Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

DN nước ngoài yêu cầu minh bạch việc xét mở điểm bán lẻ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

DN nước ngoài yêu cầu minh bạch việc xét mở điểm bán lẻ

Hùng Lê

Các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài lên tiếng minh bạch hơn về điều kiện mở điểm kinh doanh bán lẻ mới – Ảnh minh họa: Hùng Lê

(TBKTSG Online) – Không còn là tiếng nói riêng lẻ của từng nhà phân phối nước ngoài, giờ đây các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài cũng đồng lòng lên tiếng về sự cần thiết nới lỏng, minh bạch hơn về điều kiện được mở điểm kinh doanh phân phối mới cho nhà bán lẻ nước ngoài.

>>> Cuộc đua mở rộng chuỗi bán lẻ vẫn nóng

Kiến nghị này được nêu ra tại buổi Tọa đàm Tham vấn và Đối thoại với các doanh nghiệp về các quy tắc Kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT) đối với việc thành lập cơ sở bán lẻ của doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam diễn ra tại TPHCM vào ngày 28-3.

Theo ông Hong Sun, Tổng Thư ký Phòng Thương mại Hàn Quốc tại Việt Nam, các nhà bán lẻ Hàn Quốc rất quan tâm đến thị trường này. Tuy nhiên, đối với nhà đầu tư nước ngoài ở Việt Nam, hoạt động phân phối là một ngành “có điều kiện”. Các công ty phân phối nước ngoài không thể thâm nhập sâu vào thị trường trong nước do một số điều kiện, đặc biệt là các quy tắc về Kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT). Ông Sun cho rằng ENT là một công cụ mà Chính phủ Việt Nam hiện nay đang áp dụng để kiểm soát sự phát triển của mạng lưới phân phối nước ngoài tại Việt Nam.

Theo ông Sun, thực tế cho thấy, với việc sử dụng ENT, các cơ quan quản lý cấp phép có quyền từ chối các nhà phân phối nước ngoài nếu đề xuất mở cửa hàng phân phối thứ hai hoặc tiếp theo là không cần thiết đối với các địa phương.

Bộ Công thương đã ban hành Thông tư 08/2013/TT-BCT vào năm 2013, trong đó quy định "Trường hợp lập cơ sở bán lẻ có diện tích dưới 500 mét vuông tại khu vực đã được tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy hoạch cho hoạt động mua bán hàng hoá và đã hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng không phải thực hiện quy định về ENT”. Đây được xem là một bước nới lỏng, mở rộng hơn so với cam kết gia nhập WTO, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp FDI trong việc mở cơ sở bán lẻ có quy mô nhỏ.

Tuy một số trường hợp không phải thực hiện quy định về ENT theo thông tư này, nhưng ông Sun nhận xét rằng doanh nghiệp vẫn phải làm thủ tục xin giấy phép lập cơ sở bán lẻ mới theo quy định. Mặt khác, Thông tư 08 cũng không quy định một thời hạn cho việc phê duyệt sơ bộ ở cấp địa phương. Do đó, quá trình nộp đơn và xét duyệt vẫn có sự chậm trễ.

Ông Sun cho rằng chính vì ràng buộc ENT của Việt Nam mà các nhà bán lẻ Hàn Quốc đang chậm trễ trong kế hoạch mở rộng kinh doanh như Lotte Mart với kế hoạch mở 60 điểm đến năm 2020 hay Emart dù đã có ý định đầu tư vào Việt Nam khá lâu nhưng vẫn chưa mở được điểm kinh doanh nào… Ông Sun cho rằng Chính phủ không nên quá cẩn thận bảo vệ các doanh nghiệp bán lẻ trong nước mà đưa ra những ràng buộc không rõ ràng như ENT, hạn chế sự tham gia sâu rộng của doanh nghiệp nước ngoài.

Tương tự, ông Csaba Bundik, Giám đốc điều hành của Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu ở Việt Nam (EuroCham Vietnam), cũng cho rằng ràng buộc ENT của Việt Nam đang cản trở kế hoạch mở rộng đầu tư làm ăn của các doanh nghiệp phân phối thuộc cộng đồng châu Âu. Ông Bundik cho rằng quy định về ENT còn rất mơ hồ, gây ra nhiều cách diễn giải và hiểu khác nhau giữa các địa phương. Do đó khi có dự án đầu tư mở điểm kinh doanh mới của doanh nghiệp FDI, nhiều địa phương phải hỏi xin ý kiến của các bộ ngành rất phức tạp, mất thời gian và rất khó thực thi.

Ông Bundik kiến nghị cần phải định nghĩa và có tiêu chí rõ ràng về ENT, đồng thời các địa phương thừa hành phải thực thi thống nhất để doanh nghiệp yên tâm đầu tư làm ăn.

Tại hội thảo, bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, cho rằng việc mở cửa ngành bán lẻ của Việt Nam như hiện nay là nhanh hơn cam kết với WTO mà bằng chứng là có sự hiện diện rộng lớn của nhiều doanh nghiệp nước ngoài trong lĩnh vực này trong thời gian qua. Bà Loan cũng thừa nhận doanh nghiệp phân phối của Việt Nam vẫn còn yếu về mọi mặt từ tài chính, kinh nghiệm, thương hiệu, công nghệ,… so với doanh nghiệp FDI cùng ngành, nếu không có ràng buộc ENT thì khó có thể cạnh tranh và tồn tại.

Tại buổi Tọa đàm, ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công thương), cho rằng hiện nay việc triển khai thực hiện các quy định về ENT của các cơ quan quản lý và doanh nghiệp bán lẻ FDI vẫn còn lúng túng, chưa thật sự nhất quán trong nhận thức và cách làm và cần điều chỉnh bổ sung rõ ràng hơn.

Với xuất phát điểm thấp của ngành bán lẻ trong nước, Việt Nam đã đạt được thỏa thuận với các nước thành viên trong cam kết gia nhập WTO về việc thực hiện kiểm tra nhu nhu cầu kinh tế (ENT) trong việc cho phép doanh nghiệp FDI lập thêm cơ sở bán lẻ ngoài cơ sở bán lẻ thứ nhất theo các tiêu chí khách quan, bao gồm: số lượng các nhà cung cấp dịch vụ đang hiện diện trong một khu vực địa lý, sự ổn định của thị trường và quy mô địa lý.

Cam kết này có hiệu lực từ đầu năm 2007 và được điều chỉnh theo hướng nới lỏng và minh bạch hóa việc xem xét, đánh giá của các cơ quan quản lý ở địa phương.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới