Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp Nhật băn khoăn về rào cản kinh doanh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Doanh nghiệp Nhật băn khoăn về rào cản kinh doanh

Tư Hoàng

Doanh nghiệp Nhật băn khoăn về rào cản kinh doanh
Các doanh nghiệp Nhật Bản bày tỏ nhiều băn khoăn về các rào cản kinh doanh – Ảnh TH

(TBKTSG Online) – Các doanh nghiệp Nhật Bản đã nêu ra hàng loạt các vướng mắc trong buổi tọa đàm giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản ngày 27-10 tại Hà Nội.

Buổi tọa đàm do Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh chủ trì, có sự tham dự của đại diện một số bộ, ngành khác.

Ông Shimon Tokuyama, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, cho biết hiệp hội này có 11.000 thành viên, tăng gấp đôi sau bốn năm và có số lượng thành viên lớn thứ hai sau hiệp hội tại Thái Lan.

Ông Tokuyama cho biết, quy định về hạn chế nhập khẩu thiết bị máy móc đã qua sử dụng (dự thảo Thông tư 20 của Bộ Khoa học và Công nghệ) đang và sẽ gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Thực tế là khi doanh nghiệp Nhật Bản thành lập nhà máy tại Việt Nam, họ có thể dùng những trang thiết bị đã sử dụng khoảng 10 năm từ quốc gia khác chuyển đến Việt Nam. Nay dự thảo đưa ra những quy định ngặt nghèo, gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp, nên hiệp hội đã đề xuất với Chính phủ và Bộ Khoa học và Công nghệ để được xem xét, sửa đổi quy định này.

Giải đáp thắc mắc này, bà Trần Tuyết Nhung, Vụ trưởng vụ Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, cơ quan đầu mối soạn thảo thông tư 20 cho biết, thông tư 20 đã có các quy định chặt chẽ là máy móc phải còn 80% chất lượng và không quá 5 năm sử dụng. Bà Nhung cho biết, theo yêu cầu của Chính phủ, Bộ này đã rà soát và xây dựng lại, có dự thảo lần thứ 9 được đăng tải trên cổng thông tin của bộ.

“Dự kiến thông tư sẽ ban hành ngay trong đầu quý 4 này, sẽ có hiệu lực vào 1-7-2016,” bà Nhung nói.

Bà cho biết, thông tư dự thảo quy định thời hạn không quá 10 năm tính từ năm sản xuất. Tuy nhiên, với một số doanh nghiệp thì quy định này sẽ  nới lỏng hơn. Nếu doanh nghiệp đó ghi rõ trong hồ sơ dự án danh mục máy móc này thì giai đoạn tới không cần phải xét đến tuổi máy móc, để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, bà Nhung nói nhưng không giải thích rõ ràng là với những doanh nghiệp nào và ghi trong hồ sơ như thế nào thì danh mục máy móc không bị xét tuổi.

Về yêu cầu phải đánh giá tiêu chuẩn, bà giải thích điều kiện này phù hợp với tiêu chuẩn Việt Nam và các nước G7, nghĩa là có ngay trong đăng ký sản xuất chứ không yêu cầu doanh nghiệp đi đánh giá.

Cục trưởng Cục Đầu tư Nước ngoài Đỗ Nhất Hoàng giải thích thêm, khi máy móc cũ được đưa vào hoạt động mà làm ảnh hưởng môi trường thì sẽ bị xử lý.

Ông Shimon Tokuyama cho biết thêm, các doanh nghiệp Nhật Bản muốn nới lỏng điều kiện cho người Nhật Bản vào Việt Nam không cần visa vì đây là điều kiện rất quan trọng. Tháng 9 năm 2014, ông nói, Chính phủ Nhật Bản đã nới lỏng về visa với người Việt Nam, người Việt Nam có tới Nhật Bản trong thời hạn ba năm thì sẽ được xin visa vào Nhật Bản nhiều lần trong 5 năm.

Tuy nhiên, với người Nhật Bản, thì từ 1-2015 visa của người Nhật Bản vào Việt Nam lại bị thắt chặt. Ông Tokuyama nhận xét, nếu người Nhật Bản vào Việt Nam và quay về Nhật Bản trong vòng 30 ngày, họ lại phải xin lại visa. “Ví dụ, nếu họ rời Việt Nam sang Lào thì không thể quay lại Việt Nam nếu không xin visa. Có những doanh nghiệp đi lần này, họ quay về Nhật Bản sau đó, thì họ sẽ không xin kịp visa khi tuần tới họ muốn tham gia buổi làm việc của Keidanren, ảnh hưởng đến các kế hoạch làm ăn của họ,” ông nói.

Về điều này, ông Hoàng cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ ghi nhận và báo cáo lên Chính phủ.

Ông Tokuyama cho biết thêm, lương tối thiểu trong các năm vừa qua tăng cao, cao hơn cả mức tăng GDP nên gây khó cho doanh nghiệp Nhật Bản khi tìm các nguồn nhân lực mới. Ông đề nghị khi tăng lương tối thiểu nên cân nhắc theo tăng trưởng kinh tế và tăng năng suất.

Ông đề nghị cần nới lỏng hạn chế với các doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực logistics. Ông nói, để phát triển kinh tế, Việt Nam cần ngành này. “Khi muốn thành lập doanh nghiệp 100% vốn FDI trong lĩnh vực logistics là rất khó khăn, Việt Nam cần nới lỏng quy định,” ông nói.

Về băn khoăn này, ông Hoàng cho biết, theo cam kết WTO, từ 1-1-2014 hạn chế về liên doanh trong lĩnh vực logistics đã được dỡ bỏ. Tuy nhiên, có cách hiểu khác nhau giữa các bộ ngành.

“Chúng tôi sẽ ghi nhận và sẽ có giải pháp thống nhất cho tất cả. Bộ Công thương, Bộ Giao thông và Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ  phối hợp xử lý và có thông tin sớm nhất,” ông Hoàng cam kết.

Về công nghiệp ô tô, ông Tokuyama cho biết, đến 2018 xóa bỏ thuế ô tô và Việt Nam đã đưa ra năm chính sách với ngành ô tô. Tuy nhiên, chi phí cho sản xuất ô tô tại Việt Nam cao hơn các nước khác 20%, vì thế, Việt Nam cần cải thiện điều này.

“Việt Nam chưa có chính sách để phát triển các doanh nghiệp linh kiện ô tô. Chúng tôi kiến nghị Việt Nam cần có chính sách ưu đãi, như nguồn vốn cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước trong lĩnh vực này,” ông nói.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới