Thứ Ba, 23/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp bảo hiểm tăng trưởng âm

Thái Huy

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Ảnh hưởng của đại dịch Covid và suy thoái kinh tế toàn cầu đã khiến nhiều doanh nghiệp ngành bảo hiểm không có sự đột biến, thậm chí tăng trưởng âm…

Ngành bảo hiểm đang có một năm tăng trưởng âm. Ảnh: TL

Theo báo cáo đánh giá của các doanh nghiệp bảo hiểm gửi Bộ Tài chính, tốc độ tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm đang có dấu hiệu chững lại trong 10 tháng qua, cả năm 2022, tốc độ tăng trưởng ngành bảo hiểm dự kiến chỉ đạt 10-14% so với năm 2021.

Theo đại diện của AAA, nguyên nhân của sự suy giảm bảo hiểm nhân thọ trong 2 năm gần đây (chỉ đạt mức 20% so với trước), số lượng hợp đồng và phí bảo hiểm khai thác đạt -19,9% và -4,8%; doanh nghiệp bảo hiểm đang phải chi trả phí lớn duy trì hệ thống, tỷ lệ bồi thường năm 2022 có thể sẽ tăng ở mức 53% (tăng 9,2%) dẫn đến tăng trưởng âm. Hiện 6/11 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ có lợi nhuận trước thuế “giật lùi” và 2 doanh nghiệp lỗ trong quý 3.

Nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới năm 2022 doanh thu phí chỉ đạt 16.169 tỉ đồng, là năm đầu tiên ghi nhận tăng trưởng âm trong 10 năm qua. Trong khi đó, bảo hiểm sức khỏe tuy vẫn giữ được mức tăng trưởng dương nhưng vẫn là mức rất thấp nếu so sánh với tốc độ tăng trưởng bình quân 10 năm qua luôn đạt trên 15%/năm.

Lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm giảm mạnh còn từ bảo hiểm xã hội do rất nhiều doanh nghiệp nợ đọng chậm đóng, hoặc cố tình dây dưa. Từ tháng 7 đến tháng 10 vừa qua, hàng loạt người lao động xin rút bảo hiểm xã hội 1 lần. Theo Bảo hiểm Xã hội TPHCM, đến hết tháng 7-2022, tổng số tiền các đơn vị, doanh nghiệp TPHCM đang nợ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là khoảng 5.347 tỉ đồng. Chỉ khi cơ quan bảo hiểm đề nghị công an vào cuộc thành tra, mới thu hồi được nợ bảo hiểm nhưng vẫn tồn đọng khoảng 30% chưa thu được theo kế hoạch.

Bên cạnh đó, diễn biến không thuận lợi của thị trường chứng khoán cũng ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp bảo hiểm. Chẳng hạn, Bảo Việt (BVH) ghi nhận lãi từ đầu tư cổ phiếu sụt giảm tới 73%, Bảo hiểm Ngân hàng BIDV (BIC) cũng ghi nhận mức giảm lên tới 68% so với cùng kỳ. Nhiều doanh nghiệp bảo hiểm niêm yết trên sàn chứng khoán ghi nhận một quý kinh doanh ảm đạm khi lợi nhuận sau thuế đi ngang hoặc đi xuống so với cùng kỳ năm 2021, thậm chí thua lỗ.

Để tăng cường sự thích ứng và đáp ứng nhu cầu mới, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm đang hoàn thiện để trình Bộ Tài chính, trình Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm đến năm 2030. Chiến lược này sẽ xác định rõ ràng, cụ thể mục tiêu, định hướng và các giải pháp, cũng như lộ trình phát triển thị trường bảo hiểm nhằm hỗ trợ ngành bảo hiểm tìm ra hướng tăng trưởng mới, đáp ứng nhu cầu bảo hiểm đa dạng của các tổ chức, cá nhân trong nền kinh tế.

1 BÌNH LUẬN

  1. Bảo hiểm sức khỏe (BHSK) tăng trưởng nhờ các ngân hàng (NH) ép khách hàng mua BHSK mới duyệt cho vay, 25 triệu đồng/khoản vay, mặc dù đã có chỉ thị của NHNN cấm việc này. Trên hồ sơ là “tự nguyện”, chẳng có chứng cớ gì mà thưa với kiện; đơn giản chỉ là mời mua, nếu không mua cũng chẳng ai ép, cứ yên tâm ra về chờ đến Tết Congo sẽ duyệt hồ sơ!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới