Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

DN tiếp tục phàn nàn về lương tối thiểu và BHXH

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

DN tiếp tục phàn nàn về lương tối thiểu và BHXH

Trúc Diễm

DN tiếp tục phàn nàn về lương tối thiểu và BHXH
Thứ trưởng Phạm Minh Huân chủ trì hôi nghị. Ảnh: Trúc Diễm

(TBKTSG Online) – Lương tối thiểu quá cao, bằng 70% mức lương bình quân chung của toàn bộ khu vực làm công hưởng lương, và tỉ lệ đóng bảo hiểm xã hội cao nhất trong khu vực đang khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn.

Lương tối thiểu có quá cao?

Tại Hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp về tình hình thực hiện Pháp luật lao động do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) tổ chức hôm nay, 2-6, ông Trương Văn Cẩm, Tổng thư ký Hiệp hội dệt may Việt Nam, đề cập đến Nghị định 49/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của bộ Luật Lao động về tiền lương, trong đó có quy định lương tối thiểu vùng dùng làm căn cứ để xây dựng mức lương khởi điểm đối với công việc giản đơn nhất, trong điều kiện lao động bình thường.

Đối với ngành dệt may, đa phần đều là công việc nặng nhọc độc hại nên lương của người lao động sẽ phải cao hơn ít nhất 5% so với lương tối thiểu vùng; lao động qua đào tạo, học nghề (kể cả lao động do doanh nghiệp tự dạy nghề) phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng. Điều này có nghĩa lương của người lao động sẽ phải cao hơn ít nhất 12% so với lương tối thiểu vùng.

Trong khi đó, hiện nay lương tối thiểu đã bằng 70% thu nhập bình quân của toàn bộ khu vực làm công ăn lương (khoảng 5,08 triệu đồng trong quý 1-2016). Điều này đang gây sức ép tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Theo ông Cẩm, Bộ LĐTBXH nên quy định doanh nghiệp không được trả thấp hơn lương tối thiểu, trong đó có bao gồm một số khoản lương mềm, để cuối cùng tổng số tiền mà người lao động nhận được không thấp hơn lương tối thiểu.

Đồng quan điểm với ông Cẩm, ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên, cho rằng Bộ Lao động cần phải xác định lại định nghĩa và cách tính mức sống tối thiểu để từ đó đưa ra được mức lương tối thiểu hợp lý. Ông Dương lấy ví dụ, trong cách tính mức sống tối thiểu có yếu tố nuôi một đứa con trong cả quãng đời làm việc của người lao động, trong khi việc nuôi con chỉ nên tính trong 18 năm. Hơn nữa, việc lấy tỉ lệ nuôi con bằng 0,7 lần nuôi một người lao động cũng là cách tính chưa hợp lý. Chính vì vậy, mức sống tối thiểu đặt ra không phù hợp.

Bên cạnh đó, xét trong tương quan giữa các khu vực, hiện nay, sinh viên mới ra trường làm việc trong khu vực nhà nước hưởng mức lương khởi điểm khoảng 2,7 triệu đồng, trong khi đó một lao động mới vào nghề, chưa có kinh nghiệm, chưa qua đào tạo mà đã được hưởng lương 3,5 triệu đồng/tháng là vô lý.

Trả lời những thắc mắc của doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Phạm Minh Huân cho hay, trong chương trình làm việc của Quốc hội có việc xây dựng Luật tiền lương tối thiểu. Tuy nhiên, khi chưa xây đựng được luật này thì Bộ sẽ tính tới việc bổ sung một số điều của tiền lương tối thiểu cho rõ hơn trong Luật Lao động.

Thực tế, theo ông Huân, trong Luật Lao động có nêu ba yếu tố xác định tiền lương tối thiểu là: nhu cầu, điều kiện kinh tế xã hội, mặt bằng tiền công trên thị trường. Song ông Huân cũng thừa nhận, Hội đồng tiền lương quốc gia đang nhấn mạnh nhiều đến nhu cầu hơn.

“Nhìn lại tốc độ tăng lương thời gian vừa qua thấy rằng tốc độ tăng lương tối thiểu rất lớn. Do đó, lần thương lượng lương tối thiểu vùng năm 2017 này sẽ phải tính toán hết các yếu tố, thậm chí, xem xét cả mối tương quan với các khu vực để tạo ra sự cạnh tranh quốc gia và khả năng chịu đựng của doanh nghiệp”, ông Huân nói.

Tỉ lệ đóng BHXH cao nhất khu vực

Ông Trương Văn Cẩm phát biểu tại Hội nghị

Bên cạnh vấn đề lương tối thiểu, hiện mức đóng và tỉ lệ đóng BHXH cũng là vấn đề gây khó khăn cho doanh nghiệp. Hiện nay, nền đóng BHXH dựa trên tiền lương và phụ cấp có tính chất lương. Theo ông Cẩm, Bộ LĐTBXH đã ban hành Thông tư 47/2015/TT-BLĐTBXH, theo hướng chia sẻ với doanh nghiệp, theo đó nền đóng BHXH dựa trên mức lương và các khoản phụ cấp được ghi trong hợp đồng lao động, tức là các yếu tố đầu vào có thể tính toán được.

Nhưng theo ông Cẩm, việc tính đóng BHXH dựa trên cơ sở đầu ra, tức là tiền lương thực tế của người lao động, mới là chính xác nhất. Nhưng nếu đóng trên lương thực tế của người lao động thì phải giảm tỉ lệ đóng xuống.

Hiện nay tỉ lệ đóng BHXH quá cao, lên tới 24% (bao gồm 18% BHXH, 3% đóng bảo hiểm y tế, 1% bảo hiểm thất nghiệp, và 2% phí công đoàn). Bên cạnh đó, người lao động cũng phải đóng 10,5% và 1% phí công đoàn.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Dương cũng cho hay, tỉ lệ đóng của doanh nghiệp lên tới 24% là quá cao trong khi các nước trong khu vực Asean tỉ lệ đóng cao nhất cũng chỉ 18%. Bên cạnh đó, mức lương làm căn cứ đóng BHXH lại thay đổi trong thời gian tới theo hướng đóng trên tổng thu nhập của người lao động thì doanh nghiệp không thể sống nổi.

“Tôi với tư cách là chủ tịch một hiệp hội doanh nghiệp thấy rằng hàng năm doanh nghiệp cứ giảm dần, chết dần đi, ngân sách nhà nước thì thất thu tiền thuế”, ông Dương than thở.

Theo ông Phạm Minh Huân, từ ngày 1-1-2016, BHXH có thay đổi nhiều nội dung với mục đích mở rộng đối tượng tham gia và đảm bảo tính bền vững của hệ thống BHXH theo hướng tăng mức đóng, giảm mức hưởng. Ông Huân cho hay, những khó khăn, bức xúc của doanh nghiệp sẽ được bộ lắng nghe và xem xét sửa đổi trong những lần sửa đổi luật tiếp theo.

Đọc thêm:

Không thể “chúi mũi” mãi vào lương tối thiểu

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới