Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

DN Hàn Quốc, Đài Loan thắc mắc về bảo hiểm xã hội

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

DN Hàn Quốc, Đài Loan thắc mắc về bảo hiểm xã hội

Thanh Thương

Đại diện Công ty Hwaseung Vina đang có ý kiến trong buổi gặp gỡ sáng nay. Ảnh: Thanh Thương

(TBKTSG Online) – Nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc, Đài Loan đã có ý kiến về những bất hợp lý trong việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tại buổi gặp gỡ với Sở Lao động Thương binh và Xã hội TPHCM, sáng nay 12-5.

>> Nhiều bất cập trong chi trả bảo hiểm thất nghiệp

Ông Bùi Quang Hinh, Trưởng phòng Hành chính Công ty Hwaseung Vina, Hàn Quốc cho biết hiện công ty ông có khoảng 16.000 lao động, nhưng trong những tháng đầu năm, lượng lao động biến động mạnh so với năm 2009.

“Đa phần lao động nghỉ việc là để được hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Theo quy định, hiện nay nếu nghỉ việc thì người lao động sẽ được nhận trợ cấp bằng 1,8 tháng lương cho một năm làm việc – một số tiền khá lớn đối với người lao động; rồi sau đó họ xin quay lại làm việc. Trong tình trạng thiếu lao động, và nhất là lao động đã có tay nghề nên công ty buộc phải nhận lại, nhưng việc biến động liên tục đã ảnh hưởng không ít tới quá trình sản xuất kinh doanh của công ty”, ông Hinh cho biết.

Trả lời về vấn đề này, ông Lê Thành Tâm, Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội TPHCM, cho rằng tình trạng này chỉ là hy hữu vì thường thì người lao động phải có lý do mới phải nghỉ việc. Tuy nhiên, ông cũng cho biết do bảo hiểm thất nghiệp mới chỉ thực hiện chi trả được 4 tháng nên có thể sẽ phát sinh nhiều vấn đề, và hiện các cơ quan lao động vẫn đang giám sát để giải quyết một cách hợp lý.

Một doanh nghiệp khác cũng thắc mắc về việc nếu lao động bị mất việc do công ty đóng cửa hoặc lao động tự ý bỏ việc thì có được hưởng bảo hiểm thất nghiệp hay không? Bà Nguyễn Thị Dân, Trưởng phòng quản lý lao động tiền công, tiền lương của Sở Lao động Thương binh và Xã hội TPHCM, cho biết nếu người lao động chấm dứt hợp đồng lao động và có quyết định nghỉ việc của doanh nghiệp thì sẽ được nhận bảo hiểm thất nghiệp. Trong trường hợp lao động tự ý bỏ việc sẽ không được hưởng bất cứ quyền lợi gì do cơ quan lao động không có đủ hồ sơ để giải quyết chi trả.

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp cho rằng việc chi trả bảo hiểm xã hội còn chậm, có nhiều khoản chi doanh nghiệp phải ứng trước sau đó nhiều tháng bảo hiểm xã hội mới thanh toán lại, ảnh hưởng đến kinh phí hoạt động của công ty. Đại diện Cơ quan Bảo hiểm xã hội TPHCM khẳng định rằng việc duyệt chi tiền chỉ trong vòng 15 ngày sau khi nhận đủ hồ sơ, vì vậy nếu xảy ra tình trạng này doanh nghiệp có thể trực tiếp đến cơ quan bảo hiểm để đối chiếu hồ sơ và xác nhận lại.

Theo Sở Lao động Thương binh và Xã hội TPHCM, đa phần các doanh nghiệp Hàn Quốc, Đài Loan có ký kết hợp đồng lao động nhưng chỉ có dưới 20% doanh nghiệp có ký kết thỏa ước lao động tập thể. Tuy nhiên, các bản thỏa ước hầu hết chỉ mang tính hình thức, chủ yếu để đối phó với cơ quan quản lý lao động và các đối tác khách hàng.

Về thang, bảng lương cũng chỉ có 29,3% doanh nghiệp Hàn Quốc và 32,6% doanh nghiệp Đài Loan thực hiện. Bà Dân cho rằng chính việc không minh bạch, công khai trong việc trả lương đã khiến cho nhiều cuộc tranh chấp lao động xảy ra tại các doanh nghiệp này.

Tính đến hết tháng 4, tại TPHCM xảy ra 26 vụ đình công, trong đó, có 14 vụ tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (12 vụ là của doanh nghiệp Hàn Quốc, 2 vụ là của doanh nghiệp Đài Loan). Nguyên nhân của các vụ đình công, ngoài việc không công khai mức lương, còn do doanh nghiệp không thưởng tết, không tăng lương, nâng bậc lương hàng năm, không đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động…

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới