Đô thị Internet, một xu hướng tất yếu
Những mảng xanh tại Dubai Internet City, UAE. |
(TBVTSG) - Tòa nhà Không gian Internet Chip Sáng của Công ty Chip Sáng đã được khởi công xây dựng vào đầu tháng 11-2007 tại Khu Công nghệ cao TP.HCM, áp dụng công nghệ thuộc mô hình Đô thị Internet (Connected Cities) của Cisco.
Một trong những ví dụ điển hình nhất của mô hình Connected Cities là thành phố Dubai của Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE).
Nằm tại giao điểm của Trung Đông, tiểu lục địa châu Á, Đông Phi, Đông Địa Trung Hải, Nga và Trung Á, UAE là điểm giao thoa của nhiều lục địa và nền văn hóa, từ lâu được coi là trung tâm của một đặc khu kinh tế lớn với hơn một tỷ khách hàng tiêu dùng. Riêng Dubai là tiểu bang đông dân thứ hai và lớn thứ hai của vương quốc này với khoảng 90% trong tổng số 859.000 dân của tiểu bang sinh sống tại thủ đô Dubai cùng tên.
Theo truyền thống, dầu lửa là hàng hóa buôn bán chủ yếu tại khu vực này, nhưng UAE đã nhận ra một điều rằng nguồn tài nguyên dầu lửa sẽ không là vô tận. Thái tử của Dubai, Sheikh Mohammed bin Rashid Al Maktoum lúc đó đã bắt tay khởi động một dự án chuyển hóa nền kinh tế bằng cách mở ra nhiều liên doanh hợp tác. Hướng đi cụ thể của ông là tạo ra một môi trường làm việc áp dụng công nghệ cao, có thuế suất bằng không cho các công ty hàng đầu thế giới.
10 thành phố và khu vực đi theo mô hình Đô thị Internet được đánh giá là tiên tiến nhất hiện nay 1.Seoul, Hàn Quốc 2.Đài Bắc, Đài Loan 3.Tokyo, Nhật 4.Hong Kong, Trung Quốc 5.Singapore 6.Stockholm, Thụy Điển 7.Cụm những thành phố không dây, Mỹ. 8.Paris, Pháp 9.Shore Ditch, Anh 10.Silicon Valley, Mỹ. (Nguồn : Tạp chí online DailyWireless) |
Để hiện thực hóa mục tiêu của mình, ông đã cho xây dựng Dubai Internet City (DIC), một thành phố với đầy đủ tiện nghi về cơ sở hạ tầng công nghệ cao, trong đó có sự trợ giúp của Cisco về mặt công nghệ và chuyên môn. Thành phố Internet Dubai mọc lên chỉ sau một năm với một hệ thống cơ sở hạ tầng mà nhiều quốc gia mơ ước. Hiện nay, đường cáp hạ tầng Ethernet của thành phố này có tốc độ truyền tải dữ liệu lên đến 100Mbps, và tất cả bàn làm việc tại đây đều được trang bị thiết bị điện thoại IP, tổng đài điện thoại PBX (private branch exchange) và đường truy cập Internet tốc độ 2Mb/giây.
Sự thành công của DIC đã được thể hiện rất cụ thể qua việc DIC đã lấy lại vốn chỉ sau hai năm rưỡi hoạt động. DIC hiện là ngôi nhà của hơn 850 công ty hàng đầu thế giới, bao gồm cả Microsoft, Hewlett-Packard, Oracle, IBM, Cisco và Ariba với hơn 10.000 nhân viên làm việc tại chỗ. Các công ty ở đây được phép là công ty có 100 % vốn nước ngoài, thậm chí còn được miễn tất cả các loại thuế trên tiền lãi doanh nghiệp và thu nhập cá nhân.
Một trong những thành phố vệ tinh của DIC là Dubai Media City hiện cũng là nơi đặt trụ sở vùng của hơn 550 công ty truyền thông, kể cả các “đại gia” trong ngành như CNN, Reuters, Sony Broadcast & Professional, nhà xuất bản McGraw Hill, Bertelmann và MBC...
DIC không phải là thành phố duy nhất trên thế giới áp dụng thành công mô hình Connected Cities của tập đoàn Cisco. Mô hình này với nhiều giải pháp mạng có tính năng động và khả năng thích nghi cũng đã được áp dụng thành công ở nhiều quốc gia khác.
Chẳng hạn ở Westminster, Vương quốc Anh, Cisco đã giúp chính quyền thành phố này tăng cường hiệu quả của việc giám sát tiếng ồn và an ninh đường phố bằng cách lắp đặt các thiết bị không dây để các kiểm soát viên thực hiện các thao tác điều khiển ngay trên thiết bị cầm tay của họ. Trong khi đó, phòng cảnh sát ở khu vực Humberside của thành phố này lại có thể quan sát được hình ảnh thực tại bất kỳ ngóc ngách nào trên đường phố nhờ vào hình ảnh quay từ đội trực thăng tuần tra. Sau đó, dữ liệu đó sẽ được truyền qua hệ thống mạng Intranet của phòng. Nhờ vậy, bất cứ nhân viên cảnh sát nào cũng có thể quan sát được hình ảnh thực của các vụ tai nạn giao thông.
Một ví dụ khác nữa là ở thành phố Turin, Ý. Nơi đây khuyến khích việc phát triển kinh tế tại các vùng xa, vùng sâu bằng cách cung cấp đường truyền Internet an toàn giá rẻ để thu hút doanh nghiệp đến đây đầu tư, nhằm tạo việc làm cho người dân địa phương.
Tầm nhìn Đô thị Internet
Theo ông Phan Thanh Sơn, Phó tổng giám đốc Cisco Việt Nam, có rất nhiều ý kiến, định nghĩa cũng như quan điểm về Đô thị Internet, nhưng riêng Cisco gọi đó là “Thành phố kết nối” (Connected Cities), là hạt nhân tạo nên một “Cộng đồng kết nối”(Connected Communities).
Về mặt lý thuyết, chương trình Connected Communities tạo ra một môi trường để kết nối người dân lại với nhau trong phạm vi cộng đồng, chính phủ và trong công việc bằng cách áp dụng thiết bị, công nghệ cao vào hệ thống cơ sở hạ tầng. Chương trình này của Cisco gồm năm mục tiêu nhằm nâng cao hiệu quả của dịch vụ, trao quyền cho công dân, an toàn và an ninh xã hội, giá trị xã hội và phát triển kinh tế, giúp chính phủ các quốc gia trên thế giới giải quyết các thách thức về nhu cầu bùng nổ về các dịch vụ phục vụ dân sinh mà họ đang phải đối mặt trong quá trình phát triển đất nước.
Connected Communities sẽ tạo ra được một xã hội mà nơi đó mọi công dân đều được hoàn toàn kết nối với cơ quan chính phủ, thành phần kinh tế ; một xã hội mà khả năng truy cập thông tin và tài nguyên hết sức dễ dàng và bình đẳng cho mọi giới ; một nơi mà từng cá nhân có quyền kiểm soát hoàn toàn cách thức làm việc, giải trí và liên lạc với chính phủ ; nơi mọi người có thể tự đưa ra sự lựa chọn về kinh tế, xã hội và cách sống, mối tương tác của họ với các công dân khác.
Với Connected Communities, công dân có thể liên kết với toàn bộ cộng đồng của mình, mở ra một loạt lựa chọn mới làm cho chất lượng cuộc sống tốt hơn. Người đi làm có thể làm được nhiều việc hơn nhưng bỏ ra ít thời gian hơn nhờ vào áp dụng các công nghệ tiên tiến.
Đối với chính phủ, chương trình Connected Communities vạch ra cách tận dụng công nghệ để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Với khuynh hướng này, toàn bộ các hệ thống và dịch vụ của nhà nước sẽ được đưa lên mạng, theo kịp đà phát triển chung. Từ đó, chính phủ sẽ có khả năng cung cấp thông tin, dịch vụ xã hội cho người dân một cách kịp thời, mà điều này sẽ giúp tăng uy tín cho chính phủ một khi họ là người đầu tiên phản hồi lại được những thông tin mà người dân cần.
Đô thị Internet : Nâng chất dịch vụ, không tăng phí
Ông Sơn khẳng định môi trường Đô thị Internet đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho nhà nước và tiếp đến là doanh nghiệp, trong đó rõ ràng nhất là lợi ích về mặt tăng cường an ninh công cộng, nâng cao hiệu quả phục vụ người dân, nâng cao hiệu quả giáo dục và phát triển kinh tế.
Đối với an ninh công cộng, giải pháp của Cisco bảo đảm các dịch vụ giám sát trật tự trị an không bị gián đoạn nhờ vào việc tích hợp thiết bị công nghệ cao vào cơ sở hạ tầng mạng. Qua đó, khả năng phản hồi và nhận thức về các tình huống nguy hiểm của người dân sẽ được nâng cao. Bên cạnh đó, các công nghệ tiên tiến cũng giúp thông tin của chính phủ và người dân được bảo mật ở mức độ cao nhất.
Trong Đô thị Internet, dịch vụ dành cho người dân không chỉ được nâng tầm mà còn không bị tăng thêm phí. Ngoài những dịch vụ có sẵn, Đô thị Internet cung cấp thêm nhiều dịch vụ mới cho cộng đồng hoặc cải tiến những dịch vụ có sẵn.
Một trong những lợi ích đáng kể nhất của Đô thị Internet là phát triển giáo dục. Chẳng hạn như hiệu quả của giáo dục sẽ được nâng cao thông qua việc làm giàu thêm nội dung chương trình giảng dạy và học bằng các thiết bị có tính tương tác như máy quay phim, máy chiếu... dựa trên nền băng thông rộng. Bên cạnh đó, với kho dữ liệu số khổng lồ từ Internet luôn sẵn sàng, đội ngũ giáo viên sẽ được cập nhật kiến thức liên tục.
Một lợi ích khác không thể phủ nhận từ Đô thị Internet là phát triển kinh tế. Tại đây, người lao động có thể truy cập vào các tài nguyên dữ liệu để mở rộng kỹ năng làm việc của mình. Sự phát triển của nguồn nhân lực này cũng chính là sự phát triển của nền kinh tế, trong đó doanh nghiệp là người được hưởng lợi nhiều nhất.
Từ dự án DIC của UAE, các dự án tương tự do Cisco chuyển giao công nghệ cũng bắt đầu hình thành tại các khu vực khác của Trung Đông và một số nơi khác. Các thành phố vệ tinh xung quanh DIC cũng lần lượt mọc lên để hỗ trợ cho thành phố này, với quy mô áp dụng công nghệ không thua kém gì DIC. Hiện nay, Cisco vẫn tiếp tục được UAE mời làm đối tác chiến lược trong dự án Connected Communities mười năm sắp tới.
Mặc dù chưa thể đánh giá nhiều về triển vọng của mô hình Connected Communities tại Việt Nam vì dự án Tòa nhà Không gian Internet Chip Sáng còn trong giai đoạn xây dựng, nhưng với tầm nhìn của chương trình Connected Communities, việc tạo ra một mạng lưới xã hội xuyên suốt là khả thi.
Nhận được nhiều phản hồi tích cực TBVTSG cũng đã thực hiện một cuộc phỏng vấn nhanh với ông Phan Thanh Sơn, Phó tổng giám đốc Cisco Việt Nam, về các vấn đề triển khai mô hình tòa nhà thông minh, một phần của Đô thị Internet, tại Việt Nam. - Quá trình triển khai công trình Tòa nhà không gian Internet tại Công ty Chip Sáng có gặp phải những khó khăn đáng kể nào không, thưa ông? Ông Phan Thanh Sơn: Hiện dự án tòa nhà Chip Sáng vẫn đang triển khai theo đúng tiến độ dù trong thời gian qua cũng gặp một số trở ngại và phát sinh thêm một số công việc cho nhà xây dựng do từ đầu cao ốc này không được thiết kế theo kiểu tòa nhà thông minh. - Các nhà đầu tư tại Việt Nam nhận định như thế nào về Đô thị Internet theo mô hình của Cisco? - Chúng tôi đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ các nhà đầu tư. Một số vị lãnh đạo của các công ty địa ốc hiện đang làm việc với Cisco để tìm ra hướng đi có hiệu quả nhất cho việc áp dụng công nghệ của Cisco vào những tòa nhà mà họ sắp xây dựng. Tuy nhiên, một số khác cũng tỏ ra hoài nghi về tính khả thi và việc hoàn vốn khi xây dựng tòa nhà thông minh. Còn các chủ đầu tư của những tòa nhà hạng trung thì vẫn chưa thật sự mặn mà với việc áp dụng công nghệ cao. Riêng giới thi công, họ rất băn khoăn trong việc đầu tư đào tạo lại con người, cập nhật công nghệ. Nỗi băn khoăn đó cũng là lẽ tự nhiên vì quá trình thay đổi về nhận thức là một quá trình đòi hỏi nhiều thời gian và nỗ lực từ nhiều phía. Riêng đối với Cisco, chỉ cần ghi nhận được sự hào hứng của thị trường đối với mô hình này đã được coi là thành công. - Hướng chuẩn bị sắp tới của Cisco để có thể đáp ứng được nhu cầu triển khai mô hình tòa nhà thông minh tại Việt Nam là gì, thưa ông? - Điều cốt lõi trong mô hình tòa nhà thông minh là làm sao hội tụ được công nghệ xây cất tòa nhà và công nghệ thông tin (CNTT). Mặc khác, mức độ chi tiết của hồ sơ đấu thầu xây dựng cao hơn rất nhiều so với hồ sơ đấu thầu dự án CNTT, do vậy Cisco cần phải có một đội ngũ chuyên gia trong ngành xây dựng để hỗ trợ cho các kỹ sư CNTT. |
TRƯỜNG AN