Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

DN còn gặp nhiều khó khăn khi ứng dụng thương mại điện tử

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

DN còn gặp nhiều khó khăn khi ứng dụng thương mại điện tử

Thuỳ Dung

(TBKTSG Online) – Dù tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam ở mức cao trên thế giới nhưng tốc độ này không bền vững và các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, còn gặp nhiều khó khăn trong việc áp dụng hình thức thương mại mới này.

Thông tin tại hội thảo "Giải pháp thương mại điện tử, để doanh nghiệp thành công" hơn do Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương kết hợp với Ngân hàng OCB tổ chức ngày 12-12, cho thấy, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có mức tăng trưởng thương mại điện tử (TMĐT) nhanh, 35% mỗi năm (cao gấp 2,5 lần so Nhật Bản). 

Thống kê cũng cho thấy, các doanh nghiệp ứng dụng Internet và công nghệ có mức tăng trưởng nhanh gấp 2,1 lần so với đơn vị không dùng. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa chi hơn 30% ngân sách cho công nghệ có thể tăng doanh thu gấp 9 lần so với doanh nghiệp chi dưới 10%.

Theo kế hoạch phát triển TMĐT giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng trưởng TMĐT trong lĩnh vực bán lẻ sẽ đạt khoảng 20%/năm và đạt khoảng 10 tỉ đô la Mỹ vào năm 2020. Thời gian tới, TMĐT sẽ trở thành kết cấu hạ tầng quan trọng của lĩnh vực thương mại Việt Nam.

Bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số, Bộ Công Thương cho hay, khảo sát mới đây của Bộ Công Thương thì có tới 76% máy móc và công nghệ nhập khẩu của doanh nghiệp trong nước từ những năm 80s-90s, trong đó, 75% đã hết khấu hao. Ứng dụng CNTT trong điều hành sản xuất còn thấp, và thấp đều trong gần như tất cả các lĩnh vực trong nền kinh tế. Chưa kể, nguồn nhân lực trong nước cũng ở mức thấp, khó đáp ứng được việc ứng dụng TMĐT.

Bà Nguyễn Quỳnh Nga, Phó Giám đốc khối Doanh nghiệp vừa và nhỏ, Ngân hàng OCB cho hay, các doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tới 98% tổng số doanh nghiệp, 77% cơ cấu lực lượng lao động, 80% cơ cấu thị trường bán lẻ và 40% GDP nhưng một nghịch lý, họ chỉ tiếp cận được 3% vốn vay ngân hàng. Điều này là do họ thiếu tài sản đảm bảo, thiếu hồ sơ về quyền sở hữu tài sản, không có kế hoạch sản xuất kinh doanh, thông tin tài chính không đầy đủ….

Hiện nay, TMĐT của Việt Nam chưa thể phát triển bền vững một phần cũng do  lòng tin của người tiêu dùng vào chất lượng hàng hóa, dịch vụ không giống như quảng cáo và tính bảo mật khi thanh toán qua mạng không cao. Mặt khác, hầu hết các trang TMĐT của Việt Nam chưa tích hợp được các dịch vụ cộng sinh cho một quy trình TMĐT khép kín, như tối ưu digital marketing, kết nối điểm bán hàng online và offline.

Theo các chuyên gia tại hội thảo, muốn gia nhập sân chơi TMĐT, điều mà các nhà bán lẻ cần làm không chỉ là dựng lên một trang bán hàng mà còn phải tính đến bài toán tổng thể cho một hệ thống kinh doanh, đồng bộ từ khâu sản xuất, marketing tiếp thị, quản lý đơn hàng/nguồn hàng và công tác vận chuyển, giao nhận.

Mời đọc thêm:

Ngành bán lẻ truyền thống sẽ ra sao trong kỷ nguyên số?

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới