Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đô la tự do tăng lên mức 18.300 đồng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đô la tự do tăng lên mức 18.300 đồng

Thủy Triều

Doanh nghiệp xuất khẩu không muốn bán ngoại tệ cho ngân hàng để chờ giá lên cao hơn. Ảnh: Lê Toàn

(TBKTSG Online) – Giá đô la Mỹ trên thị trường tự do đã tăng mạnh  từ cuối tuần qua và hôm nay, thứ Hai (20-4) đã tăng lên mức 18.300 đồng. Trong khi giá đô la Mỹ tại các ngân hàng đều được niêm yết giá mua vào và bán ra bằng nhau và đều ở mức trần cho phép.

Trong hai ngày cuối tuần qua, giá đô la trên thị trường tự do đã tăng thêm khoảng 250 đồng/đô la so với cuối ngày thứ Sáu. Ngày 20-4, giá mua đô la trên thị trường tự do ở mức 18.220 – 18.250 đồng/đô la Mỹ và bán ra là 18.270 – 18.300 đồng/đô la Mỹ. Đến chiều tối, giá giao dịch giảm nhẹ khoảng 50 đồng.

Theo chủ một cửa hàng thu đổi ngoại tệ thì từ sau khi giá vàng trong nước và thế giới chênh lệch trên 700.000 đồng/lượng cách đây hơn một tuần, giá đô la Mỹ trên thị trường tự do bất ngờ tăng mạnh. Theo chủ cửa hàng này thì việc giá đô la tăng là do giới đầu cơ đang có nhu cầu gom ngoại tệ để nhập lậu vàng nhằm hưởng chênh lệch.  

Trong khi đó, các ngân hàng hiện phản ánh một bộ phận các doanh nghiệp xuất khẩu khi thu được ngoại tệ từ việc bán hàng đã để yên tại tài khoản của mình mà không bán lại cho ngân hàng để chờ cho giá lên. Điều này khiến các ngân hàng khan hiếm nguồn cung ngoại tệ để bán lại cho các doanh nghiệp nhập khẩu.

Ông Phan Bá Tòng, Tổng giám đốc Công ty Thủy sản Thiên Mã, cho biết theo qui định hiện nay ngân hàng không thể bắt các doanh nghiệp sau khi thu ngoại tệ về phải bán lại hết cho mình, do vậy nếu không có nhu cầu bán doanh nghiệp vẫn tiếp tục giữ ngoại tệ..

Giám đốc một doanh nghiệp thủy sản khác tại Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, nếu có ngoại tệ, ông sẽ xem xét coi ngân hàng nào chào giá mua cao hơn thì sẽ bán. Ông cũng cho biết thời điểm hiện tại ngành sản xuất kinh doanh chính không có lời cho nên việc mua bán ngoại tệ dựa trên chênh lệch tỷ giá đóng góp một phần không nhỏ trong thu nhập của doanh nghiệp.

“Nếu các doanh nghiệp nhập khẩu có khả năng mua ngoại tệ giá cao thì cứ để doanh nghiệp xuất khẩu kiếm lời từ khoản đó”, ông nói. Doanh nghiệp này cho biết chừng nào mà giá trong và ngoài ngân hàng còn khác nhau thì tình trạng căng thẳng ngoại tệ sẽ còn tiếp diễn.

Trong khi đó, một doanh nghiệp nhập khẩu khác cho biết, gần đây cũng có hiện tượng khó mua ngoại tệ từ ngân hàng với giá niêm yết. Ông nói nếu đến hạn trả nợ thì giá ngoại tệ cao cũng phải cắn răng mua, nếu không sẽ bị đối tác phạt không trả nợ đúng hạn.

Theo Tổng cục Thống kê, trong ba tháng đầu năm, tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam giảm 45% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi xuất khẩu tăng 2,4%. Thế nhưng nhu cầu đô la Mỹ vẫn tăng lên trong khi nguồn cung vẫn thấp, khiến các doanh nghiệp rất khó khăn mua ngoại tệ từ phía ngân hàng.

Giải thích điều này, ông Võ Trí Thành thuộc Viện nghiên cứu Kinh tế Trung ương (CIEM) giải thích, ngoài tình hình thực tế, việc thiếu hay thừa ngoại tệ còn phụ thuộc một yếu tố nữa đó là kỳ vọng tương lai. Ba tháng đầu năm, cán cân thanh toán của Việt Nam vẫn có thặng dư, nếu trừ xuất khẩu vàng đi thì có một ít thâm hụt. Tuy nhiên, theo các dự báo, thâm hụt thương mại, thâm hụt cán cân vãng lai sẽ có giảm trong năm nay nhưng mức thâm hụt cũng không phải là quá nhỏ. Theo như dự báo, thấp nhất thì cán cân vãng lai của Việt Nam trong năm 2009 này vẫn có thể thâm hụt 5% GDP, cán cân thương mại có thể có mức thâm hụt lên đến 7%-8%.

Mọi năm tỷ lệ thâm hụt lớn, nhưng dòng vốn nước ngoài chảy vào nhiều, năm nay thâm hụt nhỏ nhưng vốn chảy vào ít hơn, xuất khẩu giảm, kiều hối cũng ít hơn. Như vậy kỳ vọng về tỷ giá cũng không hoàn toàn là tốt đẹp và nhìn theo góc độ đó thì vẫn có vẻ như là sẽ thiếu đô la Mỹ mặc dù con số không lớn. Nhưng rõ ràng sự kỳ vọng đó có ảnh hưởng đến tâm lý găm giữ đô la.

Ông Thành nói, “Vấn đề quan trọng nhất là chính sách tỷ giá. Mặc dù Nhà nước nói rằng linh hoạt hơn nhưng độ bấp bênh vẫn còn khá cao. Doanh nghiệp nào cũng lo phòng vệ, khiến thị trường bị phân khúc. Ví dụ như doanh nghiệp xuất khẩu găm giữ đô la còn doanh nghiệp nhập khẩu thì lại cần. Con số tổng thể có thể là không thiếu hụt nhưng thị trường lại bị phân đoạn, gây áp lực lên tỷ giá. Rủi ro về tỷ giá là vẫn có”.

Điều cần thiết hiện nay là chiều hướng của chính sách cần phải rõ ràng hơn cho doanh nghiệp để họ có thể tính toán tốt hơn, làm cải thiện thanh khoản của thị trường, ông Thành nói.  

Ngoài chính sách tỷ giá, một số yếu tố khác tác động lên tỷ giá, theo ông Thành là vừa qua, giá vàng trong nước cao hơn thế giới đã khuyến khích việc nhập lậu vàng, khiến nhu cầu đô la Mỹ tăng lên. Điều này trong một chừng mực nào đó thể hiện qua việc giá đô la ở thị trường chính thức và không chính thức chênh nhau khá nhiều. Vì vậy, ông cho rằng cần có cách ứng xử khác với vàng, cần nhìn nhận vàng là một loại tiền tệ trong dự trữ quốc gia, để nó được linh hoạt và sát với biến động thế giới hơn.

Đây cũng là thời điểm một số doanh nghiệp cho rằng giá cả trên thế giới giảm, nên quyết định nhập máy móc chuẩn bị cho tương lai. Thêm vào đó, vừa rồi Chính phủ có phát hành trái phiếu bằng đô la Mỹ, vì vậy nhu cầu ngoại tệ để mua bán loại trái phiếu này cũng có và làm tổng cầu tăng lên đôi chút, ông nói.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới