Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp bỏ ngỏ giá gas bán lẻ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Doanh nghiệp bỏ ngỏ giá gas bán lẻ

Minh Tâm

Quy định phải xuất hóa đơn khi giao gas hiện không được các đại lý thực hiện nghiêm túc. Ảnh: Minh Tâm.

(TBKTSG Online) – Từ đầu năm đến nay, giá gas bán lẻ đã có ít nhất 6 lần điều chỉnh với 5 lần tăng, 1 lần giảm. Cá biệt có nhãn hiệu điều chỉnh giá tới 8 lần. Tuy nhiên, điều làm người tiêu dùng bức xúc hơn là họ phải mua gas từ đại lý với giá cao hơn hẳn mức công bố của công ty đầu mối.

Chị Trinh, nhà tại chung cư Gò Dầu, quận Tân Phú, TPHCM cho biết: mới đây chị phải trả tới 383.000 đồng cho bình gas 12kg nhãn hiệu SP mua tại đại lý gần nhà. “Thời điểm tôi đổi bình là ngày 4-5. Đại lý xuất hóa đơn với giá 383.000 đồng/bình. Tôi thắc mắc tại sao lại cao hơn giá mà Saigon Petro thông báo ở thời điểm đó tới 5.000 đồng thì nhân viên giao gas nói ngắn gọn rằng do mua giá cao nên phải bán giá cao”, chị Trinh kể.

Ở các tỉnh lẻ, nhất là các khu vực vùng sâu, vùng xa, mức chênh lệch giữa giá công bố của công ty đầu mối với giá bán của đại lý còn cao hơn rất nhiều. Theo chị Phương, nhà tại xã Phú Ngọc, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai, vừa rồi chị phải mua một bình gas lên tới hơn 400.000 đồng/bình trong khi giá công bố của công ty chỉ ở mức 380.000 đồng.

Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, đại diện nhiều công ty kinh doanh gas cho rằng, nguyên nhân của tình trạng trên là do việc mua bán gas giữa đầu mối và tổng đại lý rồi xuống đại lý được thực hiện theo hình thức mua đứt bán đoạn nên các công ty không có quyền và cũng không đủ khả năng quản lý, kiểm soát giá bán lẻ.

Theo ông Huỳnh Ngọc Tuệ, trưởng phòng kinh doanh gas dân dụng Công ty Petrolimex Gas Sài Gòn, khi đề xuất giá bán lẻ tối đa đến người tiêu dùng là công ty đầu mối đã tính toán kỹ từng chi phí để đảm bảo cho đại lý có lãi. Nhiều đại lý lợi dụng việc người tiêu dùng thiếu thông tin, muốn có thêm lợi nhuận đã tự ý nâng giá bán. Tuy nhiên, việc xử lý tình trạng này rất khó, nhất là với các đại lý ngoài hệ thống. Gas lại là mặt hàng có đặc trưng: giao hàng tận nhà nên việc kiểm soát lại càng gặp khó khăn hơn.

Cũng theo ông Tuệ, hiện tại nhiều hãng cũng chỉ mới dừng lại ở việc công bố giá trên web hoặc chờ người tiêu dùng phản ánh chứ chưa có biện pháp kiểm soát cũng như bảo vệ người tiêu dùng tốt hơn.

Đại diện phòng kinh doanh gas một công ty không đồng ý nêu tên thừa nhận: việc kiểm tra, kiểm soát giá bán lẻ của các đại lý hiện nay gần như bỏ ngỏ vì rất khó thực hiện. “Hiện nay, các công ty đầu mối bán hàng xuống cho tổng đại lý theo phương thức mua đứt bán đoạn. Tổng đại lý bán lại cho đại lý cấp 1, cấp 2 cũng theo hình thức tương tự. Do vậy, với đại lý là công ty không có quyền gì hết. Chúng tôi chỉ thỏa thuận với tổng đại lý về việc kiểm tra, kiểm soát giá. Nếu có trường hợp đại lý vi phạm cũng chỉ đề nghị tổng rà soát lại. Nếu tái phạm thì cũng chỉ xem xét lại chính sách hỗ trợ bán hàng”, ông nói.

Theo ông Đỗ Trung Thành, phòng kinh doanh gas, Công ty Saigon Petro, một trong những nguyên nhân khiến giá gas bán lẻ hiện nay cao (ngoài lý do trực tiếp là giá đầu vào cao) là do mặt hàng này đang chịu quá nhiều chi phí trung gian. Tuy vậy, công ty đầu mối muốn trực tiếp bán lẻ, tự tổ chức hệ thống phân phối để giảm bớt chi phí, qua đó hạ giá thành lại không đơn giản. Theo ông Thành, mặt hàng gas với đặc trưng là giao hàng mọi lúc, mọi nơi sẽ gây khó cho các công ty hoạt động theo giờ hành chính.

Từ phía cơ quan quản lý giá, ông Nguyễn Quốc Chiến, Trưởng ban vật giá, Sở Tài chính TPHCM thừa nhận, đúng là có tình trạng một vài đại lý vượt rào giá bán lẻ, nhất là trong các giai đoạn giao thời – chuẩn bị tăng giá. Cơ quan quản lý giá dù tăng cường hoạt động nghiệp vụ nhưng khó lòng kiểm soát hết do lực lượng mỏng và có quá nhiều mặt hàng cần kiểm tra.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới