Điều kiện kinh doanh mới: Mua bán cổ vật phải có bằng đại học
TH
(TBKTSG Online) – Đây là quy định mới được bổ sung trong Nghị định số 142/2018/NĐ-CP, được Chính phủ ban hành theo đề xuất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
![]() |
Cổ vật được bán ở chợ đồ cổ. Ảnh mang tính chất minh họa. |
Theo quy định tại khoản 1 Điều 25 Nghị định số 98/2010/NĐ-CP, chủ cửa hàng mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia phải đáp ứng các điều kiện sau đây: a- Là công dân Việt Nam có địa chỉ thường trú tại Việt Nam; b- Có chứng chỉ hành nghề kinh doanh mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia; c- Có cửa hàng đủ diện tích phù hợp để trưng bày di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia; d- Có đủ phương tiện trưng bày, bảo quản và bảo vệ di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia.
Nay Nghị định số 142/2018/NĐ-CP sửa đổi điều kiện c trên thành "có cửa hàng để trưng bày"; đồng thời bãi bỏ điều kiện d.
Cũng theo Nghị định mới, chứng chỉ hành nghề mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia chỉ được cấp cho người có trình độ đại học trở lên thuộc một trong các chuyên ngành đào tạo về di sản văn hóa, lịch sử (khảo cổ học, văn hóa học), mỹ thuật, Hán Nôm, dân tộc học, cổ nhân học, cổ sinh vật học (động vật, thực vật), địa chất; hoặc là thành viên của tổ chức xã hội – nghề nghiệp liên quan đến các chuyên ngành đào tạo nêu trên và đã thực hiện hoạt động sưu tầm cổ vật. Trước, Nghị định số 98/2010/NĐ-CP chỉ yêu cầu có trình độ chuyên môn hoặc am hiểu về di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia.
Đồng thời, Nghị định số 142/2018/NĐ-CP cũng giảm bớt điều kiện kinh doanh giám định cổ vật từ 4 điều kiện xuống 2 điều kiện. Cơ sở kinh doanh giám định cổ vật chỉ cần đảm bảo các điều kiện sau: 1- Có trang thiết bị, phương tiện thực hiện giám định phù hợp với lĩnh vực đã đăng ký; 2- Có ít nhất 03 chuyên gia giám định cổ vật về các chuyên ngành theo hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Theo http://canhtranhquocgia.vn