Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp cần đưa CSR vào chiến lược phát triển

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Doanh nghiệp cần đưa CSR vào chiến lược phát triển

Đình Dũng

Doanh nghiệp cần đưa CSR vào chiến lược phát triển
Các diễn giả và khách mời đang thảo luận tại buổi hội thảo "Doanh nghiệp và Xã hội" – TPHCM ngày 6-4. Ảnh: Kinh Luân

(TBKTSG Online) – Trách nhiệm xã hội doanh nghiệp (Corporate social responsibility – CSR) ngày được nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam quan tâm, và nhiều ý kiến cho rằng các hoạt động CSR nên được đưa vào chiến lược phát triển của doanh nghiệp thay vì chỉ dừng lại ở tính thiện nguyện như hiện nay.

Các vấn đề liên quan đến CSR đã được các diễn giả đề cập sâu tại buổi hội thảo chuyên đề "Doanh nghiệp và Xã hội" do Quỹ Thời báo Kinh tế Saigon (Saigon Times Foundation – STF) và Thời báo Kinh tế Saigon phối hợp với Công ty Global Integration Business Consultants (GIBC) tổ chức ngày 6-4 tại Trung tâm hội nghị White Palace, quận Phú Nhuận, TPHCM nhân kỷ niệm 10 năm thành lập STF.

Ông Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch GIBC, Chủ tịch Hội đồng bảo trợ STF cho rằng, các hoạt động CSR đã hình thành trong cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam trong những năm vừa qua, và đang ngày càng phát triển.

Ở nhiều nước trên thế giới, sự chú ý đến trách nhiệm, nghĩa vụ và sự minh bạch của những thương hiệu lớn ngày càng tăng. Nghiên cứu gần đây cho thấy trước khi mua hàng hoặc sử dụng dịch vụ, người tiêu dùng thường xem xét đến danh tiếng, hoạt động kinh doanh và những cam kết xã hội của doanh nghiệp.

Do vậy, ông Trai phát biểu tại buổi hội thảo rằng: “CSR không chỉ là sự thiện nguyện mà còn là một phần không thể tách rời trong chiến lược kinh doanh, nhằm duy trì sự tăng trưởng bền vững của một doanh nghiệp.

Hoạt động này đang được một số công ty tại Việt Nam thực hiện thời gian vừa qua; chẳng hạn như Dutch Lady với quỹ học bổng ‘Đèn đom đóm’, Vinamilk với chương trình ‘6 triệu ly sữa cho trẻ em Việt Nam’, quỹ đầu tư VinaCapital với chương trình mổ tim cho trẻ em nghèo.

Ông Don Lâm, Tổng giám đốc VinaCapital cho biết tại buổi hội thảo rằng, hằng năm quỹ này trích ra từ 20 – 22 tỉ đồng dành cho hoạt động xã hội liên quan đến y tế và giáo dục giúp trẻ em nghèo. Quỹ này cũng khuyến khích các doanh nghiệp mà quỹ này đầu tư vốn tham gia vào các hoạt động xã hội.

Cũng với mục tiêu hướng đến cộng đồng, tổ chức phi lợi nhuận Saigon Times Foundation – STF đang làm vai trò cầu nối để các doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội của mình, thông qua chương trình học bổng cho học sinh nghèo bên cạnh nhiều chương trình khác. Tính đến cuối năm 2011, STF đã cấp khoảng 2,5 tỉ đồng học bổng cho các học sinh ở nhiều tỉnh thành trong cả nước.

Ông Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch GIBC, Chủ tịch Hội đồng bảo trợ STF, trình bày tại buổi hội thảo. Ảnh: Kinh Luân

Tại buổi hội thảo, ông Trai cũng trình bày mô hình trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp; trong đó trách nhiệm kinh tế là yếu tố đầu tiên vì phải kinh doanh hiệu quả doanh nghiệp mới có khả năng đóng góp cho xã hội, trách nhiệm pháp luật đòi hỏi doanh nghiệp phải tuân thủ pháp luật trong hoạt động kinh doanh; trách nhiệm đạo đức hướng doanh nghiệp đến việc tuân thủ quy tắc xã hội và cuối cùng là trách nhiệm thiện nguyện, nhân đạo sẽ giúp doanh nghiệp trở thành một công dân doanh nghiệp tốt.

Hội thảo cũng đề cập đến hai góc nhìn về các hoạt động trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp. Ở góc độ tích cực, nhiều người cho rằng CSR hỗ trợ nhiều cho doanh nghiệp trong việc xây dựng mối quan hệ bền vững với xã hội, làm nổi bật những vấn đề xã hội do việc kinh doanh gây nên và cho phép doanh nghiệp đóng góp một phần vào giải pháp, đẩy mạnh thương hiệu doanh nghiệp, và dễ dàng thu hút nguồn nhân lực.

Tuy nhiên, ý kiến phản đối cho rằng CSR là trách nhiệm của chính phủ vì doanh nghiệp đã hoàn thành nghĩa vụ khi đóng thuế. Hơn nữa, CSR gây khó khăn cho mục đích tối đa hóa lợi nhuận vì những chi phí phát sinh, và các doanh nghiệp đang phải đối đầu với những khó khăn trong kinh doanh, và không đủ lực để tham gia hoạt động xã hội.

Bà Ngô Thị Hồng Thu, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành, nêu thực tế trong bối cảnh doanh nghiệp đang hạn hẹp về các nguồn lực, đặc biệt là tài chính, thì trách nhiệm xã hội rất dễ bị xem là gánh nặng chi phí, bởi chi phí thực hiện CSR cao sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí kinh doanh, lợi nhuận sẽ bị thu hẹp trong ngắn hạn và có thể cả trung hạn.

Theo bà Thu, trách nhiệm xã hội nên coi như một sự đầu tư lâu dài, những chi phí sẽ được bù đắp bởi những lợi ích mà trách nhiệm xã hội mang lại. Ngoài ra, lãnh đạo doanh nghiệp cũng phải có cam kết và quyết tâm trong viêc triển khai các hoạt động CSR, và nên đưa vào chiến lược và quy chế quản lý của doanh nghiệp.

Cũng có ý kiến cho rằng không phải không có những doanh nghiệp dùng các hoạt động CSR của mình để đánh bóng thương hiệu, sản phẩm của mình. Tuy nhiên, một số ý kiến cũng cho rằng không nên có cái nhìn quá khắt khe về việc này mà phải có cái nhìn rộng hơn, bởi bất cứ đóng góp nào dù nhỏ đều đáng trân trọng.

Một công ty thành công không có nghĩa làm ra nhiều tiền, mà phải có được sự trân trọng của xã hội. Ngoài ra, không chỉ có ‘đại gia’ mới có thể làm chương trình CSR mà các công ty nhỏ vẫn có cách riêng để thực hiện việc này.

Bà Trương Thanh Thanh, Phó chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần FPT, cũng đồng quan điểm với các diễn giả khác, cho rằng CSR là một phần của sự thành công và phát triển, bởi doanh nghiệp sẽ không thể phát triển nếu như sống trong một xã hội không phát triển.

Theo bà Thanh, hoạt động CSR không chỉ là con tim mà là trí óc, nghĩa là phải có chiến lược phát triển lâu dài nếu muốn thành công trên thương trường.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới