Thứ Ba, 23/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đô la Mỹ tăng giá và nguy cơ khủng hoảng châu Á

Trần Quốc Hùng (*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Đô la Mỹ tăng giá và kinh tế thế giới có thể suy thoái sẽ là những thử thách cho các nước Đông Nam Á nói riêng và châu Á nói chung trong việc ổn định kinh tế trong khu vực, nhưng nguy cơ khủng hoảng như hồi năm 1997 là thấp.

Đô la Mỹ tăng giá và kinh tế thế giới có thể suy thoái sẽ là những thử thách cho các nước Đông Nam Á trong việc ổn định kinh tế trong khu vực. Ảnh: AP

Đô la Mỹ đã tăng giá khoảng 20% so với các đồng tiền quan trọng khác trên thế giới so với một năm trước đây; chủ yếu là do Ngân hàng Trung ương Mỹ (US Federal Reserves hay Fed) tăng lãi suất nhanh và nhiều để chống lạm phát. Điều này khiến cho giá của các đồng tiền khác so với đồng đô la Mỹ bị sụt giảm nghiêm trọng. Riêng đồng tiền các nước châu Á đã bị hạ giá xuống mức thấp nhất trong vòng 20-30 năm qua. Một số nhà kinh tế đã lo ngại châu Á sẽ rơi vào khủng hoảng tài chính tiền tệ như hồi năm 1997 nếu đồng tiền các nước này tiếp tục mất giá.

Thực ra các nước châu Á đã chịu sức ép về tỷ giá từ hai nguồn.

Thứ nhất, việc các đồng tiền châu Á mất giá so với đô la Mỹ gây ra nhiều hệ quả phức tạp cho kinh tế các nước này. Tính cạnh tranh của hàng hóa từ châu Á xuất sang Mỹ và các nước chi trả bằng đô la Mỹ tăng cao, yểm trợ xuất khẩu và qua đó tác động tích cực cho hoạt động kinh tế trong nước. Tuy nhiên, đồng tiền mất giá làm tăng sức ép lạm phát, khiến cho nhiều nước, kể cả Việt Nam, phải tăng lãi suất để tránh không cho lạm phát bùng lên. Ở vài nước như Thái Lan, tăng lãi suất đe dọa giảm tăng trưởng kinh tế, vốn đang cố gắng hồi phục sau đại dịch Covid-19.

Từ bài học của khủng hoảng 1997, các nước Đông Nam Á đã thực hiện một số cải cách làm cho thị trường tài chính và kinh tế của mình bền vững (resilient) hơn.

Thứ hai, việc nhân dân tệ của Trung Quốc bị mất giá khoảng 11% (là rất nhiều đối với nhân dân tệ, thường được Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc giữ dao động trong biên độ nhỏ) đã có ảnh hưởng lớn và trực tiếp đến các nước châu Á- vốn là bạn hàng quan trọng nhất đối với Trung Quốc.

Sản phẩm các nước này sẽ giảm khả năng cạnh tranh so với hàng Trung Quốc và trong thị trường Trung Quốc. Ngoài ra, kinh tế Trung Quốc đang bị suy giảm với tỷ lệ tăng trưởng dự báo khoảng 2,5-3% trong năm nay, so với chỉ tiêu 5,5%, chủ yếu là do áp dụng chặt chẽ chính sách zero Covid. Vì vậy, Trung Quốc sẽ giảm mức cầu hàng hóa nhập từ các nước, nhất là từ các nước Đông Bắc Á.

Các nước châu Á vì vậy sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc ổn định kinh tế vĩ mô trong khu vực trước cơn bão đô la Mỹ tăng giá. Tuy nhiên các nước trong khu vực, đặc biệt là Đông Nam Á – trung tâm của khủng hoảng năm 1997 – ít có nguy cơ bị khủng hoảng tài chính như năm 1997 vì một số lý do quan trọng.

Trước nhất, nguyên nhân tỷ giá đồng tiền một số nước châu Á biến động hiện nay khác hẳn với việc mất giá trong thời điểm 1997. Hiện nay các đồng tiền này mất giá vì đô la Mỹ tăng giá do Fed tăng lãi suất.

Trong năm 1997, các đồng tiền này mất giá chủ yếu là do dòng tiền đầu tư nóng (hot money) thoát chạy ra khỏi một số nước châu Á, nhất là Đông Nam Á, sau khi đã được thu hút vào thị trường tài chính trong khu vực này để hưởng chênh lệch lãi suất (lãi suất ở Đông Nam Á cao hơn ở Mỹ) trong khi chính phủ các nước này áp dụng chính sách tỷ giá cố định (fixed exchange rate) – như thế giảm rủi ro cho việc đầu tư vào thị trường Đông Nam Á.

Khi giới đầu tư nước ngoài thấy tỷ giá cố định khó giữ vững vì cán cân thanh toán đương kỳ của các nước Đông Nam Á bị thiếu hụt trầm trọng và dự trữ ngoại tệ bị hao hụt nhiều (vì phải can thiệp vào thị trường ngoại hối để bảo vệ tỷ giá cố định), thì họ ồ ạt rút tiền ra gây khủng hoảng tiền tệ và kinh tế.

Từ bài học của khủng hoảng 1997, các nước Đông Nam Á đã thực hiện một số cải cách làm cho thị trường tài chính và kinh tế của mình bền vững (resilient) hơn.

Nói chung các nước này hiện áp dụng chính sách tỷ giá uyển chuyển, không cố định – hoặc thả nổi tỷ giá hoặc cho phép nó dao động trong một biên độ đã ấn định trước. Vì thế việc tăng hay giảm tỷ giá xảy ra bình thường hơn, và không tích lũy sức ép có thể gây cú sốc tiền tệ.

Ngoài ra, ngân hàng trung ương các nước Đông Nam Á cũng đã tích lũy nhiều dự trữ ngoại tệ để “tự bảo hiểm” chống khủng hoảng. Đến nay, các nước thuộc Đông Nam Á đã có dự trữ ngoại tệ lên đến 1.100 tỉ đô la Mỹ, so với 416 tỉ đô la Mỹ của Hàn Quốc, 1.300 tỉ đô la Mỹ của Nhật Bản và 3.100 tỉ đô la Mỹ của Trung Quốc.

Vừa qua một số nước như Nhật Bản, Ấn Độ và Thái Lan đã can thiệp vào thị trường ngoại hối để giảm bớt sự dao động tỷ giá, nhưng nói chung tiêu tốn dưới 100 tỉ đô la Mỹ, rất nhỏ so với lượng dự trữ ngoại tệ trong khu vực.

Thêm vào đó, các nước châu Á đã thành lập Sáng kiến Chiang Mai đa phương (Chiang Mai Initiative Multilateral) để tài trợ lẫn nhau khi gặp khủng hoảng, với mức ngoại tệ có thể huy động lên đến 240 tỉ đô la Mỹ.

Các nước trong khu vực Đông Nam Á cũng đã xây dựng và phát triển thị trường trái phiếu nội tệ để giúp chính phủ và doanh nghiệp vay tiền dài hạn bằng đồng tiền trong nước thay vì vay nợ bằng đô la Mỹ, vì thế tránh nguy cơ khủng hoảng tỷ giá và nợ ngoại tệ nếu nội tệ mất giá. Nói chung thị trường trái phiếu nội tệ trong khu vực đã đạt mức 123% trên GDP so với mức 74% trong năm 2000.

Quan trọng hơn cả, các nước Đông Nam Á đã duy trì sự tăng trưởng ổn định của nền kinh tế vĩ mô trong hơn hai thập kỷ qua, với cán cân thanh toán lành mạnh: nói chung là thặng dư, nếu có thiếu hụt thì cũng nhỏ so với GDP.

Đặc biệt là các nước Đông Nam Á đã bị Covid-19 biến chủng Delta lan nhiễm rộng rãi gây xáo trộn kinh tế – xã hội trầm trọng trong năm 2021, nhưng nhờ tỷ lệ chích ngừa cao nên tương đối ít bị biến chủng Omicron lây nhiễm trong năm nay.

Nhờ vậy sức cầu trong nước hồi phục với tỷ lệ tăng cao khi so sánh với nền năm 2021 thấp; đẩy tỷ lệ tăng trưởng GDP của khu vực lên trên 5% trong khi kinh tế thế giới có thể bị suy thoái.

Nói tóm lại, đô la Mỹ tăng giá và kinh tế thế giới có thể suy thoái sẽ là những thử thách cho các nước Đông Nam Á trong việc ổn định kinh tế trong khu vực, đòi hỏi chính phủ các nước này phải linh động trong việc kết hợp chính sách tiền tệ và tài chính kích cầu để đảm bảo kinh tế tăng trưởng nhưng lạm phát không bùng phát. Chính phủ các nước Đông Nam Á cũng cần có biện pháp cải cách mặt cung để khuyến khích sản xuất và các hoạt động kinh tế khác. Nhưng nguy cơ khủng hoảng như hồi 1997 là thấp.

(*) Kinh tế gia ở Mỹ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới