Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Điều kiện nhận hỗ trợ và tranh luận về hướng dẫn viên du lịch tự do

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Điều kiện nhận hỗ trợ và tranh luận về hướng dẫn viên du lịch tự do

Đào Loan

(TBKTSG Online) – Mấy ngày qua, sau khi TBKTSG Online đăng tải bài ‘Không lẽ, chúng tôi phải đứng ngoài rìa’"Hướng dẫn viên du lịch đủ điều kiện hành nghề sẽ được hỗ trợ" đã có những tranh luận về việc thế nào là hướng dẫn viên du lịch tự do và điều kiện hành nghề của hướng dẫn viên.

Điều kiện nhận hỗ trợ và tranh luận về hướng dẫn viên du lịch tự do
Du khách nước ngoài tại TPHCM trước khi có dịch Covid-19. Ảnh: Đào Loan

Bên cạnh việc đưa ra các ý kiến, quan điểm xoay quanh chủ đề nêu trên, nhiều độc giả thắc mắc, một số quy định về giao ước hợp đồng trong Bộ luật Lao động 2012 như giao kết hợp đồng lao động bằng lời nói với hướng dẫn viên có được áp dụng để chứng minh đây là những người làm trong ngành du lịch bị mất việc làm do dịch Covid-19 hay không.

Theo quy định của Luật Du lịch 2005, hướng dẫn viên du lịch chỉ cần có thẻ hướng dẫn viên do cơ quan chức năng cấp là đủ điều kiện hành nghề. Tuy nhiên, quy định này đã thay đổi.

Theo Luật Du lịch 2017, có hiệu lực từ ngày 1-1-2018, điều kiện hành nghề của hướng dẫn viên du lịch bao gồm có thẻ hướng dẫn viên du lịch; có hợp đồng lao động với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hướng dẫn du lịch hoặc là hội viên của tổ chức xã hội – nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch đối với hướng dẫn viên du lịch quốc tế và hướng dẫn viên du lịch nội địa.

Ngoài ra, hướng dẫn viên cần có hợp đồng hướng dẫn với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành hoặc văn bản phân công hướng dẫn theo chương trình du lịch. Đối với hướng dẫn viên du lịch tại các điểm đến, phải có phân công của tổ chức, cá nhân quản lý khu du lịch, điểm du lịch.

Theo Tổng cục Du lịch, quy định của Luật Du lịch 2017 không có nghĩa là không chấp nhận hướng dẫn viên du lịch tự do. Những người không muốn ràng buộc với một công ty lữ hành nào đó bằng các hợp đồng lao động dài hạn, ngắn hạn… thì vẫn có thể hành nghề tự do nhưng phải là thành viên của tổ chức xã hội nghề nghiệp về hướng dẫn được pháp luật công nhận.

Nếu là hướng dẫn viên có hợp đồng lao động (dài hạn, thời vụ…) với doanh nghiệp, có đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ, khi mất việc thể lãnh trợ cấp thất nghiệp. 

Trong dịch Covid-19, những người này cũng dễ dàng chứng minh là người lao động mất việc, đủ điều kiện để nhận các khoản hỗ trợ (nếu có) của chính phủ vì có những hợp đồng lao động này.

Tuy nhiên, những người không phải là nhân viên công ty hay thường gọi là hướng dẫn tự do cũng không khó để chứng minh là người lao động trong ngành du lịch bị mất việc do dịch bệnh.

Như trường hợp như cô N. T. D. H, nhân vật trong bài ‘Không lẽ, chúng tôi phải đứng ngoài rìa’ là hướng dẫn viên du lịch tự do đáp ứng điều kiện hành nghề vì có thẻ hướng dẫn và là thành viên của Chi hội Hướng dẫn viên Du lịch TPHCM.

Khi cần chứng minh là người lao động mất việc, H có thể nhờ công ty du lịch chứng nhận là đã có giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản, bằng lời nói… để chứng minh bản thân là người lao động nhưng mất việc do dịch bệnh. Ngoài ra, cô cũng có thể nhờ hội nghề nghiệp chứng minh công việc.

Tuy nhiên, thực tế cũng có những người vẫn làm việc đều đặn cho một số công ty lữ hành nhưng chỉ đáp ứng quy định cũ là có thẻ hướng dẫn viên du lịch, cũng có những người tham gia hội nghề nghiệp nhưng lại là hội sinh hoạt nghề nghiệp tự phát, chưa được pháp luật công nhận.

Với trường hợp này, công ty lữ hành sẽ bị phạt nếu cơ quan chức năng phát hiện là thuê lao động không đủ điều kiện hành nghề. Với hướng dẫn viên (cũng thường gọi là hướng dẫn viên tự do) thì khó khăn để chứng minh là lao động du lịch bị mất việc do Covid-19, một trong những nhóm được nhận hỗ trợ từ gói an sinh xã hội 62.000 tỉ đồng.

"Về luật, khi không đủ điều kiện hành nghề tức là không được hành nghề. Khi không hành nghề thì làm sao để gọi là người làm việc trong ngành du lịch nhưng bị mất việc do Covid-19", một quan chức của Tổng cục Du lịch nói và cho rằng, cùng với việc tuân thủ quy định của Bộ luật Lao động, người làm việc trong ngành du lịch còn phải chấp hành Luật Du lịch.

Ở đây, cơ quan chức năng ngành du lịch chỉ đề cập đến nhóm lao động du lịch, không đề cập đến các nhóm lao động khác, cũng nằm trong gói hỗ trợ này.

Mời đọc thêm:

Đứng "ngoài rìa" hay trong cuộc: sự lựa chọn của mỗi người

Từng bước mở lại du lịch nội địa

'Nhờ chia sẻ với mọi người, tôi đã tìm được lối thoát'

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới