Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đỏ mắt tìm nguồn lao động phổ thông

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đỏ mắt tìm nguồn lao động phổ thông

Thưa thớt người tìm việc đến với sàn giao dịch lao động – Ảnh: VĂN NAM

(TBKTSG Online)– Trong 2 ngày 7 và 8-4, có hơn 6.000 người tìm việc tại Sàn giao dịch việc làm lần 2 do Trung tâm giới thiệu việc làm TPHCM tổ chức. Nhưng nhiều doanh nghiệp cho biết họ rất vất vả để tuyển được lao động phổ thông.

Theo ông Trần Tuấn Anh, Phó giám đốc trung tâm, sàn giao dịch lần này tập trung giới thiệu lao động có trình độ cao và sinh viên mới tốt nghiệp đại học, chủ yếu ở các ngành công nghệ thông tin, quản trị kinh doanh, tài chính, kế toán… 

Sàn giao dịch chưa hướng đến lao động phổ thông

Bà Huỳnh Thu Vân, nhân viên phòng hành chính Công ty Nidec-Copal tại Khu chế xuất Tân Thuận, TPHCM, đặt chỉ tiêu tuyển khoảng 500 lao động phổ thông và khoảng 50 nhân viên kỹ thuật cho công ty. Qua hai ngày, bà Vân chỉ nhận được 20 hồ sơ xin vào vị trí nhân viên kỹ thuật, còn lao động phổ thông hầu như không tuyển được người nào.

Công ty Nidec-Copal đang triển khai kế hoạch xây thêm xưởng mới để mở rộng sản xuất và có nhu cầu tuyển thêm khoảng 2.000 lao động phổ thông với mức lương ban đầu là 1.350.000 đồng/tháng, làm việc tại các dây chuyền lắp ráp linh, phụ kiện điện tử điện thoại di động. “Trước tình hình khan hiếm lao động phổ thông như hiện nay, hai tháng qua, công ty chúng tôi đã cử đại diện đi đến các tỉnh miền Tây như Bến Tre, Cần Thơ, Tiền Giang, Long An… để tìm nguồn lao động”, bà Vân cho biết.     

Thị trường lao động thành phố phân thành 2 nhóm: nhóm có chuyên môn kỹ thuật bậc cao; nhóm lao động bậc thấp và lao động phổ thông. 

Với gần 10 năm làm công tác cầu nối giữa doanh nghiệp và người lao động, ông Tuấn Anh cho rằng sự đào tạo ở các ngành nghề lao động kỹ thuật cao so với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp còn nhiều khập khiễng. Có ngành đào tạo với số lượng quá nhiều nhưng nhu cầu lại ít, trong khi một số ngành nghề xã hội đang rất cần lại không được quan tâm đào tạo đúng mức, cả số lượng lẫn chất lượng. Hậu quả là nhiều người thất nghiệp trong khi nhiều nhà máy thiếu hụt lao động, ông Tuấn Anh phân tích.

Theo Trung tâm giới thiệu việc làm TPHCM, trong quí 2-2008, dự kiến các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn thành phố có nhu cầu tuyển dụng khoảng 100.000 lao động, trong đó 20% thuộc các ngành kỹ thuật cao và 70% lao động có tay nghề. Mức độ dịch chuyển lao động trong quí 2 được dự báo sẽ tăng khoảng 30% so với quí 1, tập trung chủ yếu vào lao động kỹ thuật cao do muốn thay đổi môi trường làm việc tốt hơn.

Chị Phương Thảo, nhân viên tuyển dụng của Công ty Cohoivieclam.com ở Khu công viên phần mềm Quang Trung, quận 2 cho biết, hiện có khoảng 26 công ty đặt hàng công ty chị tuyển gấp gần chục ngàn lao động phổ thông. “Khốn nỗi, việc tuyển dụng đủ lao động phổ thông cho các doanh nghiệp hiện nay là rất khó khăn”, chị Thảo than thở.            

Thực tế, tại các sàn giao dịch lao động được tổ chức cấp thành phố trong thời gian qua, đa phần chỉ dành cho đối tượng lao động có trình độ và khoảng 80% đối tượng tham gia là sinh viên mới ra trường, còn lại là những người muốn chuyển đổi công việc.

Trong khi đó, một lực lượng lao động phổ thông có tay nghề thấp hoặc không có tay nghề gần như không thể tiếp cận được với nhà tuyển dụng tại các sàn giao dịch này. Nhiều doanh nghiệp cho rằng lực lượng lao động có tay nghề thấp tại các địa phương là rất nhiều nhưng khó tuyển do thiếu thông tin.

Từ năm 2.000, TPHCM đã bắt đầu tổ chức các hội chợ việc làm cấp thành phố. Tuy nhiên đến nay, cái gọi là sàn giao dịch lao động dành cho đối tượng lao động có tay nghề thấp, lao động phổ thông cấp quận huyện thì dường như chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Trong năm 2008, dự kiến Trung tâm giới thiệu việc làm thành phố sẽ tổ chức 10 sàn giao dịch lao động, trong đó dự kiến sẽ có 4 sàn giao dịch vệ tinh được tổ chức ngay tại các quận huyện ngoại thành như Thủ Đức, Nhà Bè, quận 2… để tạo điều kiện thuận lợi cho lao động có tay nghề thấp tiếp cận với nhà tuyển dụng.

Thời gian qua, chỉ có một sàn giao dịch lao động vệ tinh được tổ chức mang tính thí điểm ở quận 2, giúp một số người nghèo tìm được công việc phù hợp.

Người lao động đi theo tiếng gọi của… chi phí sinh hoạt

Theo đánh giá của nhiều trung tâm giới thiệu việc làm thành phố, đến nay, tình hình cung cầu lao động gần như đã cân bằng về số lượng, nhưng các doanh nghiệp lại đang gặp khó khăn về chất lượng lao động và sự dịch chuyển lao động ngày càng rõ nét, đặc biệt là các ngành sản xuất thâm dụng lao động. Lao động ở các ngành như may mặc, xây dựng đang có xu hướng dịch chuyển ra các tỉnh, thành khác, nơi có tốc độ phát triển công nghiệp cao thời gian gần đây.

Ông Lê Thành Công, Phó chủ tịch Hội doanh nghiệp xây dựng thành phố, cho biết nhà thầu xây dựng ở thành phố càng lúc càng khó tìm ra thợ xây dựng vì đa số họ đã quay về quê làm việc. Lý do của sự dịch chuyển này, theo ông Công, là do giá cả tăng cao làm cuộc sống của người lao động khó khăn hơn, nếu trước đây một người thợ có tay nghề làm công 80.000 đồng/ngày, trừ chi phí dư được chút ít, thì nay mặc dầu mức lương đã tăng đến 130.000 đồng/ngày nhưng vẫn không thể giữ chân họ.

“Chẳng hạn như cuối tuần rồi do yêu cầu cấp bách cho công trình đang làm ở Nhơn Trạch, muốn tìm thêm 5 thợ nữa nhưng tìm đỏ con mắt cũng không ra”, ông Công nói.

Nhiều chuyên gia cho rằng sự chuyển dịch lao động sôi động như hiện nay xuất phát từ sự bức xúc về môi trường làm việc ngày càng căng thẳng ở khu vực đô thị và trên hết là vì chuyện “cơm áo gạo tiền” chứ không phải do nhu cầu phát triển nghề nghiệp hay muốn thăng tiến trong công việc.

Cùng một mức thu nhập như nhau cho cùng một công việc thì chắc chắn người lao động sẽ dạt về các tỉnh lân cận nơi chi phí sinh hoạt rẻ hơn nhiều so với khu vực đô thị. Đây vừa là chuyện tất yếu, vừa là vấn đề đang cần được giải quyết rốt ráo nhằm tạo sự cân bằng về phân bổ lao động giữa các vùng, miền trên phạm vi cả nước.

Hiện nay, Sở Lao động Thương binh xã hội TPHCM đang liên kết với Sở Lao động Thương binh xã hội của các tỉnh, thành khác thực hiện chương trình thông tin về nhu cầu lao động giữa các địa phương.  

VĂN NAM

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới