Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

DN xuất khẩu có thể được vay ngoại tệ trung, dài hạn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

DN xuất khẩu có thể được vay ngoại tệ trung, dài hạn

T.Thu

DN xuất khẩu có thể được vay ngoại tệ trung, dài hạn
Doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu và có nguồn thu ngoại tệ từ xuất khẩu sẽ được vay trung và dài hạn USD. Ảnh minh họa: Một doanh nghiệp sản xuất giày dép tham gia triển lãm quốc tế ngành da giày tại TPHCM vào tháng 7-2015. Ảnh: Thu Nguyệt

(TBKTSG Online) – Doanh nghiệp có nhu cầu vốn để sản xuất hàng xuất khẩu sẽ được vay ngoại tệ trung và dài hạn từ ngân hàng, thay vì chỉ được vay ngắn hạn như trước đây, theo một dự thảo thông tư đang được Ngân hàng Nhà nước đưa ra để lấy ý kiến.

Theo dự thảo thông tư quy định cho vay bằng ngoại tệ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thì khách hàng vay là người cư trú, doanh nghiệp được vay ngắn hạn, trung hạn và dài hạn ngoại tệ để đáp ứng các nhu cầu vốn ở trong nước nhằm thực hiện phương án, dự án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt Nam nếu có đủ ngoại tệ từ nguồn thu xuất khẩu để trả nợ vay.

Khi được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài giải ngân vốn cho vay, doanh nghiệp vay này phải bán số ngoại tệ vay đó cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho vay theo hình thức giao dịch hối đoái giao ngay (spot), trừ trường hợp nhu cầu vay vốn của khách hàng để thực hiện giao dịch thanh toán mà pháp luật quy định đồng tiền giao dịch phải bằng ngoại tệ.

Đây là một trong những điểm mới trong dự thảo thông tư này so với thông tư 43/2014/TT-NHNN. Theo thông tư 43, doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu có nguồn thu ngoại tệ từ xuất khẩu chỉ được vay ngắn hạn ngoại tệ.

Theo thông tin trong bản dự thảo, thông tư mới dự kiến có hiệu lực từ ngày 1-1-2016.

Ngoài ra, với những thông tư trước đó tương tự như thông tư 43, doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu và doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu được vay ngắn hạn, nhưng chỉ được thực hiện trong thời gian một năm. Theo đó, hai đối tượng được vay ngoại tệ này hàng năm phải chờ xem có được tiếp tục gia hạn cho phép vay ngoại tệ hay không. Trong khi đó, dự thảo thông tư mới dự kiến thay thế thông tư 43 lại không quy định thời hạn này.

Hiện mặt bằng lãi suất cho vay bằng tiền đồng phổ biến cho các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 7-9%/năm đối với ngắn hạn, 9,3-11%/năm đối với trung và dài hạn. Trong khi đó, lãi suất cho vay bằng đô la Mỹ ngắn hạn phổ biến ở mức 3-5,5%/năm, lãi suất cho vay trung, dài hạn ở mức 5,5-6,7%/năm. Nếu tiếp cận được vốn vay đô la Mỹ trung và dài hạn với lãi suất thấp, doanh nghiệp sẽ có điều kiện để đầu tư cho sản xuất.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay khi giá đô la Mỹ được dự báo có những biến động có thể gây bất lợi cho những doanh nghiệp vay đô la Mỹ, doanh nghiệp chọn vay tiền đồng thay vì ngoại tệ. Trong bảy tháng đầu năm nay, tại TPHCM dư nợ cho vay ngoại tệ chỉ tăng 1,5% so với cuối năm 2014, trong khi 7 tháng đầu năm ngoái, con số này tăng 10,56% so với cuối năm 2013.

Tính từ đầu năm đến nay, tính theo giá niêm yết tại Vietcombank, giá đô la Mỹ đã tăng trên 5,3% so với đồng Việt Nam.

Xem thêm:

Vì sao tỷ giá đột ngột tăng mạnh?

NHNN hướng dẫn việc cho vay ngoại tệ đến hết năm 2015

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới