta thấy một kịch bản gần giống nhau. Ban đầu các ca nhiễm ít, thậm chí có nước còn chuẩn bị mở cửa trở lại từng phần vào tháng 7 này, Thái Lan chẳng hạn. Nhưng rồi, tai họa bỗng dưng ập tới, biến chủng Delta của con virus đã làm đảo lộn tất cả.

Cách đây không lâu, Thái Lan ghi nhận ca nhiễm và tử vong cao chưa từng có. Báo chí Việt Nam cũng vừa đưa tin Indonesia “đã ở tình huống tồi tệ nhất” với gần 2,7 triệu ca nhiễm và 69.000 người tử vong(1). Malaysia cũng không khá hơn bao nhiêu khi hệ thống y tế của nước này báo động đang ở bên bờ vực “vỡ trận”.

Cho đến nay, Việt Nam nói chung vẫn chưa lâm vào tình cảnh như các nước nói trên. Mọi nỗ lực vẫn đang diễn tiến nhằm ngăn dịch bệnh trở nên xấu hơn. Nhưng trông người lại nghĩ đến ta và việc TPHCM chuẩn bị đối phó tình huống nguy hiểm hơn là điều cần làm.

Một trong những bước chuẩn bị cần thiết đã được người có thẩm quyền trong ngành y tế đưa ra: cho phép cách ly thí điểm tại nhà các ca F1, và sắp tới có thể là các ca F0 nhẹ. Đây là điều không muốn nhưng cần làm bởi lẽ các bệnh viện liên quan đang trở nên quá tải. Tới đây sẽ có thêm cơ sở chữa trị và giường bệnh, nhưng e rằng cũng không đủ nếu số bệnh nhân nặng tăng lên cùng với số ca nhiễm mới.

Nhưng chỉ một mình ngành y tế không thể lo toan tất cả. Như nhiều người đã khẳng định, thành bại của chúng ta trong cuộc chiến này đòi hỏi mọi người cùng đồng lòng, chung tay góp sức, trong đó người dân đóng vai trò hết sức quan trọng. Do vậy, nếu cần thiết phải cách ly F1, F0 tại nhà để giảm tải cho các bệnh viện, các khu tập trung, thì người dân liên quan phải biết cách tự bảo vệ mình và người khác trong cộng đồng một cách hữu hiệu.

Vậy thì họ sẽ biết những gì cần biết như thế nào? Họ cần hướng dẫn cụ thể, chỉ dẫn chi tiết. Thực ra, thông tin về vấn đề này cũng đã có, nhưng lại chưa đầy đủ và thiếu tập trung để, khi cần, người dân chỉ cần gõ một địa chỉ là có thể tìm thấy những điều thiết yếu nhất. Cũng nên nói thêm là riêng trong thông tin loại này, các cơ quan truyền thông và mạng Internet đang làm tốt hơn nguồn thông tin chính thức của ngành y tế.

Có lẽ cơ quan chức năng nên suy nghĩ thấu đáo về nội dung cũng như cách thức chuyển thông tin đến người dân trong thời gian sắp tới. Dù sao đi nữa, thông tin và kiến thức từ các nhà chuyên môn về sức khỏe cũng đáng tin cậy hơn các nguồn khác. Chắc rằng, nhiều nhà chuyên môn có uy tín sẵn sàng soạn thảo các thông tin này nếu họ được yêu cầu. Thay vì để người dân phải dò dẫm tìm thông tin từ nhiều nguồn trên mạng từ nhiều tác giả, bác sĩ khác nhau, thì hãy cung cấp thông tin cần thiết từ một đầu mối, ví dụ như website của CDC HCM (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM). Website này hiện giờ nên tập trung làm đầu mối với thông tin cập nhật hàng ngày chú mục vào công tác hướng dẫn cụ thể cách thức người dân đối phó với bệnh dịch, thay vì đăng tin các ca nhiễm như các báo.

Xét điều kiện giãn cách hiện nay, thông tin qua các website là tiện nhất. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, các biện pháp khác cũng không nên bỏ qua. Ví dụ, nếu phải cách ly F0 tại nhà, các quy định cần thiết có thể được in trên các tờ rơi để phân phát cho người dân ở địa điểm liên quan. Nếu chúng ta đã in được tờ rơi để vận động bầu cử, thì trong tình huống này, đây không phải là điều không nên làm, nếu xét thấy thực sự cần thiết.

Trong khi đó, vai trò của truyền thông vẫn là thuyết phục người dân tuân thủ các quy định của ngành y tế và học cách tự bảo vệ mình và cộng đồng xung quanh.

Dịch bệnh lây lan mạnh hơn là điều không ai muốn. Tuy nhiên, nếu điều này thực sự xảy ra, có những việc dù không muốn cũng cần làm.
————-
(1) https://dantri.com.vn/the-gioi/benh-vien-vo-tran-covid19-doa-nhan-chim-indonesia-malaysia-20210715144321591.htm

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới