Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Điều tra tự vệ dầu thực vật nhập khẩu

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Điều tra tự vệ dầu thực vật nhập khẩu

T.Thu

(TBKTSG Online) – Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) ngày 26-12 ra quyết định điều tra áp dụng biện pháp tự vệ toàn cầu đối với mặt hàng dầu thực vật nhập khẩu vào Việt Nam. Đây là lần thứ hai Việt Nam điều tra áp dụng biện pháp tự vệ với hàng nhập khẩu, trước đó là mặt hàng kính nổi.

>>> Doanh nghiệp Việt Nam ít kiện chống bán phá giá

>>> Vụ kiện kính nổi: 2 đấu 100!

>>> Doanh nghiệp kính nổi thua kiện vì giá dầu F.O “đi ngược”

Điều tra tự vệ dầu thực vật nhập khẩu
Lượng dầu thực vật nhập khẩu vào Việt Nam. Đồ hoạ: T.Thu

Theo thông báo của Cục Quản lý cạnh tranh, trước đó, vào ngày 30-11-2012, cơ quan này đã nhận được đơn từ Tổng công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex) yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng dầu đậu nành và dầu cọ nhập khẩu vào Việt Nam. Bộ Công Thương xác nhận đơn của Vocarimex đầy đủ và hợp lệ.

Sản phẩm bị điều tra là dầu nành tinh luyện, dầu stearin tinh luyện và dầu Olein tinh luyện với các mã HS: 1507.90.90, 1511.90.91, 1511.90.92, 1511.90.99. Giai đoạn điều tra là từ ngày 1-1 đến ngày 31-12-2012.

Vocarimex chiếm 28,27% tổng sản lượng được sản xuất trong nước, nên đáp ứng yêu cầu về tỷ lệ đại diện để khởi kiện (25%). Một số công ty khác ủng hộ đơn yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ của Vocarimex, gồm Công ty CP Dầu thực vật Tường An, Công ty TNHH Dầu thực vật Cái Lân, Công ty Dầu ăn Golden Hope Nhà Bè.

Bốn công ty gồm Vocarimex, Tường An, Cái Lân, Nhà Bè hiện chiếm 97,81% tổng sản lượng sản xuất hàng hoá tương tự với dầu thực vật nhập khẩu.

Theo thông tin do Vocarimex cung cấp cho Cục Quản lý cạnh tranh, dầu thực vật nhập khẩu vào Việt Nam tăng cao trong thời gian gần đây. Cụ thể, trong cả năm 2012, lượng dầu nhập khẩu vào Việt Nam ước đạt trên 604.375 tấn, tăng 107,5% so với năm 2011, xét về lượng.

Nếu trong giai đoạn 2009-2011, thị phần của Vocarimex và các doanh nghiệp khác trong nước cộng lại chiếm khoảng 50-60% thị phần tại Việt Nam, thì vào năm 2012 giảm xuống còn 14%. Riêng thị phần của Vocarimex từ thị phần 17% trong năm 2011 xuống còn 4% trong năm 2012.

Trong khi đó, thị phần của hàng nhập khẩu tăng từ 43% trong năm 2011 lên đến 86% trong năm 2012.Nếu trong những năm trước đó, sản phẩm của Vocarimex luôn có giá bán bình quân thấp hơn giá nhập khẩu khoảng 2%, thì trong năm 2012 giá bán của công ty cao hơn giá của nhà xuất khẩu vào Việt Nam.

Theo đó, trong năm 2012, sản lượng của Vocarimex chỉ còn 65% so với năm 2011, và của ngành sản xuất trong nước chỉ còn 64% so với năm 2011.

Thị phần của dầu thực vật sản xuất trong nước so với sản phẩm nhập khẩu. Đồ hoạ: T.Thu

Đây là lần thứ hai Việt Nam tiến hành điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với hàng hoá nhập khẩu. Vào năm 2009, Việt Nam lần đầu tiên khởi kiện điều tra tự vệ đối với mặt hàng kính nổi nhập khẩu.

Nguyên đơn là Công ty kính nổi Viglacera (VIFG) và Công ty Kính nổi Việt Nam (VFG), chiếm hơn 90% tổng sản lượng nội địa của loại mặt hàng này. Đại diện cho nhà xuất khẩu bên bị đơn là một công ty của Indonesia và một công ty của Thái Lan.

Vào thời điểm này, dấy lên một cuộc tranh luận do xung đột lợi ích giữa hai bên, là hai công ty sản xuất trong nước và khoảng 100 doanh nghiệp nhập khẩu kính nổi. 

Sau bảy tháng điều tra, Cục Quản lý cạnh tranh ra báo cáo cuối cùng về kết quả điều tra, cho thấy sự gia tăng nhập khẩu không phải là nguyên nhân chính gây ra thiệt hại đối với ngành sản xuất trong nước, mà do suy giảm kinh tế (2008-2009) và biến động trái chiều giá dầu F.O tại Việt Nam so với thế giới. Ngoài ra, trong quí 2-2009, thị phần của các nhà sản xuất trong nước có dấu hiệu phục hồi, trong khi hàng nhập khẩu có chiều hướng bắt đầu giảm.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới