Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp bị thiệt vì ‘lơ là’ điều kiện bất khả kháng trong hợp đồng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Doanh nghiệp bị thiệt vì ‘lơ là’ điều kiện bất khả kháng trong hợp đồng

Lê Hoàng

(TBKTSG Online) – Nhiều doanh nghiệp không đưa điều kiện bất khả kháng hoặc có đưa điều kiện này vào trong hợp đồng ký kết nhưng lại thiếu thông tin chi tiết về các trường hợp bất khả kháng cụ thể, dẫn đến khi xảy ra tranh chấp sẽ bị thiệt, nhất là sau đại dịch Covid-19.

Doanh nghiệp bị thiệt vì ‘lơ là’ điều kiện bất khả kháng trong hợp đồng
Luật sư Lương Văn Lý (bên phải ngoài cùng) trao đổi với doanh nghiệp tại hội thảo. Ảnh: Hùng Lê

Thông tin này được ghi nhận tại hội thảo “Một số lưu ý cho doanh nghiệp khi khôi phục hoạt động sau dịch covid-19” diễn ra tại TPHCM vào ngày 18-6 do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM  (ITPC) phối hợp với Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức.

Sự kiện nhằm hỗ trợ doanh nghiệp cập nhật thông tin thị trường, phòng ngừa rủi ro pháp lý phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng và giải quyết tranh chấp, khôi phục lại hoạt động kinh doanh sau dịch Covid-19.

Phải đưa điều kiện bất khả kháng vào hợp đồng ký kết!

Đại dịch Covid-19 bùng phát và lan rộng trên toàn cầu đã và đang tác động sâu rộng đến toàn bộ đời sống xã hội và sản xuất kinh doanh của hầu hết các doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Điều này cũng dẫn đến xảy ra tình trạng gia tăng tranh chấp giữa các doanh nghiệp có mối quan hệ làm ăn với nhau.

Tại hội thảo luật sư Lương Văn Lý, Cố vấn cao cấp Global Lawyers, trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), đã nêu lên các loại tranh chấp phổ biến do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 gây ra, bao gồm: tranh chấp về hợp đồng thuê mặt bằng, hợp đồng mua bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, phổ biến nhất là đặt phòng khách sạn, tổ chức tour du lịch; hợp đồng lao động.

Các tranh chấp do các bên gặp khó khăn hiện tại hoặc dự kiến về lưu chuyển tiền tệ, suy giảm đáng kể hoặc mất khả năng chi trả do cách ly, giãn cách xã hội.

Ngoài ra, theo luật sư Lý, còn có các trường hợp tranh chấp xảy ra do sự cố đột xuất, không lường trước, hậu quả nghiêm trọng, không xác định được thời gian phục hồi…

Ông Lý thông tin, với các loại tranh chấp nêu trên, sẽ gặp một số vướng mắc trong giải quyết đối với doanh nghiệp như là hoãn thực hiện, điều chỉnh hay hủy hợp đồng; nếu giải quyết thì sẽ căn cứ trên cơ sở quy định nào của pháp luật cho phù hợp; tranh chấp đó có được áp dụng điều khoản “bất khả kháng” hay chỉ là “hoàn cảnh thay đổi cơ bản”.

Ông Lý khuyên các doanh nghiệp nên tìm hiểu kỹ xem nội dung về điều kiện “bất khả kháng” trong hợp đồng có quy định trường hợp dịch bệnh cụ thể hay không. Nếu là “hoàn cảnh thay đổi cơ bản”, doanh nghiệp cần cân nhắc đưa tranh chấp ra tòa án giải quyết vì chỉ có tòa án mới có thẩm quyền quyết định biện pháp khắc phục.

Tuy nhiên, ông Lý cũng lưu ý các doanh nghiệp xem xét về thời điểm khởi kiện và nơi tiến hành khởi kiện (tòa án hay trọng tài), phương thức hòa giải cũng nên được quan tâm xem xét thấu đáo, đảm bảo lợi ích các bên và tránh mất thời gian, chi phí cho doanh nghiệp.

Luật sư Lương Văn Lý cũng cung cấp cho các doanh nghiệp tham dự buổi hội thảo trình tự thủ tục giải quyết tranh chấp tại tòa và trọng tài. Qua đó doanh nghiệp có thể phân biệt được sự khác nhau giữa hai hình thức giải quyết để đưa ra lựa chọn phù hợp.

Tuy nhiên, ông Lý cũng lưu ý, trong quá trình xảy ra dịch Covid-19 cũng có nhiều trường hợp, trong hợp đồng doanh nghiệp lại không có đề cập trường hợp bất khả kháng hoặc có đưa vào nhưng không có nêu chi tiết cụ thể những trường hợp nào là "bất khả kháng".

Trong khi đó, pháp luật hiện hành về "trường hợp "bất khả kháng" quy định chỉ mang tính chung chung, không cụ thể. Do vậy, nếu dựa vào quy định chung này của pháp luật thì phía đối tác có thể sẽ không chấp nhận.

Do đó, ông Lý khuyên các doanh nghiệp cần phải đưa điều kiện bất khả kháng vào hợp đồng làm ăn (dù lớn hoặc bé), nhất là đối với các hợp đồng thực hiện trong thời gian dài hạn (từ 6 tháng trở lên).

Và trong điều kiện bất khả kháng này, theo ông Lý doanh nghiệp cần phải nêu chi tiết và cụ thể những trường hợp nào là thuộc phạm phi áp dụng bất khả kháng, như thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh,…

Cánh cửa mới cho doanh nghiệp hậu Covid-19

Tại buổi hội thảo, Luật sư Lê Thành Kính, Giám đốc Công ty Luật TNHH Lê Nguyễn – Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) thì nêu lên những vấn đề quan trọng mà doanh nghiệp cần quan tâm khi tiến hành các phương án mới nhằm khôi phục hoạt động kinh doanh hậu Covid-19.

Theo ông Kính, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp tại nhiều nơi trên thế giới như hiện nay, việc thay đổi hình thức kinh doanh sang trực tuyến là một hướng đi đúng đắn cho doanh nghiệp Việt Nam.

Theo chia sẻ của Luật sư Lê Thành Kính, kinh doanh trực tuyến không chỉ giúp doanh nghiệp tồn tại trong tình hình dịch bệnh hiện nay, mà đây còn là xu hướng tương lai của ngành bán lẻ.

Người tiêu dùng ngày càng sử dụng internet nhiều hơn, tìm kiếm sản phẩm và mua sắm trực tuyến nhiều hơn, mở ra cơ hội cho doanh nghiệp thúc đẩy hoạt động kinh doanh, tăng doanh thu.

Nền kinh tế thế giới đang chuyển mình hướng đến nền công nghiệp 4.0, các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán mobile ngày càng phổ biến; cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo, Tiktok, Instagram, Youtube… thì kinh doanh trực tuyến đang ngày càng trở nên quan trọng đối với doanh nghiệp.

Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội thì thương mại điện tử, mua bán qua hình thức online cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro do người bán và người mua không trực tiếp gặp mặt, kiểm tra sản phẩm, giao kết hợp đồng gián tiếp, thiếu “giấy trắng mực đen” nên khi xảy ra tranh chấp thường có ít chứng cứ xác thực để giải quyết.

Và trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp thì vấn đề tìm hiểu, thẩm định thông tin về đối tác, thị trường trở nên khó khăn hơn.

Luật sư Lê Thành Kính cũng nêu lên một số điểm cần lưu ý cho doanh nghiệp khi tiếp tục hợp đồng với đối tác cũ và thiết lập hợp đồng với đối tác mới.

Theo ông Kính, doanh nghiệp nên tìm kiếm các đối tác mới trong tương lai thay vì phụ thuộc vào một vài khách hàng nước ngoài lớn; tiến hành rà soát tình trạng pháp lý hiện tại của doanh nghiệp đối tác; tạm ngừng hợp đồng hoặc chấp nhận hoãn thanh toán từ 1 đến 3 tháng trên cơ sở quan hệ đối tác giữa các bên.

Ông Kính lưu ý các doanh nghiệp trong trường hợp các đối tác có đơn hàng lớn, quan hệ thương mại lâu dài, thì việc đưa vụ việc thành một tranh chấp pháp lý hay hủy hợp đồng ở giai đoạn này có lẽ là quá sớm, ngoại trừ những vụ việc mà doanh nghiệp nước ngoài là bên mua và đã xác định rõ là mất khả năng chi trả và phá sản hay có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng.

Trong trường hợp bắt buộc phải hủy hợp đồng thì cần thiết phải vận dụng và viện dẫn các điều khoản bất khả kháng trong thương mại quốc tế một cách chuẩn xác để tránh rủi ro không đáng có.

Hội thảo nằm trong sự kiện Tuần lễ trọng tài và hòa giải thương mại Việt Nam 2020 được tổ chức tại TPHCM và Hà Nội từ ngày 15 đến 19-6-2020 với nhiều sự kiện, diễn đàn được tổ chức quy tụ các chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế.

Sự kiện nhằm đánh dấu tròn 10 năm Luật Trọng tài thương mại ra đời (17-6), Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp với gần 20 đối tác khác nhau sẽ tổ chức Tuần lễ Trọng tài và Hòa giải thương mại Việt Nam 2020 – Vietnam ADR Week 2020 (gọi tắt là VAW 2020).

Theo kế hoạch, VAW 2020 sẽ diễn ra với chuỗi 11 sự kiện lớn trong ngành, quy tụ các chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới