Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

DN thâm dụng lao động khó phát triển trong thời gian tới

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

DN thâm dụng lao động khó phát triển trong thời gian tới

T.Thu

DN thâm dụng lao động khó phát triển trong thời gian tới
Hội thảo hôm 23-9 do VCCI tổ chức tại TPHCM. Ảnh: Thu Nguyệt

(TBKTSG Online) – Với việc lương tối thiểu tăng 12,4% trong năm tới, và áp dụng tính bảo hiểm xã hội theo tổng thu nhập từ đầu năm 2018, doanh nghiệp trong những ngành thâm dụng lao động khó có thể trụ vững và phát triển trong thời gian tới, theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Tại Hội nghị “Một số vấn đề cải cách thể chế, hội nhập và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong bối cảnh mới – Giao ban hiệp hội và doanh nghiệp khu vực phía Nam” do VCCI tổ chức hôm 23-9 tại TPHCM, ông Vũ Tiến Lộc cho biết Hội đồng Tiền lương quốc gia đã chốt mức tăng 12,4% cho lương tối thiểu vào năm 2016. Tiền lương tăng sẽ kéo theo các khoản phải đóng khác như bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội tăng lên.

Ông Lộc cho biết hiện nay Thủ tướng chưa quyết định về mức 12,4% này, do đó doanh nghiệp vẫn có thể nêu ý kiến vì mức tăng này là quá cao. Nếu Thủ tướng Chính phủ quyết định mức 12,4% như đề xuất thì nên giãn lộ trình thực hiện quy định tính bảo hiểm xã hội trên tổng mức thu nhập của người lao động vì nếu tính ngay vào năm 2018, doanh nghiệp sẽ không thể chịu được, đặc biệt đối với những doanh nghiệp dệt may, da giày vốn thâm dụng lao động.

Theo ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần sản xuất thương mại May Sài Gòn (Garmex Sài Gòn JS), tiền lương của Garmex Sài Gòn để đóng những khoản như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, và phí công đoàn hiện là 36 tỉ đồng/năm. Nếu lương tối thiểu tăng 12,4%, công ty sẽ đóng thêm gần 5 tỉ đồng. Trong khi đó, doanh nghiệp hiện chưa thể tăng giá sản phẩm bán ra do các thị trường như Châu Âu, Nhật Bản vẫn đang khó khăn.

“Đó là chưa kể đến giá điện có tăng hay không. Những điều này buộc chúng tôi phải tính toán làm thế nào để phát triển….,” ông Hùng nói, và cho biết thêm hiện công ty đang thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường Mỹ bên cạnh những thị trường Nhật Bản, châu Âu vốn vẫn đang khó khăn về kinh tế.

Ngoài mức tăng lương, một số đại diện doanh nghiệp, hiệp hội cũng phản ánh những vấn đề, như thủ tục hành chính, đang gây khó khăn, trở ngại cho việc kinh doanh trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng hơn với việc tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do.

Theo ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), vấn đề cải cách hành chính suy cho cùng là nằm ở con người. Do đó, dù đề án chủ trương cắt giảm thủ tục hành chính tốt thế nào đi nữa, nhưng vẫn khó cải cách vì con người nhũng nhiễu.

Theo một đại diện của Hiệp hội doanh nghiệp khu chế xuất – khu công nghiệp TPHCM, doanh nghiệp không sợ thử thách trong hội nhập, nhưng Việt Nam yếu là do tự mình làm yếu, tự biến cơ hội thành thách thức. Chẳng hạn như nhiều luật mới được ban hành, nhưng nghị định, thông tư hướng dẫn ban hành không kịp thời để thực hiện luật.

“Chính chúng ta làm yếu chúng ta. Chẳng hạn như, tất cả máy móc chúng tôi nhập về, đổi mới công nghệ đều phải có bôi trơn, chi ngoài. Có trường hợp doanh nghiệp nhập máy móc mới 100%, nhưng cơ quan hải quan nói phải có kiểm định. Kiểm định thì thêm thời gian chờ đợi, doanh nghiệp không biết hải quan nói có đúng luật hay không, nhưng cứ bôi trơn cho nhanh. Cái làm chúng tôi kiệt quệ là những khâu giữa doanh nghiệp và công chức, tức các khâu hậu kiểm, thanh tra, thanh kiểm, chứ không phải do cơ chế chính sách. Quyết tâm đến từ cấp Chính phủ, tỉnh thành, nhưng đến cấp cơ sở làm việc trực tiếp giữa công chức và doanh nghiệp chắc chắn có vấn đề,” vị này cho biết.

Ngoài ra, theo ông Vũ Tiến Lộc, cải cách thể chế là quan trọng, nhưng cải cách tư duy cũng quan trọng không kém. Các cơ quan nhà nước phải có suy nghĩ chính quyền là hậu phương cho doanh nghiệp.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới