Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

“Đinh tặc” và tham nhũng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

“Đinh tặc” và tham nhũng

Vĩnh Định

(minh họa)

(TBKTSG) – Nạn “đinh tặc” xuất hiện, hoành hành ở TPHCM và một số địa phương khác đã một thời gian dài. Các cơ quan có nhiệm vụ giữ gìn trật tự trị an, bảo vệ tính mạng, tài sản nhân dân – đứng đầu là công an – đã tỏ ra bất lực hoặc thờ ơ với nhiệm vụ được giao.

Không cam tâm để cho kẻ xấu lộng hành, người dân đã đấu tranh bằng nhiều hình thức, từ cách làm thụ động như gom nhặt đinh rơi vãi trên đường, thành lập các đội vá xe lưu động cho đến việc sử dụng các biện pháp nghiệp vụ của công an, tổ chức bắt quả tang một số “đinh tặc” giao cho cơ quan chức năng xử lý. Tiêu biểu cho lực lượng này là Câu lạc bộ Phòng chống tội phạm phường Phú Hòa, thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.

Điều đáng nói ở đây là, để biện minh cho sự bất lực trước nạn “đinh tặc”, cơ quan công an các cấp thường nại lý do “lực lượng mỏng”(!) Nhưng hầu như ai cũng thấy lý do này không chính đáng, bởi thực tế Câu lạc bộ Phòng chống tội phạm phường Phú Hòa lực lượng còn “mỏng” hơn nhiều, cũng chưa từng học qua nghiệp vụ của công an, lại không được hưởng lương nhưng các anh làm rất được việc, đến nỗi công an một số phường của TPHCM phải tìm đến để “học tập”!

Từ chuyện “đinh tặc” nghĩ đến tệ nạn lớn hơn là tham nhũng, dường như cũng có điểm tương đồng. Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng các cấp đã được thành lập từ nhiều năm nay, nhưng tình trạng tham nhũng hầu như không giảm, mà ngày càng nghiêm trọng hơn. Do vậy, nhiều năm nay, Việt Nam luôn bị xếp vào nhóm các quốc gia có nạn tham nhũng nghiêm trọng trên thế giới.

Đảng, Nhà nước vẫn luôn đề nghị mọi người hiến kế chống tham nhũng. Theo tôi, chuyện “hiến kế” thì ai cũng có thể tham mưu, đề xuất được; nhưng vấn đề quan trọng là có thật sự làm hay không và ai làm?

Đơn cử như việc kê khai tài sản của cán bộ, đảng viên. Mục đích kê khai là để cơ quan quản lý theo dõi, nắm được biến động về tài sản của đương sự, kịp thời phát hiện những bất minh trong thu nhập, chi tiêu, mua sắm… để có biện pháp xử lý thích hợp. Nhưng thực tế việc này làm rất “đại khái”, hầu như chẳng ai quản được ai.

Trong các nghi án về tham nhũng, lẽ ra các bị can phải tự chứng minh nguồn gốc tài sản của mình, thay vì cơ quan công an phải thực hiện như hiện nay. Và khi tham nhũng bị phát hiện thì phải bị nghiêm trị, kèm biện pháp tịch thu tài sản… Rất tiếc, đến nay chúng ta nói thì nhiều mà làm thì ít, để cho tham nhũng tràn lan rồi “đổ thừa” do quá tinh vi, khó phát hiện. Nói thế chẳng khác nào công an chịu thua “đinh tặc” bởi lý do muôn thuở: “lực lượng mỏng”!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới