Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp cần làm gì khi điểm kinh doanh, khu công nghiệp có ca Covid-19?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Doanh nghiệp cần làm gì khi điểm kinh doanh, khu công nghiệp có ca Covid-19?

Minh Duy

(KTSG Online) – Bộ Y tế vừa hướng dẫn cách xử lý khi lý khi điểm kinh doanh, khu công nghiệp có người mắc Covid-19. Bộ ưu tiên cách ly tại chỗ, hạn chế đưa người lao động ra nơi chưa có dịch và đưa ra ba tình huống giả định sau khi có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 cùng cách xử lý.

Doanh nghiệp cần làm gì khi điểm kinh doanh, khu công nghiệp có ca Covid-19?
Nhân viên y tế chuẩn bị lấy mẫu xét nghiệm tại một công ty ở TPHCM. Ảnh: HCDC

Những việc cần làm ngay khi có người mắc Covid-19

Hôm nay (5-6), Bộ trưởng Bộ Y tế đã ký ban hành "Hướng dẫn các phương án phòng, chống dịch khi có trường hợp mắc Covid-19 tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu công nghiệp".

Theo đó, khi xuất hiện trường hợp mắc Covid-19 tại 1 cơ sở sản xuất kinh doanh hoặc khu, cụm công nghiệp thì doanh nghiệp cần kích hoạt ngay các phương án phòng, chống dịch và quyết định phong tỏa tạm thời toàn bộ khu vực hoặc bộ phận, vị trí làm việc có trường hợp mắc bệnh (F0) dựa trên cơ sở tình hình thực tế.

Doanh nghiệp thực hiện cách ly các trường hợp F0 tại chỗ, thông báo ngay cho cơ quan y tế để chuyển cách ly, điều trị và thực hiện khoanh vùng, khử khuẩn.

Việc cần làm tiếp theo là thông báo tình hình cho tất cả người lao động đang có mặt, yêu cầu khai báo y tế, thực hiện 5K, ở yên một chỗ nhưng không để người lao động hoang mang, lo lắng.

Sau đó, rà soát toàn bộ người lao động theo danh sách quản lý; khẩn trương truy vết tất cả những người tiếp xúc gần (F1), những người tiếp xúc với F1 (F2); cách ly tập trung các F1 và cách ly tại nhà, nơi lưu trú với F2.

Trước khi đưa F1 đi cách ly tập trung, thực hiện phân nhóm theo vị trí làm việc cùng nguy cơ tiếp xúc để bố trí cách ly y tế trong cùng khu với những người có cùng vị trí làm việc và nguy cơ tiếp xúc.

Lập danh sách người lao động là F1, F2 cùng những người không có mặt tại thời điểm phong tỏa, gửi cho sở tế hoặc trung tâm y tế cấp huyện nơi người lao động đang lưu trú để xử trí theo quy định và phối hợp với cơ quan y tế thông báo cho người lao động ở yên tại nhà, nơi lưu trú, khai báo y tế và thực hiện các biện pháp phòng dịch.

Doanh nghiệp phối hợp với sở y tế cùng trung tâm kiểm soát bệnh tật của tỉnh lấy mẫu xét nghiệm cho người lao động theo nguy cơ và đánh giá mối liên quan dịch tễ của các điểm làm việc với khu vực có F0 để tính toán các bước xử lý tiếp theo.

Nguyên tắc chung về cách ly của Bộ Y tế là ưu tiên cách ly tại chỗ, hạn chế đưa người lao động ra nơi chưa có dịch, trừ trường hợp nơi sản xuất kinh doanh, khu, cụm công nghiệp không có chỗ cách ly tập trung.

Ba tình huống giả định sau khi có kết quả xét nghiệm

Tình huống 1 là phát hiện nhiều người bệnh làm việc tại hầu hết các phân xưởng, dây chuyền sản xuất, tổ sản xuất, khu vực sản xuất hoặc vị trí làm việc.

Khi đó, việc đầu tiên phải làm là cách ly các trường hợp F0 tại chỗ, thông báo ngay cho cơ quan y tế để chuyển cách ly, điều trị và thực hiện khoanh vùng, khử khuẩn theo quy định. Kế đó, khẩn trương truy vết tất cả F1, F2 của những F0 mới để thực hiện cách ly theo quy định.

Tất cả người lao động được coi là F1 và thực hiện cách ly tập trung ngay. Phong tỏa tạm thời toàn bộ cơ sở sản xuất kinh doanh và khu, cụm công nghiệp.

Những người có chức trách thông báo ngay cho chính quyền địa phương, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các cấp, khẩn trương điều tra, truy vết tất cả các trường hợp có liên quan và thông tin cho các cơ quan liên quan, các cơ sở sản xuất kinh doanh và khu, cụm công nghiệp lân cận biết.

Thêm vào đó, cần phải thiết lập phương án cách ly tập trung ngay tại chỗ trong trường hợp cần cách ly tập trung với số lượng lớn.

Ở tình huống 2, là trường hợp phát hiện nhiều người mắc bệnh tập trung trong cùng 1 phân xưởng hoặc dây chuyền sản xuất, tổ sản xuất, khu vực sản xuất, vị trí làm việc.

Lúc đó, cần cách ly các trường hợp F0 tại chỗ và thông báo ngay cho cơ quan y tế để chuyển cách ly, điều trị và thực hiện khoanh vùng, khử khuẩn theo quy định.

Khẩn trương truy vết tất cả các trường hợp F1, F2 của các F0 mới để thực hiện cách ly theo quy định. Tất cả người lao động trong cùng phân xưởng hoặc dây chuyền sản xuất, khu vực sản xuất, vị trí làm việc có trường hợp mắc bệnh được coi là F1, cần cách ly tập trung ngay.

Yêu cầu toàn bộ người lao động khai báo y tế bắt buộc với chính quyền địa phương và y tế cơ sở nơi cư trú để phối hợp theo dõi và quản lý.

Tình huống 3 là trường hơp không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh, tất cả các mẫu xét nghiệm âm tính. Lúc đó, doanh nghiệp thực hiện rà soát toàn bộ người lao động theo danh sách quản lý để tiếp tục theo dõi, giám sát.

Thêm vào đó, cần thực hiện xét nghiệm sàng lọc định kỳ để kịp thời phát hiện những người có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh.

Những yêu cầu để doanh nghiệp được sản xuất trở lại

Trước khi hoạt động trở lại, doanh nghiệp phải được kiểm tra, đánh giá các điều kiện về phòng, chống dịch trong sản xuất và có đầy đủ các phương án ứng phó khi có ca mắc Covid-19, được cơ quan thẩm quyền phê duyệt.

Doanh nghiệp cũng phải cam kết thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch cùng phương án tổ chức sản xuất và quy mô sản xuất do chính quyền địa phương quy định.

Doanh nghiệp chỉ được sử dụng người lao động đã được cơ quan chức năng xác nhận là kiểm soát được nguy cơ lây nhiễm trước ngày dự kiến làm việc 28 ngày và có 2 lần xét nghiệm với kết quả âm tính với SARS-CoV-2 trước thời gian dự kiến làm việc 14 ngày.

Nơi lưu trú cho công nhân phải đảm bảo các điều kiện an toàn theo quy định của cơ quan y tế. Ba ngày trước khi sản xuất trở lại, doanh nghiệp đón người lao động đến nơi lưu trú tập trung hoặc nơi lưu trú dã chiến và xét nghiệm nhanh SARS-CoV-2 cho toàn bộ người lao động.

Doanh nghiệp cũng phải thiết lập khu cách ly tập trung cho người lao động khi cần thiết và quản lý người lao động khép kín theo phân xưởng, tổ nhóm (dưới 30 người) từ nơi sản xuất đến khu vực ăn, ở. Các khu vực sản xuất phải được ngăn cách riêng biệt theo từng nhóm dưới 30 người.

Doanh nghiệp cần hạn chế tối đa sử dụng lao động thời vụ, nếu cần thiết phải cách ly tập trung 21 ngày tại nơi cách ly tập trung của công ty và phải có 3 lần xét nghiệm với kết quả âm tính mới được làm việc.

Cơ quan y tế cũng yêu cầu căn cứ vào tình hình dịch để giảm quy mô lao động từ 25-50% với những doanh nghiệp có trên 500 người lao động cùng nhiều yêu cầu khác.

Mời đọc thêm:

Nơi cách ly tập trung và điều trị Covid-19 được miễn, khách sạn được giảm tiền điện

Khoản đóng góp của doanh nghiệp cho quỹ vaccine được trừ khi tính thuế TNDN

Bắc Giang cho 6.000 công nhân đi làm trở lại, người từ TPHCM đến Đồng Nai cách ly 21 ngày

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới