Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Dò “sóng ngầm” từ kích cầu

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Dò “sóng ngầm” từ kích cầu

Ngọc Lan

Gói kích cầu của Chính phủ rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay để vực dậy nền kinh tế. Tuy nhiên, cần phải sử dụng nguồn tiền có hiệu quả để tránh lạm phát quay trở lại. Ảnh: Lê Toàn

(TBKTSG) – “Nguy cơ tái lạm phát sẽ hiện hữu trong những năm tới nếu sử dụng gói kích cầu kém hiệu quả, tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ, tài khóa nới lỏng cả về phạm vi và thời gian” – Ủy ban Tài chính – Ngân sách (Quốc hội) nhận định.

Hiện chưa có cơ sở để cho rằng lạm phát đang xuất hiện trở lại, khi nhận định về quy mô và hiệu quả gói kích cầu kinh tế. Đặc biệt, đây là thời điểm các chính sách hỗ trợ chống suy giảm kinh tế qua bốn tháng kể từ khi ra đời mới bắt đầu có tác động nhanh hơn và rõ hơn vào nền kinh tế.

Song có một sự trùng hợp đáng được nhắc đến là vào thời điểm cuối tháng 4 năm ngoái, trước ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội đầu năm, do chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bốn tháng thời điểm đó tăng đến 17,6% so với bốn tháng đầu năm 2007 nên mục tiêu chống lạm phát là “nóng” nhất trong nghị trường.

Nay, nhiều đại biểu cho biết, họ sẽ mang tới kỳ họp Quốc hội khai mạc ngày 20-5 những câu hỏi liên quan đến vấn đề nguy cơ lạm phát quay trở lại, đặc biệt khi gói kích cầu trị giá 143.000 tỉ đồng (8 tỉ đô la) như Chính phủ trình bày, đang bơm một lượng cung tiền tệ rất lớn vào nền kinh tế. Hiệu quả của chính sách kích cầu cũng là mối quan tâm của nhiều đại biểu khác.

Ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách, nơi thẩm định, giám sát việc quản lý, sử dụng gói kích cầu có nguồn gốc từ ngân sách phân tích rằng, tổng gói kích cầu lên đến 143.000 tỉ, đem so với quy mô của các gói kích cầu mà nhiều nước trên thế giới đang thực hiện thì không phải là lớn song về tỷ lệ, nó đã chiếm tới gần 10% GDP nước ta nên đặt ra nhiều vấn đề cần quan tâm về tính hiệu quả.

Đồng quan điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Hà Văn Hiền đánh giá: “Số tiền cung ứng đưa vào lưu thông rất lớn, nếu triển khai chậm và không có giới hạn về thời gian thì kinh tế hồi phục trở lại sẽ tiềm ẩn rủi ro lạm phát cao”.

Các thành viên hai ủy ban này yêu cầu phải định khung thời gian cho các hạng mục chi trong gói kích thích kinh tế trên cơ sở phân tích, dự báo khả năng hồi phục của nền kinh tế và đánh giá tiến độ giải ngân các hạng mục chi.

Chẳng hạn, trong bảy danh mục thực hiện của gói kích cầu thì ba khoản: tạm hoãn thu hồi vốn đầu tư xây dựng cơ bản ứng trước năm 2009 là 3.400 tỉ đồng, các khoản vốn ứng trước cho năm 2009 trị giá 37.200 tỉ đồng, trong đó vốn ứng trước cho các dự án có khả năng hoàn thành trong năm 2009-2010 là 26.700 tỉ đồng là quá lớn, nhất là khoản ứng trước 37.200 tỉ đồng nêu trên dễ tác động không tốt đến an ninh tài chính quốc gia. Bởi nếu tính cả số vốn ứng trước, tạm ứng không hoàn trả trong năm, số vay của ngân sách địa phương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước thì mức dư nợ Chính phủ cao hơn nhiều so với con số báo cáo của Chính phủ và cần phải được thẩm định lại.

Về vấn đề dư nợ, Ủy ban Kinh tế đã nêu rõ, nếu bội chi ngân sách là 8% GDP như Chính phủ đề xuất thì dư nợ của Chính phủ sẽ ở mức khoảng 40% GDP và mức dưới 50% thì vẫn nằm trong giới hạn an toàn, đảm bảo cân đối vĩ mô. Có điều, tính toán thực tế lại cho ra một đáp số khác.

Mức bội chi hơn 8% (tương đương 150.300 tỉ đồng) là nếu đem so với GDP năm 2009 dự tính tăng 6,5% (đạt giá trị 1.820 ngàn tỉ đồng). Nhưng nếu GDP năm 2009 chỉ tăng có 5% tức giá trị tuyệt đối là 1.547 ngàn tỉ đồng thì mức bội chi tính đúng phải là 9,7%.

Đây là mức bội chi mà Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho là mất cân đối nghiêm trọng đối với nền kinh tế.Trong và ngoài Quốc hội, các đại biểu và các nhà nghiên cứu kinh tế, quan tâm đến hiệu quả của gói kích cầu đều không phản đối việc phân nửa gói này được dùng để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, tạo ra cầu đầu tư, so với một phần tư giá trị gói kích cầu trực tiếp tác động vào nông nghiệp, nông thôn và phần còn lại cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; đảm bảo an sinh, xã hội.

Tuy nhiên, khi phân tích về những nguyên nhân gây ra lạm phát ở thời điểm trước, rất nhiều người đề cập đến các khoản đầu tư công kém hiệu quả, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến đầu tư cho xây dựng cơ bản chậm đưa vào sử dụng hay các khoản đầu tư cho các tập đoàn, các tổng công ty nhà nước rất lớn nhưng sức lan tỏa kém nên tạo nên hệ số ICOR cao. Sau một thời gian đầu tư công được siết lại chặt hơn, góp phần kiềm chế lạm phát thì nay không nên để gói kích cầu là một cơ hội để những nguy cơ gây lạm phát có “đất” phát triển trở lại.

Ông Hà Văn Hiền, trong một cuộc trao đổi với TBKTSG tuần trước có nhận định rằng, điều kiện giải ngân các nguồn vốn đầu tư, vốn kích cầu còn nhiều bất cập nhưng số vốn này vẫn được đổ vào nền kinh tế thì có thể làm cho nguồn vốn “tắc nghẽn” qua việc thất thoát, lãng phí nguồn lực nhà nước.

Một số ý kiến từ Ủy ban Kinh tế của ông được ghi vào trong văn bản thẩm định báo cáo thẩm tra về tình hình kinh tế – xã hội năm 2008 và tình hình triển khai nhiệm vụ kinh tế – xã hội năm 2009 không đồng ý với số dự toán chi trong năm 2008 chưa sử dụng hết phải chuyển sang năm 2009 vào khoảng 60.000 tỉ đồng, riêng vốn đầu tư cho xây dựng cơ bản chuyển nguồn sang khoảng 20.000 tỉ. “Nguồn chuyển đã lớn như vậy thì không nhất thiết phải tăng bội chi ngân sách nhà nước quá nhiều”, Ủy ban Kinh tế đề nghị.

Ủy ban Tài chính – Ngân sách tính toán tổng thể, cả số vốn dành cho đầu tư phát triển trong dự toán ngân sách nhà nước năm 2009, vốn trái phiếu chính phủ dự kiến phát hành và chuyển từ năm 2008 sang năm 2009 thì tổng số vốn tập trung cho đầu tư xây dựng cơ bản năm 2009 sẽ trên 213.000 tỉ đồng.

“Tiếp tục cho ứng trước để thực hiện đầu tư sẽ đẩy ra thị trường lượng vốn lớn, gây khó khăn cho việc thực hiện chính sách tiền tệ và [tạo ra] nguy cơ lạm phát cao”. Ủy ban Tài chính – Ngân sách cũng đề nghị Chính phủ thực hiện đồng bộ chính sách tài khóa và tiền tệ, không nên quá lạm dụng chính sách tài khóa mà cần sử dụng tốt hơn các chính sách khác, tiến tới giảm bao cấp và thực hiện thường xuyên cơ chế thị trường.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Thọ Đạt của Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, nói gì đi chăng nữa, các công cụ kích thích kinh tế mà Chính phủ đang sử dụng qua các chính sách tài khóa và tiền tệ được xem như công cụ phân bổ lại các nguồn lực của nền kinh tế một cách có chủ đích.

Hiệu quả của sự phân bổ đó chính là khôi phục niềm tin của người dân vào hệ thống tài chính và kinh tế đất nước. Mà tốc độ hồi phục sẽ được đo bằng tâm lý người tiêu dùng và đầu tư, chứ không thể chỉ chứng minh qua những con số, hay quy mô của gói kích cầu. Theo ông, Quốc hội đang chờ Chính phủ trả lời các câu hỏi như vậy trong kỳ họp này.

Nguy cơ tái lạm phát đang rình rập

Sau khi lạm phát được đẩy lùi từ cuối năm 2008 do chính sách thắt chặt tiền tệ của Chính phủ, thì nguy cơ tái lạm phát lại đang xuất hiện trở lại dưới tác động của các chính sách kích thích tăng trưởng kinh tế.

Báo Tuổi Trẻ ngày 14-5 cho biết bộ phận thu mua của các siêu thị tại TPHCM những ngày gần đây liên tục nhận được thông báo tăng giá từ phía các nhà cung cấp, trong đó chủ yếu là các mặt hàng gia dụng, hóa mỹ phẩm, chất tẩy rửa, hàng nhập khẩu.

Bà Bùi Hạnh Thu, Phó tổng giám đốc Saigon Co.op, cho biết các nhà cung cấp đề nghị mức tăng 7-15% đối với mặt hàng thực phẩm, hàng gia dụng, hóa mỹ phẩm. Riêng một số nhóm hàng nhựa, dây điện tăng đến 18%. Đặc biệt, nhóm hàng nhập khẩu đã tăng ít nhất 2%. Bà Thu cũng đã xác nhận thông tin trên với TBKTSG và cho biết sẽ cố gắng đàm phán được mức giá tốt nhất. Giá cả hầu hết các loại thực phẩm ở các chợ cũng đã tăng mạnh trong hơn một tháng qua, từ sau khi giá xăng tăng tổng cộng 1.500 đồng/lít.

Gần đây, các ngân hàng đã âm thầm khởi động một cuộc chạy đua mới về lãi suất huy động tiền đồng nhưng ở các kỳ hạn dài hơn 12 tháng. Mức lãi suất ở các kỳ hạn 24-36 tháng hiện đang dao động từ 9,1% đến gần 10%/năm.

Theo các ngân hàng, việc tăng lãi suất ở các kỳ hạn dài là do ngân hàng đón đầu xu hướng lãi suất cơ bản có thể sẽ tăng trong thời gian tới để ngân hàng có đủ nguồn vốn phục vụ cho việc thực hiện các gói kích cầu bằng hỗ trợ lãi suất của Chính phủ.

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong thuộc Viện Nghiên cứu kinh tế xã hội Hà Nội cho rằng nguy cơ tái lạm phát sẽ đậm nét hơn bắt đầu từ nửa cuối năm 2009. Thứ nhất là do kết quả trực tiếp có độ trễ của các gói kích cầu của Việt Nam và cả thế giới từ đầu năm đến nay kèm với các chính sách nới lỏng tiền tệ, làm gia tăng tổng cung tiền cho nền kinh tế. Và nếu lượng tiền này không được đưa vào sản xuất tạo ra hàng hóa đối ứng sẽ gây ra tình trạng lạm phát.

Thứ hai là hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn đang trong tình trạng cầm chừng do tác động của khủng hoảng, khiến lượng cung hàng hóa giảm đột ngột. Một nguyên nhân nữa có thể đậm nét trong tương lai nhưng hiện nay vẫn đang mờ nhạt đó là nguy cơ gia tăng chi phí sản xuất do hệ thống quản lý hành chính vẫn còn nhiều điểm yếu lẫn chi phí đầu vào tăng như giá xăng đã bắt đầu tăng trở lại. Đó là chưa kể doanh nghiệp vay vốn kích cầu để đầu tư các dự án mà chưa chắc đã có hiệu quả trong bối cảnh khủng hoảng hiện nay, ông Phong cho biết.

Thủy Triều

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới