Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp châu Âu gặp khó khi mở rộng hoạt động

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Doanh nghiệp châu Âu gặp khó khi mở rộng hoạt động

Bình Nguyên thực hiện

Doanh nghiệp châu Âu gặp khó khi mở rộng hoạt động
Chủ tịch EuroCham Preben Hjortlund. Ảnh: Bình Nguyên

(TBKTSG Online) – Dù luôn khẳng định các doanh nghiệp thành viên của Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) muốn hoạt động, đầu tư lâu dài tại Việt Nam, nhưng Chủ tịch EuroCham Preben Hjortlund cho rằng họ đang gặp nhiều vấn đề tại thị trường này. Niềm tin của các doanh nghiệp thành viên EuroCham vào triển vọng kinh doanh tại Việt Nam đã giảm dưới ngưỡng điểm trung bình.

TBKTSG Online: Niềm tin của các doanh nghiệp châu Âu về triển vọng của Việt Nam liên tục sụt giảm trong các quý gần đây và việc sụt giảm này sẽ ảnh hưởng thế nào đến các quyết định đầu tư, kinh doanh của họ tại thị trường này?

Ông Preben Hjortlund: Hầu hết các doanh nghiệp thành viên của EuroCham đến Việt Nam để kinh doanh, đầu tư và tìm các cơ hội làm ăn trong dài hạn. Tuy nhiên, hiện các doanh nghiệp đang nản lòng với tình hình kinh tế hiện tại và nhiều doanh nghiệp đang gặp khó trong việc mở rộng hoạt động tại thị trường này. Nếu môi trường kinh doanh không được cải thiện thì nguy cơ một vài thành viên EuroCham sẽ tìm thị trường khác cho việc kinh doanh của họ.

Đánh giá chung của EuroCham về môi trường kinh doanh, đầu tư tại Việt Nam ra sao khi năm 2012 sắp đi qua?

– Kết quả cuộc khảo sát lần thứ chín về “Chỉ số kinh doanh” thực hiện vào tháng 10-2012 cho thấy niềm tin và triển vọng kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp châu Âu về Việt Nam trong quí 4-2012 tiếp tục giảm. Chỉ số đã giảm xuống mức thấp nhất là 45 điểm (trong thang điểm 100) khi có đến 1/3 số doanh nghiệp tham gia tiếp tục có quan điểm không tích cực về tình hình hiện tại. So với cuộc khảo sát lần thứ tám, số doanh nghiệp thành viên tham gia đánh giá tình hình kinh doanh của họ ở mức tích cực cũng giảm. Khi được hỏi ý kiến về triển vọng kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong vòng 6 tháng tới thì có đến 72% số doanh nghiệp tham gia cho rằng tình hình sẽ khó khăn hơn. Điều này cho thấy các biện pháp mà Chính phủ thực hiện nhằm ổn định kinh tế chưa làm giảm mối lo của cộng đồng doanh nghiệp châu Âu.

Ông có thể cho biết lý do tại sao trong cuốn "Sách trắng 2013", EuroCham đã chỉ ra các vấn đề lớn liên quan đến giá cả, doanh nghiệp nhà nước và quyền sở hữu trí tuệ hơn là các vấn đề kinh tế vĩ mô mà Việt Nam đang giải quyết?

– Sách trắng là ấn phẩm để các doanh nghiệp thành viên EuroCham bày tỏ ý kiến, quan ngại về những vấn đề ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, đầu tư của họ. Sách Trắng 2013 nêu ra nhiều vấn đề trong các ngành, liên ngành; trong đó có ba vấn đề chính liên quan đến giá, vai trò của khối doanh nghiệp nhà nước (DNNN), quyền sở hữu trí tuệ. Đây là những vấn đề được xem là những tác nhân cho các bất ổn kinh tế vĩ mô mà Việt Nam đang phải đối mặt hiện nay.

Khối DNNN hiện đóng vai trò chủ chốt trong nhiều ngành kinh tế của Việt Nam và đây không phải là điều quan ngại. Vấn đề là ở chỗ trong các ngành các DNNN nắm vai trò chủ chốt thường nhận được nhiều ưu đãi liên quan đến vốn vay, khả năng tiếp cận đất… nhưng lại hoạt động không hiệu quả. Điều này ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Sách trắng 2013 có nhắc lại nhiều vấn đề mà chúng tôi đã đề cập đến trong Sách trắng 2012 vì quá ít thay đổi. Các luật, quy định có thể thay đổi, như trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ nhưng việc thực thi còn xa kỳ vọng. Hiện Việt Nam còn lợi thế cạnh tranh quốc tế về chi phí lao động. Chính phủ đã bày tỏ quyết tâm và sự cần thiết phải dần chuyển nền kinh tế chủ yếu dựa vào thâm dụng lao động sang các lĩnh vực công nghệ cao, giá trị gia tăng. Điều này chỉ có thể thành hiện thực nếu quyền sở hữu trí tuệ được bảo vệ, nếu Chính phủ đưa ra mục tiêu dài hạn và cam kết để thực hiện. Nếu không, các nhà đầu tư sẽ không đưa công nghệ vào Việt Nam và như thế kinh tế Việt Nam sẽ vẫn dựa vào chi phí giá rẻ.

Ông có nghĩ việc kiểm soát giá cả nhiều khi cũng có tác dụng tốt vì giúp kiềm những đợt tăng giá bất thường và kiềm lạm phát – là vấn đề mà Việt Nam đã phải vật lộn nhiều năm qua?

– EuroCham cho rằng một giải pháp hướng đến thị trường tự do sẽ buộc các công ty phải hoạt động với chi phí thấp nhất để đưa ra thị trường những sản phẩm có giá thấp hơn cho người tiêu dùng. Trong ngắn hạn, kiểm soát giá cả có thể phát huy tác dụng, nhưng trong dài hạn nó không đảm bảo khả năng doanh nghiệp thu hồi vốn đầu tư, và như thế sẽ ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư của doanh nghiệp và tăng trưởng kinh tế.    

Hiện trong nhiều lĩnh vực như năng lượng, điều chỉnh giá phải có sự đồng ý của các cơ quan chức năng trước khi chính thức được áp dụng. Biện pháp kiểm soát giá này đang gây lo lắng cho các nhà đầu tư mong muốn có thể tự định giá dựa trên nguyên tắc chi phí và cạnh tranh. Một nền kinh tế sẽ phát triển tốt nếu các doanh nghiệp được hoạt động trong môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng.

Năm 2012 là một năm khó khăn cho doanh nghiệp tại Việt Nam. Trong những khó khăn này, theo ông đâu là điểm tích cực của kinh tế Việt Nam?

– Dân số trẻ là một trong những lợi thế của Việt Nam, và nếu được phát huy đúng sẽ giúp tạo đòn bẩy cho tăng trưởng kinh tế. Điều này đã được chứng minh ở một số quốc gia như Hàn Quốc và tại châu Âu. Đây cũng là một trong những lý do giải thích tại sao doanh nghiệp thành viên EuroCham vẫn hy vọng và chuẩn bị cho đầu tư một khi môi trường kinh doanh tại Việt Nam được cải thiện. EuroCham cho rằng nếu Chính phủ giải quyết các vấn đề được nêu trong Sách trắng 2013 thì sẽ giải quyết các bất ổn kinh tế vĩ mô vì ấn phẩm này còn đưa ra các khuyến nghị, giải pháp dựa trên kinh nghiệm của chính doanh nghiệp tại Việt Nam và các thị trường khác.

Ông dự đoán kinh tế Việt Nam sẽ ra sao năm 2013 trong bối cảnh kinh tế châu Âu, Mỹ – hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam vẫn khó khăn?

– Chúng tôi chưa thấy nhiều biến chuyển trong tương lai gần vì ngành ngân hàng vẫn chưa thực sự được tái cấu trúc; nhiều vấn đề liên quan đến giá, vai trò của DNNN và quyền sở hữu trí tuệ chưa được giải quyết; châu Âu và Mỹ vẫn còn nhiều khó khăn nên có thể ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư vào Việt Nam. Tuy nhiên, cũng có những dấu hiệu tích cực khi một số công ty chuyến hướng kinh doanh vào Việt Nam.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới