Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp cà phê lực bất tòng tâm: “Tôi để liều, chết cũng chịu”

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Doanh nghiệp cà phê lực bất tòng tâm: “Tôi để liều, chết cũng chịu”

Nguyễn Quang Bình

(TBKTSG Online) – Thị trường kỳ hạn robusta London – nơi các nhà kinh doanh cà phê Việt Nam thường sử dụng để tham chiếu – rớt liên tục từ ngày 1 đến 18-10; trong thời gian đó có 13 phiên giao dịch nhưng có tới 10 phiên giảm giá.

Điều này càng khiến người bán cà phê lao đao, nhà vườn hoang mang thực sự khi mùa vụ 2019-2020 đang vào kỳ thu hoạch.

Thị trường cà phê có khả năng biến chuyển tốt

Đi tìm kịch bản cho giá cà phê niên vụ mới


Cháy 17 triệu đô la Mỹ trong vòng vài ngày

Chỉ trong vòng 4 ngày giao dịch, thị trường cà phê robusta xuất hiện một đợt "bão kép" quét hết các hợp đồng xuất khẩu "giá chốt sau" (price-to-be-fixed).

Thứ Sáu ngày 11-10, cơn bão giá đã quét xuống mức 1.211 đô la Mỹ/tấn, là mức thấp nhất từ 9 năm rưỡi qua. Nhưng chỉ sau đó 3 phiên giao dịch, một trận cuồng phong khác nổi lên và cuốn phăng mọi hợp đồng đã bán theo cách này, chốt tại 1.181 đô la/tấn, mức thấp nhất gần 11 năm mới thấy lại, trong khi đó giá đầu năm là gần 1.600 đô la/tấn.

Thị trường ước có đến 40-50 ngàn tấn cà phê giao hàng rồi nhưng chưa chốt giá kịp đã bị "bắt chặn lỗ" (stoploss). Giá phải bán bình quân trong đợt bão kép chỉ ở mức 25 triệu đồng/tấn. Nếu như lấy giá mua đầu vào chừng 33-35 triệu đồng/tấn thì thiệt hại trong đợt quét "chặn lỗ" vừa qua trên thị trường cà phê xuất khẩu Việt Nam ước chừng 405 tỉ đồng hay chừng 17,5 triệu đô la!

Người bán cà phê, từ nhà cung ứng đến xuất khẩu trong nước đều đứng ngồi không yên. Còn nhà vườn đang hoang mang vì không biết giá cà phê đầu vụ mới đi tới đâu bởi "chắc gì bão đã dừng".

Thật ra, do mua bán nhỏ lẻ, mỗi người từ vài trăm cho đến một ngàn tấn, thiệt hại cá nhân và từng doanh nghiệp riêng lẻ xem ra ít ai để ý. Nhưng con số thua lỗ gộp lại, dù mới chỉ là ước lượng của người viết, thì quá kinh khủng.

Đó là không tính đến các hợp đồng đang bán treo và hàng tồn kho đang chịu trận với giá thấp và cũng chưa tính tới các hợp đồng mua bán trên mạng, tưởng giá 1.300 đô la đã là thấp, nhiều người rủ nhau mua và cũng bị "chặn lỗ" trên sàn này.

Giá cà phê nội địa cơ sở loại 2, tối đa 5% đen bể, trước khi mở cửa ngày 18-10 tại Tây Nguyên, vùng cà phê trọng điểm của Việt Nam, ở quanh mức từ 30,5-31 triệu đồng/tấn.

Sức chịu đựng đến mức nào?

Từ phiên giao dịch hôm qua 17-10, nhiều nhà cung ứng đã được chủ kho gọi yêu cầu "bơm" tiền hay hàng để hạ và tránh (nếu có thể) bị chặn lỗ. Tuy nhiên, rất nhiều người cho rằng "hàng thì nay đầu vụ lấy đâu mà đóng, tiền thì phải vay và trả lãi". Họ lúng túng chưa biết xử lý thế nào để ra khỏi giai đoạn "sinh tử" này.

Thật ra, cách mua bán theo hợp đồng "trừ lùi cộng tới" như thế này đã xuất hiện từ những năm cuối thập niên 1990. Thị trường Việt Nam cũng đã kinh qua không biết bao nhiêu lần các hợp đồng bán trước chốt giá sau bị bắt chặn lỗ.

Hết thế hệ doanh nhân cà phê này ra đi vì thua lỗ, có thế hệ khác xuất hiện. Nhưng các bài học kinh nghiệm bị chôn theo người ra đi. Người mới ra thương trường không ai bày vẽ. Cách mua bán từ bấy đến nay hầu như không thay đổi dù thị trường cà phê phái sinh từ lâu đã bị các lực lượng đầu tư tài chính khuynh loát.

Một nhà cung ứng cà phê tại Lâm Đồng cho biết trong tình trạng lực bất tòng tâm: "Người mua đang giục bơm tiền để hạ và tránh bị bán chặn lỗ. Nhưng tôi để liều, có chết cũng chịu".

Tránh được không?

Làm sao tránh được khi 95% người mua đều đòi mua cà phê theo cách "bán treo"? Còn một số người có trách nhiệm trong ngành nghề chỉ biết hô hào "không bán hợp đồng trừ lùi cộng tới" mỗi khi các doanh nghiệp cần tư vấn kinh doanh đang trong tình trạng ngắc ngoải.

17,5 triệu đô la và hơn thế nữa bị cháy thành mây khói trong vòng mấy ngày. Vai trò tư vấn kinh doanh cà phê trong thời kỳ mới hầu như bị bỏ ngỏ.

Người kinh doanh cà phê xuất khẩu buộc lòng phải tìm dòng thông tin không chính thống, qua các nhà môi giới hàng, rồi mấy người này lại kéo các doanh nghiệp vào sàn. Và như thế, các nhà kinh doanh cà phê Việt Nam hết lớp này xuất hiện rồi bỗng nhiên biến mất, đến lớp khác cũng đi theo vết xe cũ của người đi trước.

Làm sao tránh, đó là câu trả lời thuộc về các cấp quản lý chuyên ngành. Cái cần nhất hiện nay là các doanh nghiệp cà phê cần có thông tin chuyên nghiệp, minh bạch, thường xuyên đi theo bằng các giải pháp tránh rủi ro thua lỗ một cách tối ưu, theo từng giai đoạn kinh doanh.

Trong khi đó, người mua đương nhiên chỉ thích giá rẻ. Giá cà phê Việt Nam đầu vụ đang về quanh 30 triệu đồng/tấn. Tăng lại không? Hy vọng, cũng chỉ là hy vọng thôi.

Tuy nhiên diễn biến thị trường trong mấy ngày này đã ám chỉ rằng sàn kỳ hạn đang muốn lập một mặt bằng mới, thấp hơn năm trước. Có thể có nhiều lý do, trong đó có lý do cả thế giới được mùa và Brazil đang có chiều hướng tăng sản lượng cà phê robusta mạnh trong niên vụ 2020-2021.

Có phải vậy mà giới đầu tư tài chính trên sàn đang theo hướng bán khống?

Cứ cho là mức 30 triệu là giá thành sản xuất tại Việt Nam. Đến nay, tình hình giá trên sàn cho thấy chưa có gì chắc chắn để bảo đảm mức này sẽ cố thủ. Tuy nhiên mua 30 triệu đồng/tấn năm này thì khả năng người mua sẽ phải trả giá cao hơn nhiều trong vòng 3 năm sau đó. Cây cà phê cần 3 năm mới cho trái bói từ khi trồng. Nếu giá quá rẻ thì sợ nhà nông sẽ bỏ bê đồng áng và chỉ cần một trận hạn hán bất ngờ hay thời tiết cực đoan… thì giá cả ắt sẽ khác.

Nhưng dù giá cao hay thấp, các doanh nghiệp cà phê đang rất cần được thông tin, hướng dẫn các rủi ro có thể gặp phải trong lĩnh vực mua bán cà phê hiện nay.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới