Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

DN đồ gỗ Trung Quốc dịch chuyển sang Việt Nam

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

DN đồ gỗ Trung Quốc dịch chuyển sang Việt Nam

Lê Hoàng

(TBKTSG Online) – Nhiều doanh nghiệp hoạt động trong ngành nội thất của Trung Quốc, trong đó đáng chú ý là doanh nghiệp ở Thiên Tân đang xem xét việc dịch chuyển hoạt động sản xuất sang thị trường Việt Nam. Điều này cũng gây nên nỗi lo ngại của các nhà sản xuất trong nước về những ảnh hưởng trong tương lai.

DN đồ gỗ Trung Quốc dịch chuyển sang Việt Nam
Bà Gao Xi Zhi (thứ nhất, bên phải) cùng các chủ tọa của diễn đàn đang trao đổi với các doanh nghiệp về cơ hội xúc tiến đầu tư thương mại vào Việt Nam. Ảnh: Hùng Lê

Chủ tịch Hiệp hội ngành nội thất Thiên Tân (Tianjin Furniture Association), bà Gao Xiu Zhi, đã chia sẻ thông tin trên với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online bên lề cuộc tọa đàm về Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Bắc Kinh (Beijing), Thiên Tân (Tianjin), và Hà Bắc (Hebei) 2017 diễn ra tại TPHCM vào chiều 6-12. Buổi tọa đàm thu hút hơn 100 doanh nghiệp Trung Quốc tham dự, nằm trong khuôn khổ Hội chợ Thương mại Quốc tế Việt Nam (Vietnam Expo 2017) được khai mạc tại Trung tâm Triển lãm và Hội nghị Sài Gòn (SECC) trong cùng ngày.

Một trong những nguyên nhân chính mà doanh nghiệp ngành nội thất ở Trung Quốc nói chung và ở Thiên Tân nói riêng muốn dịch chuyển khâu sản xuất đến Việt Nam, theo bà Gao Xiu Zhi, là do chi phí nhân sự ở Trung Quốc ngày càng tăng cao, trong khi ở Việt Nam, tiền lương cho người lao động của ngành này thấp hơn.

Bên cạnh đó, Việt Nam đang thực hiện các cam kết về cắt giảm thuế quan theo các hiệp định thương mại quốc tế cũng là cơ hội để các doanh nghiệp nội thất Trung Quốc quyết định đầu tư nhà máy sản xuất tại đây rồi sau đó xuất khẩu ra nước ngoài. Bà Gao Xiu Zhi cho biết nhiều thành viên trong hiệp hội muốn đến Việt Nam tìm cơ hội đầu tư trong thời gian tới. Phần lớn những doanh nghiệp này có quy mô sản xuất lớn và có nhiều thị trường xuất khẩu sản phẩm.

Về phía các doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam, việc nhà sản xuất đồ gỗ nội thất Trung Quốc muốn chuyển dịch nhà máy sang Việt Nam nằm trong mục tiêu "né tránh" thuế chống phá giá từ Mỹ, thị trường tiêu thụ đồ gỗ rất lớn trên thế giới với khoảng 30 tỉ đô la Mỹ mỗi năm.

Theo bà Gao Xiu Zhi, thành phố Thiên Tân có hơn 7.000 doanh nghiệp nội thất, trong đó doanh nghiệp chế tạo sản xuất nội thất gần 3.000.

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, mỗi năm Trung Quốc xuất khẩu hơn 10 tỉ đô la đồ gỗ sang thị trường Mỹ, trong khi Việt Nam mới chỉ đạt 2 tỉ đô la. Mặt hàng đồ gỗ của Trung Quốc trong thời gian qua bị áp thuế chống bán phá giá rất cao khi xuất khẩu sang Mỹ nên các doanh nghiệp Trung Quốc muốn chuyển sang sản xuất tại Việt Nam để tránh bị áp thuế.

Ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM, trong cuộc trao đổi gần đây với TBKTSG Online cũng cho rằng dù Mỹ không tham gia vào Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) – mà nay đổi thành Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), doanh nghiệp chế biến gỗ Trung Quốc vẫn tiếp tục đầu tư vào Việt Nam. Sự chuyển dịch đầu tư vào Việt Nam của doanh nghiệp chế biến gỗ Trung Quốc diễn ra được hơn hai năm nay, nhằm để hưởng lợi từ các hiệp định thương mại mà Việt Nam là thành viên như CPTPP. Và dù không có Mỹ trong CPTPP, dòng vốn đầu tư này vẫn chưa có dấu hiệu bị ảnh hưởng.

Cũng theo ông Hạnh, việc Mỹ áp thuế chống phá giá đối với đồ gỗ Trung Quốc sẽ khiến cho các đơn hàng từ Mỹ dịch chuyển sang các nước xuất khẩu gỗ khác ở khu vực ASEAN, trong đó có Việt Nam. Việt Nam đang là nước xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất ở ASEAN và cũng là đối thủ lớn của doanh nghiệp gỗ Trung Quốc.

Ngoài việc chuyển dịch đầu tư sang Việt Nam, còn có hiện tượng doanh nghiệp gỗ Trung Quốc áp dụng biện pháp tạm nhập hàng hóa ở Việt Nam và tái xuất để lấy xuất xứ Việt Nam nhằm xuất khẩu đi nước khác, trong đó có Mỹ. Ông Hạnh cho rằng điều này hoàn toàn không tốt cho ngành và ảnh hưởng đến doanh nghiệp chế biến gỗ Việt Nam rất nhiều.

Bên cạnh đó, việc Trung Quốc đóng cửa rừng, dẫn đến nguồn cung nguyên liệu gỗ cho sản xuất bị thiếu, cũng khiến doanh nghiệp gỗ nước này dịch chuyển đầu tư sang nước khác.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới