Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đô la Mỹ lên xuống… theo Trung Quốc

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đô la Mỹ lên xuống… theo Trung Quốc

Thái Bình

Liệu đồng nhân dân tệ Trung Quốc có áp đảo nổi đồng đô la Mỹ trên thị trường tiền tệ thế giới? Ảnh: Brunei Times.

(TBKTSG) – Chủ nhật vừa qua (28-6) Thống đốc Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PboC) Chu Tiểu Xuyên xác nhận nước này sẽ không thay đổi đột ngột chính sách dự trữ tiền tệ. “Chính sách dự trữ ngoại tệ của chúng tôi luôn luôn ổn định. Sẽ không có sự thay đổi đột ngột nào”, ông Chu nói với các phóng viên bên lề hội nghị các ngân hàng trung ương tại Basel, Thụy Sỹ.

Tuyên bố của ông Chu đã giúp đồng đô la Mỹ gượng dậy sau ba ngày mất giá nghiêm trọng. Lúc 9 giờ 45 sáng thứ Hai 29-6, chỉ số đô la – (dollar index), phản ánh biến động giá trị của đồng đô la Mỹ so với sáu đồng tiền khác – tăng 0,2%, lên mức 80,07 điểm.

Trước đó vài ngày, hôm thứ Sáu (26-6) đồng đô la Mỹ đột ngột mất giá sau khi PboC, trong báo cáo thường niên về sự ổn định tài chính, nhắc lại lời kêu gọi thế giới giảm phụ thuộc vào một đồng tiền dự trữ duy nhất. Lời kêu gọi này, cùng với việc PBoC cảnh báo về chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ lỏng lẻo của Mỹ khiến cho giới kinh doanh đồn đoán rằng, Trung Quốc sẽ bán trái phiếu chính phủ Mỹ. Được biết, quỹ dự trữ của Trung Quốc hiện trị giá khoảng 1.954 tỉ đô la Mỹ, từ 65-70% trong số đó là tài sản định giá bằng đô la Mỹ.

PboC cũng đề nghị mở rộng việc sử dụng SDR (special drawing right – quyền rút vốn đặc biệt), một loại tiền danh nghĩa do Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tạo ra trên cơ sở giá trị của một số ngoại tệ mạnh. Trung Quốc thậm chí còn đề nghị đưa đồng nhân dân tệ làm đồng tiền thứ năm trong rổ ngoại tệ xác định giá trị của SDR, với tỷ trọng khoảng 20%, bên cạnh đồng đô la Mỹ, bảng Anh, yen Nhật và euro châu Âu.

Ngay sau khi báo cáo của PboC được công bố, đồng đô la Mỹ lập tức xuống giá. Chỉ số đô la giảm 1% trong ngày thứ Sáu, và ngày hôm sau thứ Bảy giảm tiếp 0,7%.

Tuy vậy, việc thay thế đồng đô la Mỹ trong thanh toán và dự trữ quốc tế vào lúc này là điều bất khả thi. David Woo, phụ trách chiến lược ngoại hối toàn cầu của Ngân hàng Barclays, cho rằng việc sử dụng SRD không phải là “giải pháp thực tế” vì loại tiền danh nghĩa này không có tính thanh khoản. “Nhìn quanh, tôi không thấy cái gì thay thế được [đồng đô la Mỹ] trong thực tế như là đồng tiền dự trữ chủ yếu”, ông Woo nói.

Theo một số nhà phân tích, Trung Quốc đang vướng vào “cái bẫy đô la” (dollar trap) khi đầu tư tới hai phần ba dự trữ ngoại tệ vào các tài sản tính bằng đô la Mỹ. Đồng đô la mất giá sẽ làm cho khối tài sản này teo lại, đồng thời lợi thế về giá của hàng xuất khẩu Trung Quốc sẽ biến mất do tỷ giá đô la Mỹ/nhân dân tệ chuyển theo hướng có lợi cho hàng hóa của Mỹ. Ngược lại, để giúp giữ ổn định giá trị của đồng đô la, Trung Quốc phải liên tục mua vào trái phiếu chính phủ Mỹ dù muốn hay không.

Do vậy, Chính phủ Trung Quốc cảm thấy khó xử. Một mặt, họ vừa phải tiếp tục mua trái phiếu chính phủ Mỹ – và đó là điều chính quyền của ông Barack Obama mong muốn – vừa phải tìm cách đa dạng hóa danh mục đầu tư quỹ dự trữ ngoại tệ và thoát dần ra khỏi ảnh hưởng của đô la Mỹ. Tháng 4-2009, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo tỏ ý lo ngại về xu thế giảm giá của đồng đô la Mỹ, PboC đã bán ra lượng trái phiếu chính phủ Mỹ trị giá 4,4 tỉ đô la, còn 763,5 tỉ đô la. Nhưng qua tháng sau họ lại phải mua vào 23,7 tỉ đô la để ngăn đồng đô la không mất giá thêm nữa.

“Trung Quốc không có lợi ích nào nếu kích hoạt một cuộc khủng hoảng đô la hoặc khủng hoảng trái phiếu chính phủ Mỹ”, báo cáo nghiên cứu đưa ra đầu tuần này của Calyon – nhánh ngân hàng đầu tư của tập đoàn Ngân hàng Credit Agricole, nhận định.

Tuy nhiên, về lâu dài, Trung Quốc đang có những chiến thuật nhằm thay đổi hiện trạng. Một là, Trung Quốc lôi kéo các đối tác thương mại quan trọng chuyển sang thanh toán bằng đồng nhân dân tệ và đồng bản tệ của đối tác đó. Thỏa thuận mới nhất giữa Trung Quốc và Brazil hồi tháng 5 về kế hoạch sử dụng đồng nhân dân tệ và đồng reais của Brazil là một ví dụ. Hiện nay, thương mại giữa Trung Quốc và Malaysia cũng không còn định giá bằng đô la Mỹ.

Hai là, thay vì dồn tiền mua trái phiếu chính phủ Mỹ, Trung Quốc chuyển sang đầu tư vào các nguồn năng lượng và nguyên liệu ở nước ngoài, với kỳ vọng rằng giá nguyên liệu và nhiên liệu sẽ tăng cùng với đà hồi phục của kinh tế thế giới chứ không “chập chờn” như đô la Mỹ.

Tại thời điểm này, sự thay thế vai trò chủ đạo của đô la Mỹ trong hoạt động thương mại và dự trữ của thế giới có vẻ như là nhiệm vụ bất khả thi. Song với những nỗ lực kiên trì của Trung Quốc, sẽ có một ngày không xa tình hình sẽ thay đổi. IMF cho biết, đến cuối năm ngoái, tổng dự trữ của thế giới là 6.710 tỉ đô la Mỹ; trong 4.210 tỉ đô la Mỹ dự trữ có báo cáo lên IMF, đồng euro châu Âu chiếm 26,5%, tăng mạnh từ mức 17,9% năm 2001; trong thời gian này đồng đô la Mỹ giảm tỷ trọng từ 73% xuống 64%

(Tổng hợp)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới