Thứ Bảy, 3/06/2023, 21:09
30 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


DN chưa muốn “siết” tỷ lệ mạ băng trong cá tra xuất khẩu

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

DN chưa muốn “siết” tỷ lệ mạ băng trong cá tra xuất khẩu

Trung Chánh

DN chưa muốn “siết” tỷ lệ mạ băng trong cá tra xuất khẩu
Doanh nghiệp cá tra vẫn chưa muốn bị “siết” với quy định tỉ lệ mạ băng và hàm ẩm. Trong ảnh là công nhân đang chế biến cá tra xuất khẩu. Ảnh: Trung Chánh

(TBKTSG Online) – Chỉ hơn một tháng nữa, quy định “siết” tỷ lệ mạ băng, hàm ẩm đối với cá tra fillet đông lạnh xuất khẩu sẽ được thực thi, tuy nhiên, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này vẫn chưa muốn bị “trói buộc”.

Theo quy định của Nghị định 36/2014/NĐ-CP (còn gọi là Nghị định cá tra), kể từ 31-12-2014, doanh nghiệp xuất khẩu cá tra phải thực hiện nghiêm việc áp dụng tỉ lệ mạ băng đối với cá tra fillet đông lạnh xuất khẩu không được vượt quá 10%/tổng khối lượng sản phẩm và hàm ẩm không được vượt quá 83%.

Tuy nhiên, phát biểu tại buổi buổi làm việc giữa các doanh nghiệp sản xuất, chế biến và xuất khẩu cá tra với Hiệp hội cá tra Việt Nam (VN Pangasius) về quy định tỷ lệ mạ băng và hàm ẩm tổ chức hôm nay (11-11) tại Cần Thơ, vẫn còn nhiều ý kiến tranh luận của doanh nghiệp về quy định trên.

Ông Nguyễn Văn Ký, Tổng giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu thủy sản An Giang (Agifish), cho rằng với quy định tỷ lệ mạ băng và hàm ẩm theo Nghị định 36 thì mức độ chấp nhận của thị trường nhập khẩu là rất thấp. “Có tháng đơn vị chúng tôi xuất đến 100 container cá tra fillet nhưng trong đó chỉ có 2 container, tương đương 2% được xuất khẩu theo tiêu chuẩn của Nghị định 36 thôi (mạ băng không vượt quá 10% và hàm ẩm không vượt 83%- PV)”, ông Ký dẫn chứng.

Theo ông Ký, khi Nghị định 36 có hiệu lực (20-6-2014), ông đã lên kế hoạch và liên hệ với khách hàng nhập khẩu với mục đích bán sản phẩm theo tiêu chuẩn mới quy định trong nghị định này. Thế nhưng, vì tiêu chuẩn mới giá bán phải tăng lên gấp đôi so với mức 2,4-2,5 đô la Mỹ/kg như hiện nay doanh nghiệp mới có lãi, cho nên khi giá tăng đột ngột thị trường nhập khẩu không chấp nhận. “Vì vậy, theo tôi lộ trình thực hiện việc này cần phải kéo dài hơn nữa so với thời gian cuối năm 2014”, ông Ký đề xuất.

Còn ông Ngô Quang Trường, Giám đốc Công ty TNHH thủy sản Biển Đông, cho rằng khi “siết” quy định tỉ lệ mạ băng và hàm ẩm đồng nghĩa chất lượng sản phẩm được nâng lên. “Nhưng thị trường nhập khẩu họ không chấp nhận, sản xuất ra bán không được, thì công nhân, doanh nghiệp nhà máy sẽ như thế nào?”, ông Trường đặt vấn đề.

Theo ông Trường, việc thực hiện Nghị định 36 là cần thiết nhưng phải có lộ trình, chẳng hạn thị trường Mỹ, châu Âu đòi hỏi chất lượng sản phẩm cao thì có thể từng bước áp dụng tỉ lệ mạ băng và hàm ẩm như quy định của Nghị định 36, còn đối với những thị trường khác thì tùy thuộc vào tình hình mà ứng phó phù hợp.

Tuy nhiên, ông Hồ Văn Vàng, Phó chủ tịch VN Pangasius, cho biết ý kiến của doanh nghiệp đưa ra vẫn còn nặng tính chủ quan nhằm bảo vệ cách làm chụp giựt xưa nay của họ. “Nhưng nếu các anh (doanh nghiệp) cứ bám víu vào cách làm ăn như hiện nay, thì thế nào ngành cá tra cũng phá sản. Tôi nghĩ, doanh nghiệp cần phải suy nghĩ lại”, ông Vàng cho biết.

Do việc triển khai thực hiện một số điều khoản của Nghị định 36 còn gặp khó khăn, cho nên theo ông Võ Hùng Dũng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký VN Pangasius, từ năm 2016 trở đi, Nghị định này mới có thể đi vào cuộc sống một cách đầy đủ và trọn vẹn.

Theo tìm hiểu của Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, khoảng thời gian nêu trên cũng phù hợp với lộ trình thực hiện một số nội dung của Nghị định 36 đã đặt ra, chẳng hạn quy định 100% vùng nuôi phải đạt được một trong các tiêu chuẩn như: VietGap, GlobalGap hoặc ASC (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt) hay các tiêu chuẩn tương đương đã được pháp luật Việt Nam công nhận (31-12-2015).

Về tình hình đăng ký hợp đồng xuất khẩu theo quy định tại Nghị định 36, ông Dũng của VN Pangasius, cho biết tính đến hết ngày 8-11-2014 (tức khoảng 2 tháng sau khi bắt đầu tiếp nhận đăng ký), đã có trên 4.680 bộ hồ sơ của 173 doanh nghiệp gửi đến đăng ký với tổng khối lượng sản phẩm đạt gần 290.000 tấn (tương đương có trên 7.680 lô hàng đã đăng ký xuất khẩu).

Theo thống kê của Tổng cục Hải Quan, lũy kế giá trị xuất khẩu cá tra từ đầu năm 2014 đến hết ngày 15-10-2014 của các doanh nghiệp trong nước đạt trên 1,35 tỉ đô la Mỹ, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự báo, kim ngạch xuất khẩu cả năm đạt khoảng 1,75 tỉ đô la Mỹ, tương đương với năm 2013.

Xem thêm:

Chết vì 30% là nước!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới