Doanh nghiệp (DN) Việt Nam cần hoạch định chiến lược dài hạn dựa trên năm nguyên tắc cốt lõi, tránh chuyển đổi số vội vàng khiến “tiền mất, tật mang”.
Trong “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” chính phủ đã đề ra mục tiêu Việt Nam trở thành quốc gia số thịnh vượng, tiên phong ứng dụng công nghệ, đổi mới toàn diện bộ máy công quyền và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Hưởng ứng chương trình này, các doanh nghiệp cũng đã và đang bắt đầu “chuyển mình” để thích nghi với xu hướng chung.
Theo khảo sát của Vinasa, hơn 92% doanh nghiệp Việt đã có sự quan tâm hay thậm chí đã ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh của mình. Tuy nhiên, chỉ có chưa đến 10% trong số họ nhận định rằng việc chuyển đổi số đã thành công và có thể mang lại giá trị trọng yếu cho doanh nghiệp. Đáng nói hơn, doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam đang chiếm phần đa với 97% nhưng thực trạng đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ chưa đủ điều kiện để chuyển đổi số. 92% doanh nghiệp trong số này chưa có hiểu biết về chuyển đổi số, và 72% chưa biết bắt đầu từ đâu. Vì vậy doanh nghiệp cần biết và dựa vào nguyên tắc cốt lõi được rút ra từ những bài học trong hành trình chuyển đổi số, hạn chế tối đa những rủi ro và thất bại.
Năm nguyên tắc cốt lõi chuyển đổi số
Một số DN hiện nay nhận thấy yêu cầu thiết yếu của việc chuyển đổi số nhưng tham gia theo phong trào hoặc nóng vội triển khai kiểu đốt cháy giai đoạn nên gặp nhiều rào cản và sức ép dẫn đến những hậu quả đáng lo ngại.

Để tránh rơi vào những cạm bẫy tiềm ẩn trong hành trình chuyển đổi số, ông Tan Swee Woon, Giám đốc chiến lược của ABeam Consulting tại Thái Lan và Việt Nam, người đã thu thập kinh nghiệm sâu rộng từ các dự án chuyển đổi số khác nhau, đã chỉ ra rằng các DN nên chú ý đến 5 nguyên tắc cốt lõi để đảm bảo một cách tiếp cận chiến lược và hưởng lợi từ bài học của các DN lớn.
Nguyên tắc đầu tiên là tập trung vào mục tiêu dài hạn. “Chuyển đổi số hiệu quả mất thời gian dài có thể khiến nhiều người nản lòng. Một số DN rơi vào cạm bẫy tìm kiếm dự án ngắn hạn tạo ra tác động tức thì mà quên đi mục tiêu quan trọng là tạo ra giá trị mới”, ông Tan giải thích.
Thứ hai, DN cần chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi tham gia chuyển đổi số. “Thất bại trong công tác chuẩn bị chính là chuẩn bị cho sự thất bại trong tương lai”, ông Tan nói thêm. “Các DN nên tổ chức đội ngũ nhân sự chuyển đổi số với chuyên môn phù hợp để chia sẻ kiến thức hữu ích, tạo điều kiện cho bộ phận khác làm quen với văn hóa làm việc mới”.
Thứ ba, các doanh nghiệp KHÔNG nên chỉ ưu tiên công nghệ hơn trải nghiệm của khách hàng. Các DN thường áp dụng các công nghệ phổ biến, vì cho rằng ai cũng cần dùng (chẳng hạn như AI hoặc Blockchain,…), Tốt hơn là bắt đầu từ quy mô nhỏ, có chiến lược và sử dụng dữ liệu để đo lường những gì hiệu quả và những gì có thể cải thiện.
Thứ tư, quá trình chuyển đổi cần sự đồng thuận và tham gia của cả DN, liên quan đến hoạt động tiếp thị, bán hàng và quản lý nhân sự. DN cần nhận thức mức độ sâu rộng của chuyển đổi số, giúp các bên liên quan nắm rõ mục tiêu và vai trò trong kế hoạch vĩ mô hơn.
“Nguyên tắc cuối cùng là các doanh nghiệp cần phải nhanh nhẹn và liên tục nhắc lại để cải tiến và tối ưu hóa, đặc biệt là từ các bài học trong hành trình chuyển đổi kỹ thuật số của họ. Chuyển đổi số hiệu quả không bao giờ thực sự kết thúc, công nghệ phát triển không ngừng và doanh nghiệp cũng vậy để liên tục phát triển mạnh mẽ”, như lời ông Tan đúc kết ngắn gọn qua những chia sẻ quý giá của mình.
Bốn lĩnh vực trụ cột của chuyển đổi số
Ông Ryohei Oda, Tổng Giám đốc ABeam Consulting, khuyến nghị DN nên nhìn bao quát bốn lĩnh vực, gồm chuyển đổi số trong DN Enterprise Transformation (EX), xã hội Social Transformation (SX), chuỗi giá trị Value Chain Transformation (VCX) và trải nghiệm khách hàng Customer Experiences Transformation (CX X). Qua đó, DN có thể xác định vấn đề trong ngành, chuẩn bị chiến lược chuyển đổi số và xây dựng mô hình kinh doanh kỹ thuật số bền vững cho tương lai.
Thông thường, các DN chỉ tập trung vào bề nổi như quy trình vận hành, chuỗi giá trị mà ít quan chú ý hai lĩnh vực còn lại. Việc triển khai thiếu đồng nhất tạo ra lỗ hổng trong suốt quá trình chuyển đổi. Là DN toàn cầu có nhiều năm kinh nghiệm tư vấn và hỗ trợ các đối tác chuyển đổi số thành công, công ty tư vấn ABeam, với nhiều kinh nghiệm triển khai, đã và đang cung cấp bộ giải pháp toàn diện trên cả bốn lĩnh vực, giúp DN quản trị rủi ro trong hành trình đầy thách thức.
Trong cuộc đua công nghiệp 4.0, chuyển đổi số là hành trình bắt buộc mà bất cứ DN nào cũng phải thực hiện để tồn tại và phát triển.“Chuyển đổi số có thể giúp DN đạt lợi thế cạnh tranh, đồng thời tăng hiệu quả hoạt động. Tuy nhiên, mục tiêu thiết yếu là đem lại giá trị mới phù hợp. Đây là điều cần thiết trong môi trường kinh doanh thay đổi nhanh chóng như hiện nay, nơi khách hàng đánh giá lại các ưu tiên và thay đổi thói quen sau Covid-19”, Ông Ryohei Oda, Tổng Giám Đốc ABeam Việt Nam nhận định. “Để chuyển đổi số thành công, DN cần có bước đi khôn ngoan ngay từ ban đầu để không lãng phí thời gian và nguồn lực”.
Tìm hiểu thêm chi tiết các giải pháp DX Chuyển Đổi Số của ABeam Consulting tại đây: https://www.abeam.com/jp/dx_strategy/en/
