Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

DN Thái thay LafargeHolcim trong liên doanh xi măng ở VN

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

DN Thái thay LafargeHolcim trong liên doanh xi măng ở VN

Hùng Lê

DN Thái thay LafargeHolcim trong liên doanh xi măng ở VN
iam City Cement Public Company Limited sẽ mua 65% cổ phần của đối tác nước ngoài tại Công ty LafargeHolcim Việt Nam – Ảnh minh họa: website LafargeHolcim Việt Nam

(TBKTSG Online) – Tập đoàn vật liệu xây dựng LafargeHolcim đã ký kết một thỏa thuận với Siam City Cement Public Company Limited để bán hết 65% cổ phần của mình tại Công ty LafargeHolcim Việt Nam, hãng Reuters đưa tin.

Liên doanh giữa hai tập đoàn Thụy Sỹ và Pháp này cho biết, dự án LafargeHolcim Việt Nam được định giá 867 triệu franc Thụy Sỹ (khoảng 890,7 triệu đô la Mỹ). Điều này, đồng nghĩa với việc Siam City Cement (Thái Lan) sẽ chi khoảng 580 triệu đô la Mỹ để mua lại số cổ phần nói trên.

Theo Reuter ngày 4-8, việc LafargeHolcim thoái vốn khỏi Việt Nam đã được cấp phép và được cổ đông cũng như các nhà đầu tư trong liên doanh chấp thuận. Dự kiến, thương vụ này sẽ hoàn tất trong quí cuối cùng của năm 2016.

LafargeHolcim Việt Nam là liên doanh giữa Tập đoàn LafargeHolcim góp 65% vốn và Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem) góp 35%.

Thật ra ý định thoái vốn của đối tác nước ngoài trong liên doanh LafargeHolcim Việt Nam đã rò rỉ khoảng 3-4 tháng nay sau khi hai tập đoàn Lafarge và Holcim hoàn thành việc sáp nhập từ năm trước và sau khi sáp nhập, nhà đầu tư đã phải tái cơ cấu hoạt động kinh doanh của mình tại từng thị trường.

Holcim Vietnam cũng là doanh nghiệp sản xuất xi măng lớn ở thị trường trong nước với 5 nhà máy xi măng, bên cạnh sản xuất bê tông ướt. Và sau khoảng 23 năm hoạt động, LafargeHolcim Việt Nam được đánh giá là một trong những liên doanh thành công ở Việt Nam.

Do đó, tin LafargeHolcim có ý định thoái toàn bộ vốn ở Việt Nam đã khiến một số nhà sản xuất xi măng trong và ngoài nước để ý, bởi việc phát triển các dự án xi măng mới ở trong nước giờ đây không còn thuận lợi và dễ dàng.

Trong đó, lợi thế của Vicem đang là cổ đông nắm 35% vốn tại LafargeHolcim Việt Nam, đồng thời cũng là đơn vị nắm giữ thị phần lớn trong ngành xi măng, khi đó được cho là cơ hội lớn nhất. Tuy nhiên, rốt cuộc giờ đây toàn bộ cổ phần của đối tác nước ngoài trong liên doanh LafargeHolcim Việt Nam lại rơi vào tay của Siam City Cement, một trong những doanh nghiệp lớn hoạt động trong lĩnh vực xi măng ở xứ chùa vàng.

Như vậy, sau SCG, giờ đây Thái Lan có thêm doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xi măng khác tiến vào thị trường Việt Nam thông qua con đường mua bán sáp nhập (M&A).

Mặc dù vậy, các chuyên gia nhận định việc thoái vốn của LafargeHolcim tại thị trường Việt Nam là do thị trường không còn hấp dẫn và thuận lợi như các năm trước khi cạnh tranh ngày càng gay gắt trong bối cảnh thị trường xi măng Việt Nam bị dư cung. Mặt khác, đây là quá trình tái cơ cấu hoạt động kinh doanh sau khi Holcim sáp nhập với Lafarge vào cuối năm ngoái.

Trước đó, ngày 15-7-2015, trên quy mô toàn cầu, Tập đoàn Holcim (Thụy Sĩ) và Tập đoàn Lafarge (Pháp) đã chính thức công bố hoàn tất sáp nhập trở thành Tập đoàn LafargeHolcim; có mặt tại hơn 90 quốc gia với số lượng 2.500 nhà máy. Tổng doanh thu bán hàng của hai tập đoàn Lafarge và Holcim toàn cầu năm 2014 đạt 27 tỉ euro.

Tại Việt Nam, LafargeHolcim (sau sáp nhập) có tổng cộng 5 nhà máy, trạm nghiền (Hòn Chông, Cát Lái, Hiệp Phước, Thị Vải và Nhơn Trạch) và tám trạm trộn bê tông với công suất 5,2 triệu tấn xi măng và 1 triệu m3 bê tông mỗi năm.

Tại Việt Nam, các sản phẩm của Lafarge và Holcim vẫn giữ nguyên thương hiệu trên thị trường như Lavilla (Lafarge) và Holcim Power-S (Holcim).

Mời đọc thêm:

>>> Ngành xi măng 2015: tiêu thụ nội địa tăng, xuất khẩu giảm

>>> Lafarge Việt Nam sáp nhập vào Holcim Việt Nam

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới