Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Định vị lại ngành công nghiệp phần mềm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Định vị lại ngành công nghiệp phần mềm

Tuyết Ân

(TBVTSG) – Việt Nam kỳ vọng nhiều vào ngành công nghiệp phần mềm, nhưng sau gần mười năm phát triển, bức tranh của ngành vẫn còn khá mơ hồ. Tại cuộc hội nghị toàn cảnh CNTT-TT Việt Nam 2009 tại TPHCM vừa qua, các đại biểu đã băn khoăn rằng đâu là vị trí đích thực của ngành…

Không thể phủ nhận tiềm năng phát triển của ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam. Điều này đã được chứng minh qua việc nhiều tập đoàn quốc tế đã đưa Việt Nam vào chuỗi dịch vụ toàn cầu. Các tổ chức xếp hạng cũng đánh giá Việt Nam là nơi có thứ hạng gia công tốt trên thế giới.

Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng, lâu nay chúng ta đã chưa biến được tiềm năng đó thành năng lực thực tế. Thậm chí, nếu cứ như thời gian qua, có thể đánh mất nhiều cơ hội phát triển.

Mười năm và những con số

Ông Nguyễn Trọng, nguyên Chủ tịch Hội Tin học TP.HCM (HCA), đã chỉ ra vị trí khiêm tốn của ngành CNTT trong nền kinh tế Việt Nam.

“Dù Việt Nam đã xác định đây là ngành công nghiệp mũi nhọn từ 10 năm trước nhưng các số liệu thống kê cho thấy quy mô của ngành còn rất nhỏ bé, với vốn đầu tư trung bình tại mỗi doanh nghiệp là 2 tỷ đồng, quy mô nhân lực trung bình là 15 người và mức đóng góp cho GDP của ngành còn khá khiêm tốn, khoảng 0,5%,” ông Trọng cho biết.

Toàn cảnh ngành CNTT Việt Nam do HCA khảo sát cho thấy, doanh thu phần mềm và dịch vụ CNTT năm 2008 đạt khoảng 680 triệu đô-la Mỹ, trong đó riêng phần mềm là 424 triệu đô-la, lợi nhuận đầu tư bình quân trên vốn khoảng 25%. Vấn đề đáng quan tâm trong cuộc khảo sát này là các doanh nghiệp đông về số lượng nhưng “xấu đều và tự phát”.

Chỉ khoảng 5% số doanh nghiệp (khoảng 40 doanh nghiệp) đang chi phối 95% tổng doanh thu về phần mềm và dịch vụ, 95% doanh nghiệp còn lại chỉ đóng góp có 5% tổng doanh thu. Tuy nhiên, doanh nghiệp phần mềm vẫn chưa đạt đến quy mô lớn, khi chỉ có rất ít doanh nghiệp có hơn 1.000 nhân sự và dưới 5% doanh nghiệp có doanh thu trên 1 triệu đô-la/năm.

Tổng nhân lực toàn ngành gia công phần mềm khoảng 30.000 người với năng suất lao động bình quân là 11.000 đô-la Mỹ/người/năm, bằng 45% so với Ấn Độ và 65% so với Trung Quốc. Nguyên nhân chính là đa số các hợp đồng có mức độ yêu cầu kỹ thuật còn thấp và đơn giản, giá thấp. Nếu nguồn nhân lực này được nâng cao tay nghề kỹ thuật và doanh nghiệp thực hiện được những đơn hàng có yêu cầu cao thì năng suất lao động sẽ đạt khoảng 22.000 đô-la Mỹ. “Bước sang năm 2009 doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn về thị trường. Cần đánh giá lại hiệu quả hoạt động của ngành này trong thực tế để xác định hướng phát triển phù hợp hơn cho ngành,” theo ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch HCA.  

Theo ông Nguyễn Trọng Đường, Phó vụ trưởng Vụ CNTT – Bộ Thông tin-Truyền thông, số doanh nghiệp có quy mô lớn và quy trình chuyên nghiệp hiện còn rất ít. Trong toàn cục, phần lớn các doanh nghiệp ở giai đoạn “ăn đong”, chưa đủ khả năng đầu tư dài hạn. Nhiều doanh nghiệp trước đây tập trung đầu tư chuyên sâu vào lĩnh vực phần mềm nhưng nay đã vội vàng đầu tư sang lĩnh vực khác nhằm tránh rủi ro.

Điều này chứng tỏ niềm tin vào ngành và sức hút của ngành chưa đủ để giúp doanh nghiệp vượt qua những “cửa ải” khó khăn với chiến lược dài hạn. Việc phát triển như vậy làm kéo dài tình trạng nhỏ, lẻ tẻ và thiếu chuyên nghiệp, khiến quy mô của ngành nhỏ bé, khó tiếp cận thị trường quốc tế.

Mặt khác, khó khăn về nhân lực trong những năm trước đã đẩy giá nhân công tại Việt Nam lên cao, làm cho lợi thế này của Việt Nam đang giảm dần. Nếu như ở giai đoạn 2004-2007 các doanh nghiệp chủ yếu thiếu người thì hiện nay vừa thiếu người lại vừa thiếu việc nên càng khó khăn hơn nhiều. Nếu bước vào giai đoạn kinh tế hồi phục với một lực lượng “mỏng” như thế thì ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam khó lòng bứt phá.

Điểm lại quá trình phát triển 10 năm qua, ta thấy những điểm yếu của ngành CNTT vẫn chưa được cải thiện đáng kể. Hiện số lượng nhân lực đạt một trình độ nhất định còn rất thiếu so với nhu cầu về nhân lực của các doanh nghiệp. Quy mô và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam còn hạn chế.

Từ các ý kiến đánh giá của quốc tế, theo ông Lê Trường Tùng, Phó chủ tịch HCA, vị thế của ngành CNTT Việt Nam chưa cao, song Việt Nam đã trở thành quốc gia có tên trên bản đồ CNTT thế giới với những chỉ số lạc quan hơn.

Đặc biệt trong lĩnh vực gia công phần mềm, thứ hạng của Việt Nam tăng nhanh gần đây. Năm nay, Việt Nam lần đầu tiên có mặt trong nhóm 10 quốc gia hấp dẫn nhất về gia công phần mềm và dịch vụ theo xếp hạng của A.T.Kearney.

Theo Gartner đánh giá, Việt Nam thuộc nhóm 30 quốc gia về gia công với ưu thế chi phí thấp. Trong khi theo danh sách của Global Services – Tholon Study 2009, thì cả TP.HCM và Hà Nội đều lọt vào bảng xếp hạng về gia công với vị trí thứ 4 và thứ 10 trong năm nay. TPHCM cũng nằm trong nhóm 10 thành phố có triển vọng tại châu Á – Thái Bình Dương của KPMG. “Riêng trong lĩnh vực gia công, Việt Nam đã nổi lên như một địa chỉ mới. Đây có lẽ là thành quả lớn nhất sau những năm hoạt động: Việt Nam được thế giới biết đến trong một lĩnh vực đặc thù,” theo ông Tùng.

“Giấc mơ về một Phù Đổng”

Theo ông Đường, sở dĩ như vậy là vì sự đầu tư của Nhà nước và xã hội cho CNTT nói chung còn rất hạn chế. Việc phát triển nguồn nhân lực CNTT trong những năm qua đã được đề cập nhiều vẫn chưa được cải tiến. Trong khi các doanh nghiệp năng lực còn yếu, năng suất thấp, quy mô nhỏ, thiếu kinh nghiệm, chưa sản xuất theo quy trình công nghiệp… thì việc xúc tiến thương mại, quảng bá hình ảnh cho ngành công nghiệp phần mềm cả ở tầm doanh nghiệp và quốc gia đều chưa được chú trọng đúng mức.

Thị trường phần mềm và dịch vụ CNTT toàn cầu giai đoạn vừa qua suy giảm nhất định nhưng dịch vụ phần mềm, đặc biệt nhu cầu về gia công phần mềm, vẫn đang duy trì rất lớn trên toàn cầu. Việc Việt Nam có thể nắm bắt thời cơ ra sao sau giai đoạn kinh tế khủng hoảng đã đặt ra mối hoài nghi ngay trong các doanh nghiệp. Theo ông Trọng, trong khi doanh nghiệp đang rất khó khăn để “trở mình” với con số vài trăm triệu đô-la Mỹ cho các hợp đồng quốc tế thì ngay bên cạnh Việt Nam, Philippines đã đạt gấp 10 lần doanh số Việt Nam từ nhiều năm nay. “Sự nhỏ bé là do nhiều nguyên nhân, nhưng quan trọng nhất là cần một sự quy hoạch ngành và đầu tư về nguồn nhân lực có định hướng rõ ràng.”

Trong những năm qua ngành công nghiệp CNTT vẫn chưa khẳng định được vị trí của mình. Các đại biểu đã đặt ra vấn đề, nếu xem công nghiệp phần mềm là “ngành công nghiệp mũi nhọn” thì các giải pháp cho việc phát triển ngành sẽ phải tạo ra sự đột phá và khác biệt.

Theo ông Trọng, sức sống của những chủ trương, chính sách cho ngành còn yếu ớt, “mặc dù không ai phủ nhận vai trò của ngành công nghiệp phần mềm và dịch vụ CNTT nhưng ít người tin rằng ngành này có thể là ‘Phù Đổng’ của nền kinh tế hiện đại,” ông Trọng bức xúc.

Phát biểu tại cuộc hội thảo, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng việc ngành công nghiệp phần mềm tăng trưởng 40% hằng năm và Việt Nam có tên trên bản đồ CNTT thế giới trong những năm qua là rất quan trọng.

Và theo Phó thủ tướng, doanh nghiệp trong khi kêu ca khó khăn vẫn chưa biết tận dụng chính sách để phát triển nguồn nhân lực. Cụ thể như những dự án xây dựng thương hiệu quốc gia mà Chính phủ tài trợ vốn. Trong năm năm tới, Chính phủ sẽ chi 900 tỷ đồng cho công tác đào tạo nguồn nhân lực CNTT. Các trường đại học đều sẵn sàng tham gia đào tạo CNTT, đặc biệt là các doanh nghiệp trong và ngoài nước đều rất cần nguồn nhân lực này.

Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục-Đào tạo và Bộ Thông tin-Truyền thông phối hợp thành lập một đơn vị đầu mối đủ mạnh chuyên thực hiện việc đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực CNTT, đáp ứng sự đòi hỏi rất lớn của ngành trong thời gian tới. Các thành viên của Ban chỉ đạo quốc gia về CNTT cần sát thực tế và chủ động trong công tác tham mưu cho Chính phủ với những ý tưởng sáng tạo để trong ba năm tới ngành này đạt được kết quả tốt hơn.

Chính phủ đã xác định công nghiệp CNTT là ngành mũi nhọn và thực tế đã chứng minh chúng ta có khả năng phát triển với các nhân tố như có nguồn nhân lực, chi phí thấp. Xuất phát điểm của Việt Nam còn thấp, năng lực tổ chức còn hạn chế nên cả doanh nghiệp và Chính phủ phải vừa thực hiện vừa học hỏi kinh nghiệm.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới