Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Điều nông dân cần hơn!

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Điều nông dân cần hơn!

Những người sản xuất nông nghiệp nhỏ được xem là đối tượng rủi ro cao và khó tiếp cận vốn vay của các ngân hàng -Ảnh: LÊ TOÀN.

(TBKTSG) – Khi Chính phủ có chỉ đạo về việc đẩy mạnh mua cá, lúa cho nông dân để giải quyết tình hình khó khăn, nhiều địa phương đã nhanh chóng triển khai việc thực hiện. Có địa phương hăng hái đến mức, các sở, ngành… còn chỉ đạo kèm phải mua lúa, và mới đây là mía, với giá sao cho nông dân đảm bảo mức lợi nhuận “lý tưởng” ít nhất là 40%!

Doanh nghiệp nghe chỉ đạo chỉ biết lắc đầu than khó! Giúp nông dân là chuyện phải làm, nông dân có lãi ai mà chẳng vui. Chỉ có điều, phải chăng trước khi “ban ra” những mệnh lệnh như vậy, các sở, ngành quên cân đong đo đếm? Cụ thể là đối tượng phải chấp hành liệu sẽ như thế nào sau khi thực thi những mệnh lệnh đó?

Như cây mía, giá thành sản xuất năm nay ở mức 350 đồng/ki lô gam. Vậy để đảm bảo 40% lợi nhuận cho nông dân như lãnh đạo tỉnh Hậu Giang mong muốn, các doanh nghiệp phải mua mía với giá thấp nhất là 490 đồng/ki lô gam. Trong khi đó, theo tính toán của ông Nguyễn Thành Long, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Cần Thơ, với giá đường 8.400 đồng/ki lô gam thì quy ra giá mía 10 CCS (chữ đường) tại rẫy chỉ là 443,7 đồng/ki lô gam, chưa tính lợi nhuận của nhà máy.

Nhưng trớ trêu thay, giá đường trên thị trường vẫn chưa chịu vượt qua ngưỡng 8.300 đồng/ki lô gam chỉ vì phải cạnh tranh với đường nhập lậu (do các cơ quan chức năng bó tay!).

Đối với hạt lúa, gần đây một số doanh nghiệp chẳng dám “ngó” đến vì càng mua càng khổ. Không khổ sao được khi vay vốn khó khăn, lãi suất lại cao, trong khi xuất khẩu vẫn ngưng trệ vì giá sàn mà Hiệp hội Lương thực Việt Nam đưa ra vẫn cao hơn giá thị trường nên doanh nghiệp chẳng thể ký hợp đồng xuất, nên càng lưu kho càng ôm nợ. Phải chi yêu cầu mua lúa được ban hành kèm theo những giải pháp điều tiết, tháo gỡ khó khăn đầu ra thì doanh nghiệp đã chẳng lo như vậy.

Những doanh nhân như ông Long đều biết, để nông dân thua lỗ chẳng khác gì tự phá vùng nguyên liệu, nhưng nếu làm theo mệnh lệnh thì doanh nghiệp thua lỗ, ai bù?

Cũng đã có một số chỉ đạo tháo gỡ phần nào khó khăn về vốn cho doanh nghiệp khi đẩy mạnh mua nông sản. Nhưng chắc một điều, với nguồn vốn lãi suất cao ấy thì chẳng mấy doanh nghiệp hăng hái, bởi điều họ cần là thị trường tốt, lợi nhuận khả thi. Nông dân phải lo cho vợ, cho con, còn doanh nghiệp cũng phải lo nộp ngân sách, lo cho công nhân, cho cổ đông…

Những chỉ đạo xa rời thực tế có thể khiến nhiều doanh nghiệp phải luồn lách, viện cớ này, cớ khác để khỏi phải thi hành và thị trường cũng chẳng biến chuyển gì nhiều. Phải chăng điều này đã phần nào thể hiện, khi giá lúa đã chựng lại sau một thời gian ngắn nhóng giá đôi chút nhờ các mệnh lệnh hành chính?

Nông dân cần lắm sự giúp đỡ nhưng điều mà họ cần hơn là sự thay đổi cách nhìn, cách nghĩ về phương thức phát triển nền nông nghiệp, sự đầu tư đúng mức, tương xứng với những đóng góp của họ. Họ cần những quy hoạch tổng thể nhưng chi tiết, những chiến lược dài hạn để có thể an tâm với con cá, cây lúa, cây mía… Không thể cứ giúp họ bằng các giải pháp chữa cháy vì điều đó chỉ cứu họ qua cơn khó nhất thời.

Khi mà nền nông nghiệp vẫn manh mún, những rào cản pháp lý vẫn khiến nông dân chẳng thể tích tụ ruộng đất thì phương thức làm ăn như lâu nay chỉ khiến chi phí tăng vọt, không thể áp dụng công nghệ sản xuất tiên tiến, nói chi đến chuyện sản xuất nhiều sản phẩm chất lượng cao.

Nông dân, không phải ai cũng muốn mình là đối tượng được cứu giúp, được ban ơn.

HỒ HÙNG

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới